Nhờ nuôi loài chim lạ để bán cho khách có nhu cầu “giữ nhà” thay chó hoặc làm cảnh mà nhiều nông dân đã trở thành triệu phú.
Chim trích cồ (có nơi còn gọi là trích xanh, công nước, công đất…) vốn là loài chim hoang dã thường xuất hiện nhiều ở các cánh đồng vùng chiêm trũng ở đồng bằng Bắc bộ, miền Tây và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Loại chim này có dáng vóc không lớn, song phần lông ức có màu xanh mướt nổi bật trên nền lông đen của phần lưng, đặc biệt mỏ và mồng có màu đỏ nên được đánh giá là có tính thẩm mỹ cao, có thể nuôi làm chim cảnh rất phù hợp.
Nhiều năm trở lại đây, số lượng loài chim này ngoài môi trường tự nhiên ngày càng ít đi và trở nên quý hiếm do nạn săn bắt chim trời tràn lan, đồng thời do môi trường thay đổi và trong quá trình trồng trọt sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều nông dân đã thử nhân giống và nuôi loại chim này theo mô hình trang trại để thử nghiệm và mang lại kết quả vô cùng khả quan.
Chim trích cồ có màu sắc đẹp, đôi chân dài và bộ móng sắc nhọn.
Ông Bùi Văn Triều, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), cho biết: “Trước đó chim trích cồ xuất hiện rất nhiều và thường xuyên phá lúa. Vì vậy, cứ đến mùa lúa trổ bông, tôi thường cùng gia đình ra đồng để đuổi loài chim này. Sau này không còn chim trên ruộng nữa do chúng dần bị tuyệt chủng hết. Tôi thấy chúng đẹp nên tìm khắp nơi mua về làm cảnh, không ngờ lại thành cái nghề để mưu sinh”.
Từ một cặp trích cồ trống - mái, ông Triều mua với giá 300.000 đồng, sau 6 tháng nuôi đã “trổ mã” xinh đẹp với màu lông xanh mướt, mỏ mào chân đỏ tươi. Loại chim rất dễ nuôi, có thể nuôi nhốt trong chuồng hoặc thả rông trong vườn nhà như gà, vịt… thức ăn cho chim cũng chỉ bao gồm lúa, cám gà hoặc các loại côn trùng như dế, sâu hoặc các loại rau củ quả như rau muống, bèo lục bình, dưa leo…
Khó khăn nhất trong quá trình nuôi chim trích cồ là khi chim non vừa chào đời, phải giữ ấm cho chúng và mớm cho chúng ăn tới khi được 15 ngày tuổi.
Sau khi nuôi từ 15-18 tháng, chim trích cồ có trọng lượng từ 0,6-0,8kg sẽ bắt đầu sinh sản. Mỗi năm chúng đẻ từ 6-8 lứa, mỗi lứa 4-8 trứng. Một năm sau khi nuôi cặp chim trích cồ, ông Triều nhân giống thành công lứa đầu tiên với 4 chú chim non, sau 15 ngày, chim non cứng cáp hơn thì cho chúng tập ăn và tự ăn như chim lớn. Khách đến nhà ông Triều chơi thấy giống chim lạ, hỏi mua một cặp với giá 2.000.000 đồng.
Nhận thấy “tiềm năng” từ việc nuôi chim trích cồ, ông Triều bắt đầu tập trung nghiên cứu kỹ thuật nhân giống loài chim này số lượng nhiều để nuôi theo mô hình trang trại. Theo ông, thường những người chơi chim trích cồ không chỉ vì vẻ đẹp của chúng mà còn là bởi bản tính dữ tợn.
“Bản tính của loài chim này rất dữ tợn, nhất là vào mùa sinh sản. Nếu gặp người lạ, chúng kêu điếc tai, chạy bổ đến há mỏ để mổ và dùng bàn chân vừa dài vừa sắc nhọn như lưỡi câu đá tới tấp. Vì thế nhiều người bảo, chúng có thể giữ nhà như chó”, ông Triều cho hay.
Loài chim này được mệnh danh hung dữ, có thể giữ nhà thay chó
Đặc biệt, so với các loại gia cầm khác, chim trích cồ giữ giá và không bị biến động nhiều theo thị trường. Hiện tại, chim giống 1 tháng có giá 250.000 đồng/con, chim 5 tháng là 500.000 đồng/con, chim sinh sản có giá từ 2-3 triệu đồng/cặp. Trung bình một con trích cồ mái, mỗi năm cho thu nhập từ 3-5 triệu đồng từ việc cho sinh sản, chim giống sinh ra đến đâu bán hết đến đó còn “cháy hàng”.
Chỉ với 2 con giống ban đầu gây nuôi sinh sản, đến nay, ông Triều hiện có trên 30 con đang ở lứa sinh sản, cho ông thu nhập trên 20 triệu đồng/năm.
Nhờ những yếu tố này, không chỉ ông Triều mà rất nhiều hộ gia đình ở các địa phương vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long như Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang… đã nuôi sinh sản chim trích cồ để phát triển kinh tế gia đình. Anh Huỳnh Thế Thái (Chợ Gạo, Tiền Giang) cũng là một trong số những nông dân học hỏi mô hình này để nuôi chim trích cồ ngay trong vườn nhà.
Có thể nuôi thả chim trích cồ trong vườn nhà, sân…
“Môi trường nuôi trích cồ cũng không quá phức tạp, như mình tận dụng vườn cây ăn trái được rào chắn xung quanh là có thể nuôi được. Trích cồ được nuôi thả lan trong vườn có thể ăn thịt cá, lúa, rau, củ quả các loại nên không tốn nhiều chi phí thức ăn cũng như công chăm sóc”, anh Thái cho biết. “So với nuôi gà vịt, chim trích cồ có lời lớn hơn do chúng ăn ít hơn các loài kia, còn có giá cao hơn nên dù có tốn thời gian nuôi hơn nhưng vẫn có biên lợi nhuận tốt”.
Thế nhưng anh Thái cũng nhận thấy chim trích cồ chỉ có thể sinh sản trong không gian rộng rãi có nhiều cây cối (giống như thiên nhiên), có ao nước. Nếu nuôi nhốt trong môi trường chật hẹp, trích cồ sẽ khó sinh sản. Do vậy, cần phải nghiên cứu đặc tính của loài chim này để tránh tình trạng nuôi không hiệu quả.
Về bản tính hung dữ của chim trích cồ, theo anh Thái, đây là loài chim hoang dã và thích bảo vệ lãnh thổ nên khi đến kỳ sinh sản loài chim này mới trở nên hung dữ còn bình thường chúng rất hiền, có thể nuôi thả rông như gà vịt trong nhà. “Những lần tôi đi xe về, bọn chúng ùa ra quây quần như chó mừng chủ đi xa về", anh Thái kể.