Khi được thu hoạch đúng cách thì cây đoák sẽ cho ra thứ rượu màu trắng, có chút vị cay cay tê tê, mùi thơm nồng và hoàn toàn không gây ra tình trạng say xỉn cho người uống.
Từ cuối tháng Chạp năm nay đến tháng Giêng - mùa giáp hạt năm sau, bà con người đồng bào dân tộc Bana ở xã Đắk Pling (huyện Kông Chro, Gia Lai) vào rừng lấy rượu từ cây đoák. Đây là thời điểm chín muồi để lấy rượu, bởi cây đoák bắt đầu trổ bông, kết trái sẽ cho lượng rượu dồi dào, thơm nồng hơn trong năm.
Cây đoák có vẻ ngoài nhìn rất giống với cây đùng đình nhưng lớn hơn gấp nhiều lần, những cây trưởng thành có thể cao hơn 20m. Từ gốc cây lên đến ngọn có nhiều bẹ lá chỉa ra xung quanh. Thời điểm ra hoa, cây đoák nở ra hoa thành buồng như buồng cau, có những buồng còn to lớn, dài hơn 2m.
Thu hoạch rượu đoák.
Không biết cây đoák có xuất xứ ở đâu và từ bao giờ, nhưng từ đồi ông bà tổ tiên của các già làng lại Đắk Pling đã biết cách vào rừng tìm cây đoák lấy rượu rồi truyền lại cho con cháu đời sau. Nam thanh niên trong làng không ai là không biết cách lấy rượu từ cây đoák. Thế nhưng món đặc sản của dân tộc Bana này thường bị “giấu kín”, ít khi khách du lịch đến bản làng được tiếp đãi món rượu quý của trời (còn gọi là rượu trời).
Mãi cho đến vài năm gần đây, đặc sản rượu đoák mới nổi tiếng khắp vùng gần xa. Từ loại rượu vốn được tìm kiếm và thu hoạch thủ công, nay đã được đóng chai, xuất xưởng, thậm chí vào tận các cửa hàng bán rượu, cửa hàng tạp hoá, siêu thị, cửa hàng đặc sản… và được rộng rãi khách hàng biết đến. Cũng từ đó, nghề trồng cây đoák thu hoạch rượu trở thành nghề chính kiếm tiền triệu mỗi ngày của nhiều người nông dân tại Đắk Pling.
Nếu lành nghề, mỗi ngày có thể thu hoạch từ 5-10 lít rượu đoák.
Mỗi ngày, anh Tuỳ Klieng (43 tuổi, Đắk Pling) đều đặn thu hoạch 5 lít rượu đoák từ những cây đoák cổ thụ trong khu vực gần nhà. Quy trình lấy loại rượu trời này khá phức tạp, nhưng anh Klieng lại là một trong số những người “lão luyện” trong nghề nên quy trình chuẩn bị thành thục chỉ diễn ra trong 10 phút. Để thu hoạch rượu cây đoák, người làm cần chuẩn bị một chiếc rìu thật bén, đo khoảng cách từ ngọn ra cuống cây tầm 2 gang tay, rồi chặt một nhát thật dứt khoát.
Cách làm này sẽ lấy được rượu nhiều, chất lượng nước cũng tốt nhất. Mặt khác, việc làm này sẽ hạn chế cây bị nhiễm khuẩn gây bệnh cho cây thay vì khoét thẳng vào thân để lấy nước. Nước từ thân cây từ từ chảy ra, anh Klieng hứng vào chiếc chum có cột sẵn dây mây ở phần miệng bình. Với những cây đoák cao, một chiếc thang thật cao sẽ là “trợ thủ đắc lực” giúp cho việc thu hoạch rượu trở nên dễ dàng và an toàn hơn. Trung bình một cây đoák có thể thu hoạch từ 30 - 50 lít rượu trời, nhưng người dân tại Đắk Pling chỉ lấy từ 5-10 lít, phần còn lại giữ để cây “hồi sức”, khai thác lâu dài.
Theo kinh nghiệm của anh Klieng, khi lấy rượu thì họ phải lựa những cây có tuổi thọ hơn 15 năm. Lúc này rễ cây đã đâm sâu vào lòng đất, hấp thụ chất dinh dưỡng từ nước suối thiên nhiên, từ đó cho ra hương vị ngọt dịu nhẹ đặc trưng của rượu. Bên cạnh đó, khoảng cách từ cây đến bờ suối cũng là một trong những yếu tố quyết định độ ngon của rượu. Trong đó, những cây đoák mọc xa bờ suối sẽ tiết ra ít rượu hơn bình thường, còn những cây mọc cạnh bờ suối lại cho ra thứ rượu có mùi vị hơi chua.
Loại rượu không thể thiếu trong mỗi bữa tiệc của người dân Bana.
Khi được thu hoạch đúng cách thì loại cây này sẽ cho ra thứ rượu màu trắng, có chút vị cay cay tê tê, mùi thơm nồng và hoàn toàn không gây ra tình trạng say xỉn cho người uống. Lúc mới lấy từ cây ra thì nước trong vắt, uống vào có vị ngọt, mát như nước dừa. Sau khi bỏ men lá vào thì nước chuyển sang mà trắng đục như nước vo gạo, có vị cay nồng của rượu, thơm ngọt. Bình thường, rượu đoák chỉ dùng trong khoảng 2-3 ngày sau khi lấy rượu, để lâu rượu sẽ mất mùi vị uống không ngon nữa, nếu để tủ lạnh có thể dùng được 1 tuần. Loại rượu trời này được bán ngoài thị trường với giá đắt đỏ, từ 100.000 - 200.000 đồng/lít, thế nhưng đến tận bản Đắk Pling để thu mua thì anh Klieng cho biết người dân tại đây chỉ bán rượu cho thương lái với giá vài chục ngàn đồng/lít.
Bù lại, rượu từ cây đoák rất đắt khách, mỗi ngày thu hoạch 5-10 lít, anh Klieng đều bán hết vì thương lái đến tận nhà hỏi mua. Lấy công làm lãi, mỗi ngày anh nông dân thu về vài trăm, thậm chí là cả triệu đồng. So với công việc trồng các loại cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả kinh tế thì rượu đoák đã mang lại nguồn thu nhập dồi dào cho gia đình anh. Nhiều năm gắn bó với nghề, đến nay anh Klieng đã sửa sang được căn nhà, sắm thêm xe máy mới và nhiều vật dụng trong nhà, các con đều được đến trường, cuộc sống dần đi vào ổn định hơn so với trước.
Lễ mừng lúa mới của đồng bào Bana.
Trong vùng, nhiều nông dân đã theo nghề thu hoạch rượu đoák mà đổi đời giống anh Klieng. Già làng Đinh Êl vừa vui, vừa tự hào về loại rượu truyền thống đã mang lại sức sống mới cho thôn bản, chia sẻ: “Rượu đoák thơm nồng, vị không gắt như rượu gạo nên uống không có mồi cùng thơm ngon, khi có khách quý hoặc trong các dịp lễ của làng mới làm heo, làm gà. Rượu này uống không đau đầu nên đàn ông, phụ nữ đều dùng được”. Biết ơn loại cây này, người dân tại bản Đăk Pling đều nâng niu bảo vệ cây như “báu vật” của làng.