Từ bỏ bằng cử nhân kinh tế với công việc có thu nhập ít ỏi tại thành phố, chị Nguyễn Thị Phượng về quê mở trang trại nuôi dúi, kiếm tiền tỷ.
“Cho ăn học chẳng khác nào đốt tiền” là cách mà ba mẹ chị Nguyễn Thị Phượng (Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Đà Nẵng) nói khi nghe con gái quyết định từ bỏ tấm bằng cử nhân đại học kinh tế Đà Nẵng, về quê khởi nghiệp với nghề nuôi con dúi.
Khi đó, chẳng ai ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Đà Nẵng biết “con dúi mặt mũi trông như thế nào”. Con dúi là loài gặm nhấm, dúi ăn đêm ngủ ngày, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn chỉ là thân cây, củ các loại. Con trưởng thành nặng 0,7-2 kg, thịt thơm ngon có thể chế biến thành nhiều món nhậu, món đặc sản.
Chị Phượng bên chuồng dúi của mình.
Muốn nuôi dúi, người dân cần xin phép kiểm lâm, xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của con vật. Khi đó, chị Phượng vét hết tiền tiết kiệm được 15 triệu, bắt xe lên tận Thái Nguyên mua được 10 con dúi, nhưng di chuyển về đến nhà thì chết mất 9 con do đi bằng xe du lịch, dúi không quen nhiệt độ thay đổi đột ngột.
Bài học đầu tiên khiến chị Phượng suýt thì từ bỏ, thế nhưng không. Chị tiếp tục bán vàng, được 35 triệu làm chuồng và mua một đợt giống khác. Chị lên mạng học hỏi kinh nghiệm, thời gian đầu, đàn dúi chết lác đác do chăm chưa đúng kỹ thuật. Vừa làm, chị vừa học hỏi, dần dần rút được kinh nghiệm thiết kế chuồng trại ấm vào mùa lạnh, mát vào mùa nắng để tránh vật nuôi bị mắc bệnh. Chị hoàn toàn sử dụng thức ăn tự nhiên như tre, mía, cỏ voi, khoai lang, cây sắn.
Chuồng nuôi dúi thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, 100m2 có thể nuôi được trên dưới 400 con dúi. Chuồng có thể xây hoặc sử dụng gạch men lát nhà kích thước 60 x 60 cm dựng lên thành ô vuông. Đặc biệt, chuồng phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
Dúi mẹ mỗi năm sinh sản 3 lứa, được 6-7 con. Sau ba năm, chị Phượng sở hữu trang trại dúi với 100 con sinh sản.
Đã 14 năm kể từ ngày bị mắng đó, đến nay chị Phượng đã sở hữu trang trại nuôi dúi quy mô lớn, mỗi năm bán ra thị trường hàng nghìn con dúi giống lẫn thịt. Trang trại chia làm hai khu riêng biệt, một khu phía sau nhà rộng hơn 100m2 nuôi gần 200 con từ dúi nhỏ đến dúi bố mẹ để trưng bày và giới thiệu khi khách đến tham quan, học hỏi mô hình. Một khu rộng hơn 200m2, cách nhà khoảng 300 m, nuôi hơn 200 con dúi sinh sản. Chị liên kết thêm nhiều hộ chăn nuôi khác để mở rộng mô hình, cung cấp con giống và đảm bảo thu mua thương phẩm cho người nuôi.
Bình quân mỗi tháng chị Phượng bán 500-700 con dúi thương phẩm, thị trường chủ yếu các tỉnh phía Nam, giá dao động 550.000-650.000 đồng/kg. Dúi giống khoảng 300 con, giá 0,8-3 triệu đồng một cặp. Mỗi năm nuôi dúi giống và bao tiêu sản phẩm, chị Phượng thu về gần một tỷ đồng, trừ các chi phí lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.
Cũng giống như chị Phượng, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh từ năm 2002, mặc dù đã đứng trên bục giảng 4 năm, nhưng sau đó anh Nguyễn Đức Trường không tiếp tục theo nghề giáo viên mà chọn con đường xuất khẩu lao động để mong muốn sớm có vốn tích lũy. Sau 2 năm lao động ở nước ngoài, năm 2014, từ quê hương xã Bắc Thành, anh quyết định lên xã miền núi Minh Thành (Yên Thành) để lập nghiệp sau đó mua đất tại xóm 8, xã Minh Thành, kết hợp với ươm cây giống là nuôi dúi.
Anh Trường cho biết, đầu năm 2023, sau khi xây dựng xong hệ thống chuồng trại, khởi đầu với 70 cặp dúi sinh sản, vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm từ tài liệu, đến nay đàn dúi đã nhân lên 300 cặp. Sở dĩ đàn dúi tăng nhanh là do dúi mẹ mỗi năm sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 1 - 4 con. Thấy nhu cầu thị trường cao, nhiều người dân trong vùng đến tìm hiểu cách nuôi và được anh hướng dẫn, cung ứng con giống.
Anh Trường bên trang trại dúi.
Dúi nuôi mang lại giá trị cao, thị trường tiêu thụ tốt, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân trong chăn nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Nhờ có loại động vật này, nhiều gia đình đã từ thoát nghèo trở thành tỷ phú, xây dựng đời sống gia đình đầy đủ, cuộc sống cũng từ đó mà đổi thay.
Anh Trương Dụng (Sinh năm 1976, ngụ ấp 61, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 61, kể lại: “Năm 2018, đọc báo thấy một số người có cuộc số khá lên nhờ nuôi con dúi. Lúc đó tôi quyết định bỏ ra 10 triệu đồng để mua 5 cặp giống dúi (4 con đực, 6 con cái) về nuôi thử. Dúi giống có trọng lượng khoảng 800 gram/con, mua về nuôi thêm 4 tháng trọng lượng tăng lên 1,8 - 2 kg, lúc đó tôi cho phối giống.
Anh Dụng khoe thành phẩm dúi chuẩn bị xuất chuồng.
“Mỗi tháng tôi xuất chuồng từ 10 - 15 con (trọng lượng từ 1,8 - 2 kg/con), giá bán thấp nhất 800.000 đồng/kg. Vào mùa khô, hàng khan hiếm nên giá bán cao hơn (từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/kg dúi), thu về trung bình từ 15 - 23 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ công chăm sóc cũng lời khoảng 13 - 18 triệu đồng/tháng, vị chi mỗi năm cho lãi ròng gần 200 triệu đồng”, anh Trương Dụng cho biết. Với nhiều người dân ở nông thôn, mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng là rất cao, đủ đáp ứng cho gia đình 3-4 người lớn, sống thoải mái. Nhờ con dúi, gia đình anh Dụng có cuộc sống ổn định, được đánh giá là một trong những nông dân trẻ tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai.