Phiên chợ đồ cũ họp 1 lần/tuần vào sáng thứ Bảy trong một con ngõ nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình).
Không có bảng hiệu, không có nội quy, không có cổng,... gọi là chợ nhưng ở đây chỉ có khoảng 20 gian hàng, mỗi gian gói gọn trên chiếc bàn hơn 1m2. Đã thành lệ, hàng tuần, phiên chợ này được “mở ra” một cách âm thầm, nhưng vẫn thu hút được nhiều người yêu thích cổ vật, ưa hoài niệm.
Người đến chợ đồ cũ không chỉ để mua, mà còn tìm lại những nét thanh tao từng “vang bóng một thời”. Thường các món đồ đem đến bày bán đều là của dân sưu tầm. Nhiều người bán không quá quan trọng chuyện bán được hay không, lãi bao nhiêu, chủ yếu mở rộng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.
Những món đồ từng xuất xứ ở những thời điểm lịch sử khác nhau. Từ những món được giới thiệu trên 100 trăm năm đến những đồ dùng còn sót lại từ thời bao cấp như bát sành, bát sứ, lọ hoa, đèn dầu, đồng hồ đeo tay, bàn là, mâm đồng, kính mắt, đèn Hoa Kỳ, các loại tiền mệnh giá cũ của Việt Nam và các nước… Thậm chí đến tạp chí, tranh ảnh Hà Nội xưa hay ca đựng nước, cặp lồng cơm, thìa, bát nhôm từ thời bao cấp.
Đa phần người bán, người mua đều là những người “sành” hoặc có ít nhiều hiểu biết về đồ cổ, đồ cũ. Họ gặp nhau để cùng nhau chia sẻ niềm đam mê với đồ cổ, bàn luận về những giá trị xưa cũ.
Kinh doanh đồ xưa cũ khoảng 20 năm, anh Bình, 40 tuổi (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình), chủ một gian hàng trong chợ cho biết: “Tôi không quá lệ thuộc vào lời lãi mà là mấy chục năm gắn bó với nghề, muốn giữ gìn truyền thống cha ông để lại. Đến với phiên chợ chủ yếu là để gặp mặt, giao lưu với những người yêu thích đồ xưa”. Việc mua bán, trao đổi những món đồ cũ vào mỗi dịp cuối tuần cũng mang nhiều ý nghĩa tinh thần và cầu mong sự may mắn. "Ví như mua đèn dầu, thắp đèn sáng quanh năm mang ý nghĩa cả năm sẽ luôn ấm no và sung túc", anh Bình lý giải.
Anh Hoàng (Ba Đình, Hà Nội), một khách hàng thường ghé chợ đồ cũ vào mỗi dịp cuối tuần chia sẻ: “Đến chợ như thấy được tuổi thơ cách đây vài chục năm ùa về. Cảnh người mua, người bán nhộn nhịp với nét mặt hân hoan khiến tôi liên tưởng tới các phiên chợ xưa, giờ chỉ còn trong hoài niệm”.
Nằm trong con dốc nhỏ ở ngõ 456 Hoàng Hoa Thám, phiên chợ “xưa” nằm nép mình trong khoảng không gian chỉ vài trăm m2 của Lư trà quán.
Cứ mỗi sáng thứ 7 khách hàng lại nườm nượp tìm đến phiên chợ “xưa” để cùng ngắm nghía, trao đổi, mua bán những món đồ cũ, đồ cổ mà người bán đã dày công sưu tầm.
Chợ chỉ khoảng trên 20 “gian hàng”, gọi là vậy chứ mỗi gian chỉ gói gọn trên chiếc bàn hơn một m2, không có bàn thì trải nilon bày ngay dưới sân.
Ở phiên chợ này, người cho thuê địa điểm không lấy tiền, người đến mua thì vào cửa tự do...
... người bán hàng cũng không phải trả lệ phí thuê chỗ, nếu muốn thì đăng ký và mang các món đồ đến bán hàng.
Trên các sạp hàng luôn đầy ắp các món đồ không theo một chủ đề nhất định, người bán sưu tầm được gì thì bán đồ đó, người mua cũng tỉ mẩn tìm kiếm, ngắm nghía từng món hàng.
Các loại tiền giấy từ thời bao cấp cho tới thời bình cũng được bày bán nhiều tại đây.
Cẩn thận ngắm từng tờ tiền giấy.
Đa phần, các món đồ ở đây đều có giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng.
Tiền 2 USD ra đời năm 1976 có giá 150 nghìn đồng/tờ.
Nhiều người đến với phiên chợ đồ xưa mong muốn tìm lại những món đồ gắn bó với một thời kỳ lịch sử của dân tộc. Trong ảnh là một gian hàng bày bán những kỉ vật thời chiến tranh như: gi-đông, mũ cối, đầu đạn..
Những cổ vật ở đây, tuy không còn nguyên vẹn nhưng người mua vẫn thích thú khi sở hữu chúng vì “sự hiếm” ít ai có được.
Chiếc lư hương có giá 15 triệu đồng được bày bán tại phiên chợ.
Những chiếc điện thoại, từng là phương tiện liên lạc thời bao cấp.