Ngày Thất Tịch là gì, nguồn gốc và ý nghĩa

Ngày 18/08/2020 09:44 AM (GMT+7)

Ngày Thất Tịch được cho là ngày lễ tình yêu theo văn hóa phương đông và có nguồn gốc từ Trung Hoa. Diễn ra vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm, ngày này được gắn liền với câu truyện truyền thuyết trong lịch sử liên quan đến Ngưu Lang và Chức Nữ, một trong Tứ đại dân gian truyền thuyết của Trung Hoa.

Thất tịch còn có các tên gọi khác như Khất Xảo Tiết (Lễ hội thể hiện tài năng), Thất Thư Đản, Xảo Tịch. Theo như truyền thuyết, thì hàng năm, cứ đến ngày 7 tháng 7 thì Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau một lần bên cầu Ô Thước sau một năm xa cách.

Nguồn gốc về ngày Thất Tịch ở Trung Quốc

Truyện kể về câu chuyện tình yêu của chàng Ngưu Lang là một anh chàng chăn trâu ở hạ giới, là người tốt tính, ăn ở lương thiện và chăm chỉ làm ăn. Trong một lần tình cờ chăn trâu ở bờ sông, Ngưu Lang đã gặp một nàng tiên là Chức Nữ có nhan sắc tuyệt trần là con gái của Thiên Hậu trên trời. Anh đã đem lòng mến thương và tình yêu của họ đã được đơm hoa kết trái ngọt, sinh được một người con trai và một người con gái.

Thế nhưng, một ngày Chức Nữ phải rời bỏ Ngưu Lang và các con để quay về trời làm công việc dệt mây ngũ sắc theo lệnh của Thiên Hậu. Không đành lòng nhìn vợ ra đi, Ngưu Lang đau khổ, nhớ thương vợ nên đã dẫn theo hai người con đuổi theo nhưng không qua được con sông Thiên Hà do Thiên Hậu tạo ra để ngăn cách người phàm tục với thần tiên. Thế nhưng, Ngưu Lang và hai người con nhất quyết không chịu rời đi mà chờ đợi đến khi Chức Nữ trở về. Từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà có thêm một ngôi sao sáng là sao Ngưu Lang và hai ngôi sao nhỏ bên cạnh. Động lòng trước tình cảm chân thành của Ngưu Lang dành cho Chức Nữ, Thiên Hậu đã đồng ý cho họ được gặp nhau, đoàn tụ một ngày trên cầu Ô Thước được tạo bởi đàn quạ trời vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm tức là ngày Thất Tịch.

Ngày Thất Tịch là gì, nguồn gốc và ý nghĩa - 1

Ảnh minh họa Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau ngày 7 tháng 7

Nguồn gốc về ngày Thất Tịch ở Việt Nam

Ngưu Lang là vị thần với tài thổi tiêu chăn trâu ở trên thiên đình. Một lần, trâu đi lạc vào khu dệt vải của tiên nữ tên là Chức Nữ và hai người đã gặp nhau. Chạm mặt lần đầu nhưng Ngưu Lang đã say mê Chức Nữ nên bỏ bê việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên hay trốn đi bỏ bê việc dệt vải. Ngọc Hoàng biết chuyện giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người ở đầu sông Ngân, kẻ cuối sông.

Tuy cách xa nhau nhưng vẫn luôn thương nhớ về nhau không nguôi, Ngọc Hoàng thương tình nên ban ơn cho Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau một lần trong năm vào ngày 7 tháng 7 âm lịch. Sau khi tiễn biệt, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.

Ngày Thất Tịch là gì, nguồn gốc và ý nghĩa - 2

Ngày Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau

Ý nghĩa ngày Thất Tịch trong văn hóa Trung Quốc

Ngày Thất Tịch ở Trung Quốc là ngày hội truyền thống, vào ngày này, các cô gái trẻ thường ăn mặc thật đẹp, trưng bày các sản phẩm nghệ thuật mà họ tự tay làm ra để cầu mong lấy được người chồng tốt, biết yêu thương và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, truyền thống này đang bị mai một ở rất nhiều nơi.

Ngày Thất Tịch là gì, nguồn gốc và ý nghĩa - 3

Phụ nữ Trung Quốc trưng bày các sản phẩm thủ công tự làm để thể hiện sự khéo léo và tài giỏi

Với xu hướng du nhập văn hóa đa dạng từ các nước trên thế giới, đặc biệt là phương Tây nên các ngày lễ truyền thống như lễ Thất Tịch ít được chú ý, nếu các lễ hội về tình yêu thì Valentine (14/2) là ngày mà được giới trẻ nước này quan tâm nhất mặc dù Trung Quốc cũng có ngày lễ tình nhân riêng.

