Ong khoái được coi là một trong những loại ong cho mật tốt nhất thế giới, có giá lên đến cả triệu đồng/lít. Tuy nhiên, nghề săn mật của loài ong này vô cùng nguy hiểm bởi chúng cực kỳ hung dữ.
Ghé bản Huổi Men, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La tìm gặp anh Ly A Mua (sinh năm 1998) – người được mệnh danh "cao thủ" săn ong khoái có tiếng ở vùng. Chàng trai trẻ với dáng người nhỏ nhắn nhưng chân tay cực kỳ nhanh nhẹn, trèo đèo lội suối thoăn thoắt. Đặc biệt, kỹ năng lấy mật ong khoái của A Mua vô cùng thuần thục khiến chàng trai này nổi danh khắp vùng.
Ong khoái – A Mua được mệnh danh là “cao thủ” săn loại ong này.
Ong khoái là loại ong mật khổng lồ phân bổ nhiều ở Đông Nam Á, chủ yếu tại các khu vực rừng như Terai của Nepal. Đây là loài ong cho mật tốt nhất thế giới, có giá lên đến cả triệu đồng/lít. Thế nhưng ong khoái cực kỳ hung dữ, chỉ làm tổ tại những vị trí hiểm trở như vách đá hoặc cành cây cao trong rừng rậm. Vì vậy, để khai thác mật ong khoái, không phải ai cũng làm được mà phải là người thông thạo đường rừng và phải có kinh nghiệm lâu năm.
“Ong khoái làm tổ nhiều ở rừng trong bản Huổi Men. Nếu người nào may mắn theo dấu được chân ong khoái lấy được mật thì mỗi ngày có thể kiếm được cả triệu đồng", A Mua chia sẻ. Gặt xong mùa vụ đông - xuân, chàng trai người Mường này đã gác lại công việc đồng áng để lên rừng săn ong khoái do mùa sinh sản, làm tổ của đàn ong này bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 6.
Từng tổ ong to bằng cả cái mâm, treo trên cành cây.
Lúc này, đi vào rừng sẽ không khó để bắt gặp dấu vết của từng đàn ong khoái kéo về rừng để xây những tổ ong khổng lồ to bằng mâm cơm, luyện ra từ 8kg đến 10kg mật. Theo A Mua, ong khoái thường chọn những nơi để làm tổ gần nguồn nước ở khe suối gần rừng để lấy nước về làm mát cho ong con. Chỉ cần cẩn thận quan sát và dõi theo hướng bay của đàn ong sẽ di chuyển được đến tổ của ong khoái chỉ có đó 2 - 3km.
Công cụ để “hành nghề” săn ong khoái của A Mua gồm có dao, gạo, bật lửa, quần áo bảo hộ và ống nhòm. Khi đã xác định được vị trí của một tổ ong đậu lủng lẳng dưới một cành cây có chu vi khoảng 20cm, cách mặt đất 15m. A Mua ước tính chúng có thể nặng đến 15kg và cho khoảng 5kg mật. Nói đoạn, anh chàng này bắt đầu quá trình hạ tổ ong xuống để lấy mật.
Đầu tiên, A Mua chuẩn bị châm lửa hun khói từ dưới gốc lên tổ để khiến đàn ong say khói. Công đoạn này phải thật cẩn thận vì nếu không cẩn thận lửa sẽ bén vào cây dầu và lá khô làm cháy rừng. Thấy khói, đàn ong vỡ tổ, bay vù vù, một lúc sau say khói và tự tan để lộ mảng sáp ong mật vàng ươm to bằng mâm cơm.
Ong khoái vô cùng hung dữ, phải có đồ bảo hộ cẩn thận khi tiếp cận.
Lúc này A Mua đeo gùi chứa dao, rựa ở bên trong rồi trèo lên cây. Tới khi tổ ong chỉ cách mình vài thước tay, A Mua nhanh tay rút con dao đeo lưng gọt phấn ong vào gùi trước, tiếp đó đến nhộng ong và cuối cùng cắt phần sáp chứa mật cho vào một túi riêng để tránh bị lẫn. Nếu không biết cắt sẽ làm sáp và nhộng lẫn vào mật thì mật sẽ bị chua và hỏng, không có người mua.
Cũng là một người có kinh nghiệm đi săn ong rừng hơn 10 năm nay, nhóm của anh Hà Xuân Thanh (phường Sông Cầu, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết anh đã đi khắp các cánh rừng già khu vực phía Bắc trở vào Tây Nguyên để kiếm mật ong rừng, trong số đó ong khoái là loài ong mà thợ săn ong thích nhất nhưng cũng “sợ nhất”.
Ong khoái là loại ong thù rất dai, nếu chẳng may khi đụng vào tổ mà bị một con đốt, hàng trăm, hàng nghìn con khác ngửi thấy mùi thì cả đàn sẽ nhao vào đốt ngay và nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi tổ ong có thể lên tới 10 vạn con ong thợ bám đen sì với vũ khí chính là chiếc ngòi dài 3mm, có thể xuyên qua quần áo của con người hay lớp lông dài của loài gấu. Cách duy nhất để tránh ong đốt là nhảy xuống ao và lặn để mất mùi.
“Chỉ riêng việc trèo đèo lội suối, leo hết cây cao chót vót này lại tới vách núi khác cũng đã đủ nguy hiểm với chúng tôi. Ở nhân gian người ta gọi chúng tôi là “dị nhân” đó. Chưa kể chỉ cần bị ong khoái cắn thì ốm sốt mấy ngày trời, nặng hơn thì khó thở, đau bụng, suy nội tạng phải đi cấp cứu. Việc thì kiếm ra tiền, nhưng cũng đầy rẫy những nguy hiểm rình rập”, anh Xuân vừa cười vừa kể lại.
Thành quả của anh Xuân và anh Hà trong buổi đi rừng
Với bản tính hung dữ, con người chưa thể thuần hóa được ong khoái để nhân rộng mô hình nuôi trồng. Một nguyên tắc khác của đoàn anh Xuân khi đi bắt ong rừng là không bắt ong thợ để đàn ong không bị tan rã, tiếp tục lao động sản xuất cho những mùa vụ tiếp theo, nếu không đàn ong khoái sẽ “tuyệt chủng”. Cùng với đó là phải vừa khai thác vừa bảo vệ môi trường sống của ong khoái, rừng càng phát triển thì ong đến làm tổ càng nhiều.
“Chúng tôi đi thành đoàn 3 người. Mỗi chuyến đi “săn ong” kéo dài cả tuần, thậm chí là nửa tháng. Trung bình mỗi tuần kiếm được từ 70-80 lít mật. Tuần nào may mắn, kiếm được cả trăm lít. Hiện tại, mật ong khoái rất được giá, đi lấy về đến đâu được mua hết đến đó với giá từ 500-700 nghìn đồng/lít tại cửa rừng. Sau khi trừ chi phí, mỗi người có thể kiếm được cả triệu đồng/ngày”, anh Hà - một trong số những thành viên của đoàn anh Xuân bộc bạch.