Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Trương Hồ Phương Nga bị ông Cao Toàn Mỹ khởi kiện vì lừa đảo 16,5 tỷ đồng được Cơ quan điều tra phục hồi điều tra. Nếu Phương Nga được tuyên không có tội, Cao Toàn Mỹ có bị xử lý?
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư Hà Nội) có một góc nhìn về vấn đề này.
Thưa luật sư, nếu điều tra lại, Hoa hậu Phương Nga không bị kết tội, ông Cao Toàn Mỹ có bị xử lý?
Luật sư Đặng Văn Cường: Nếu trong trường hợp việc tố cáo là hoàn toàn sai sự thật, hoàn toàn không có việc ông Mỹ quen biết, đưa cho Hoa hậu Phương Nga số tiền 16 tỷ đồng và mục đích tố cáo, loan tin chỉ vì lý do tư thù cá nhân, hoàn toàn không đúng sự thật thì có thể bị truy cứu hình sự về tội Vu khống theo Điều 156 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Nếu không có tội, ông Cao Toàn Mỹ có bị xử lý?
Tuy nhiên, trong vụ án này, xét thấy nếu việc giao tiền là có thật, tuy nhiên lý do giao tiền là việc mua bán bất động sản hay hợp đồng tình ái thì là câu chuyện mà Cơ quan điều tra cần phải xác minh điều tra, làm rõ.
Trong vụ án này, nhận thấy cho dù Hoa hậu Phương Nga được tuyên vô tội thì cũng chưa đủ căn cứ để xử lý ông Cao Toàn Mỹ trừ trường hợp không có việc giao nhận tiền, việc tố cáo hoàn toàn sai sự thật.
Khi nào Cơ quan điều tra tiến hành phục hồi điều tra?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại Điều 235 BLTTHS quy định về Phục hồi điều tra thì khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể: Khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu việc điều tra bị đình chỉ theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 157 của Bộ luật này mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định phục hồi điều tra. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định phục hồi điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Như vậy, khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án thì Cơ quan điều tra phải ra Quyết định phục hồi điều tra.
Ngoài ra, Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại. Cụ thể, Điều 174 quy định:
Trường hợp phục hồi điều tra quy định tại Điều 235 của Bộ luật này thì thời hạn điều tra tiếp không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và không quá 03 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra.Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Phương Nga tại tòa
Việc gia hạn điều tra được quy định như sau: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 01 tháng. Đối với tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 03 tháng. Thẩm quyền gia hạn điều tra đối với từng loại tội phạm theo quy định tại khoản 5 Điều 172 của Bộ luật này.
Thưa luật sư, việc Cơ quan điều tra phục hồi điều tra vụ án, điều tra bị can sẽ là điều tra lại toàn bộ vụ án hay những điều Tòa án yêu cầu?
Luật sư Đặng Văn Cường: Sau khi Tòa án ra Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung thì Cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung dựa theo những vấn đề, căn cứ Tòa án đưa ra.
Sau đó, trong quá trình xét xử, Tòa án sẽ căn cứ vào kết luận điều tra bổ sung, các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, quá trình tranh tụng tại phiên tòa để có căn cứ đưa ra một Quyết định hoặc một Bản án theo quy định pháp luật.
Trong quá trình điều tra lại ông Cao Toàn Mỹ có được rút đơn bãi nại hay không?
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định pháp luật thì Điều 174 (lừa đảo chiếm đoạt tài sản) không nằm trong các trường hợp khởi tố theo yêu cầu bị hại được quy định tại Điều 155 BLTTHS về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.
Như vậy, đối chiếu quy định trên, Hoa hậu Phương Nga đang bị điều tra, truy tố, xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Nên khi có căn cứ về dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành khởi tố vụ án. Khi đó, dù có rút đơn trình báo thì cơ quan có thẩm quyền vẫn tiến hành giải quyết vụ án.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra bổ sung, ông Mỹ có quyền rút đơn trình báo. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu tội phạm thì việc rút đơn không làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án của Cơ quan có thẩm quyền.