Ý nghĩa ngày Thất Tịch đối với người Việt

Ngày Thất Tịch ở Việt Nam đã xuất hiện từ lâu và nay được giới trẻ, đặc biệt là những người đang còn độc thân rất quan tâm.

Ngày Thất Tịch là ngày mà các bạn trẻ còn độc thân sẽ đến chùa, làm lễ thắp hương cầu tình duyên thuận lợi, gặp được ý trung nhân theo như ý. Những cặp đôi yêu nhau đi lễ chùa cầu cho duyên phận bền lâu, trăm năm bên nhau hạnh phúc.

Món ăn đặc biệt được chú ý đó là món chè đậu đỏ, ăn chè đậu đỏ trong ngày 7 tháng 7 này với suy nghĩ tâm linh là sẽ không còn độc thân, cô đơn nữa mà sẽ tìm được người yêu, người chồng ưng ý của cuộc đời mình.

Ngày Thất Tịch là gì, nguồn gốc và ý nghĩa - 4

Chè đậu đỏ là món ăn đặc trưng ngày Thất Tịch

Ngày Thất Tịch 7 tháng 7 cũng là ngày mà “ông Ngâu bà Ngâu” được gặp nhau, khi chia tay khóc vì phải xa nhau nên trời đổ mưa Ngâu. Và cũng trong tháng 7 này, người dân Việt Nam thường kiêng chuyện cưới hỏi, làm những việc có đôi có cặp để tránh gặp phải điều không may mắn đến với mình như ông Ngâu và bà Ngâu.

Ngày Thất Tịch tại Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, ngày Thất Tịch có tên gọi là Chilseok cũng được bắt nguồn từ Trung Quốc. Đây là lúc bắt đầu kết thúc mùa khô, nắng gắt chuyển sang mùa mưa cũng là lúc bí ngô và dưa chuột bắt đầu phát triển tốt và được dâng lên cho Thiên Hoàng.

Theo truyền thống, người Hàn Quốc quan niệm, để có sức khỏe tốt, họ sẽ ăn bánh bột mì và bánh mì nướng, bánh kếp và tắm vào ngày này. Chilseok cũng là thời điểm cuối cùng để thưởng thức các món ăn làm từ lúa mì, vì những cơn gió lạnh sau Chilseok làm hỏng hương thơm của lúa mì.

Ngày Thất Tịch là gì, nguồn gốc và ý nghĩa - 5

Lễ hội Thất Tịch tại Hàn Quốc

Ngày Thất Tịch tại Nhật Bản

Tại Nhật Bản, ngày lễ Thất Tịch được gọi là Tanabata còn được gọi là Lễ hội Sao có nguồn gốc từ Trung Hoa. Với ý nghĩa để kỷ niệm ngày gặp gỡ của Orihime sao Chức Nữ và Hikoboshi tức sao Ngưu Lang nhưng được tổ chức theo dương lịch chứ không phải âm lịch.

Vào lễ Thất Tịch (Tanabata) ở Nhật Bản, người dân thường viết những điều ước trên đoản sách hay những mảnh giấy nhỏ và treo chúng trên cành tre được thả nổi trên sông hoặc bị đốt cháy sau lễ hội.

Ngày Thất Tịch là gì, nguồn gốc và ý nghĩa - 6

Ngày lễ Thất Tịch tại Nhật Bản

Thất Tịch 2020 vào ngày nào trong năm

Theo âm lịch là ngày 7 tháng 7 hàng năm, cố định nhưng đối với dương lịch thì lại có sự thay đổi. Cụ thể

- Ngày dương lịch của lễ Thất Tịch năm 2020 vào thứ 3 ngày 25-08

- Ngày dương lịch của lễ Thất Tịch năm 2021 vào thứ 7 ngày 14-08

- Ngày dương lịch của lễ Thất Tịch năm 2022 vào thứ 5 ngày 04-08

Thất Tịch ăn đậu đỏ sẽ may mắn tình duyên: Chè đậu đỏ đồng loạt cháy hàng
Chưa biết truyền thuyết về ngày Thất Tịch này có ứng nghiệm hay không nhưng hôm qua (7/8) các chủ quán chè đã bán sạch món chè đậu đỏ.
S.S
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tháng cô hồn