Từ sáng sớm 25/7, người dân từ mọi miền Tổ quốc đã tìm đến thôn Lại Đà, xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) xếp hàng dài chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người xúc động, bật khóc khi viết những dòng sổ tang tiễn biệt Tổng Bí thư.
Nhóm bạn lớp 10B Trường THPT Nguyễn Gia Thiều viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Chống gậy, ngồi xe lăn viếng bạn
Từ khi nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, hầu như đêm nào, ông Vương Khắc Duy 85 tuổi cũng trằn trọc khi nghĩ về những kỷ niệm thời thơ ấu với Tổng Bí thư.
Ngày 25/7, trời chưa sáng, ông đã giục con cháu thay quần áo và đưa ông đến chào vĩnh biệt người bạn thuở thiếu thời. Ông được đưa lên xe lăn, đẩy vào viếng Tổng Bí thư. Mắt ông Duy đỏ hoe, tay liên tục gạt nước mắt, miệng mếu máo. Chúng tôi đến hỏi, ông nghẹn ngào: “Chúng tôi ngồi cùng bàn với nhau cả cấp 1 và cấp 2, hai anh em thân nhau nhất. Ngày đó đi học chỉ có 2 củ khoai bỏ trong chiếc túi vải, tôi và bạn Trọng chia nhau ăn, cứ thế trải qua những năm tháng tuổi thơ cùng nhau”.
Cùng với ông Duy, đoàn cựu học sinh lớp 10B (niên khóa 1960 - 1963) Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đến viếng hương hồn bạn thân. Ông Ngô Bá Dục, 81 tuổi, đi cạnh ông Duy, xúc động nói: “Bạn bè thì đã về hưu được hưởng cuộc sống an nhàn mỗi ngày. Còn ông Trọng cả cuộc đời thanh liêm, làm việc vất vả đến cuối đời. Ở tuổi 80, lẽ ra phải được nghỉ ngơi, nhưng lại tự nguyện làm việc cho dân, cho nước đến hơi thở cuối cùng.
Nhớ những ngày cùng nhau học xa nhà, cả 3 chúng tôi cùng nhau đi làm thêm kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống chia ngọt sẻ bùi, bát cơm, củ khoai, bát nước rau muống… Tôi cứ nghĩ, ông ấy làm việc vài năm nữa rồi nghỉ về đây sớm tối hàn huyên. Vậy mà...”.
Mới 6h sáng, hơn 30 thành viên của Hội Thương bệnh binh nặng huyện Đông Anh đã có mặt ở Nhà Văn hóa thôn Lại Đà để viếng Tổng Bí thư. Thương binh hạng 1/4 Lê Tràng Trí (65 tuổi), Hội trưởng Hội Thương bệnh binh nặng huyện Đông Anh chia sẻ: “Thật vinh dự, tự hào khi đất Đông Anh sinh ra vị lãnh đạo liêm khiết, chí công vô tư, làm được nhiều việc cho quốc gia, dân tộc. Bản thân chúng tôi, những thương binh cũng được hưởng nhiều chính sách tốt hơn nhờ Nhà nước và Tổng Bí thư”.
Dòng người xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư tại quê nhà
Ông Ngô Văn Mai (81 tuổi, ở xã Văn Mai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cùng 30 con, cháu trong gia đình nối tiếp dòng người về làng Lại Đà viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Mai bùi ngùi, khi nghe tin Tổng Bí thư mất, con cháu đã chuẩn di ảnh của Tổng Bí thư, sắp xếp công việc cùng nhau về Lại Đà viếng ông. “Đã hơn 10 năm nay, đất nước phát triển, cuộc sống nhân dân được đổi mới có công sức của Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có tài, có đức, không những làm tốt công tác phòng chống tham nhũng mà còn xuất sắc trong công tác đối nội, đối ngoại. Tổng Bí thư đã học tập được tấm gương của Bác Hồ, cống hiến hết sức mình, truyền cảm hứng cho người dân phấn đấu học tập, lao động, sản xuất, làm nhiều việc tốt cống hiến cho đất nước. Gia đình tôi từ người già đến lớp trẻ đều kính trọng ông. Nghe tin ông mất không khác gì người thân của mình mất đi”, ông Mai nghẹn ngào.
Cháu Nguyễn Minh Ngọc, học sinh Trường THCS Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) xúc động: “Bác sinh ra trong một gia đình nghèo, từ cấp hai đã đi bộ lên Gia Lâm, vừa học, vừa làm để trang trải cuộc sống. Đó là tấm gương của chúng cháu, nhất là một người con của Đông Hội như chúng cháu. Cháu xin hứa sẽ cố gắng học tập tốt, sau này góp công sức xây dựng quê hương đất nước”.
Chị Nguyễn Thị Minh (huyện Gia Lâm, Hà Nội) xúc động ghi sổ tang
Những dòng sổ tang xúc động
Trong cuốn sổ tang tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kín những dòng chia sẻ xúc động. Một người cháu Tổng Bí thư, người con Lại Đà xa quê nghe tin bác mất đã về dâng hương kính viếng và ghi lại những dòng xúc động: “Bác ơi! Mấy hôm nay quê hương Lại Đà tấp nập, người dân ở khắp nơi về viếng bác. Các cụ già tóc bạc mắt ngấn lệ, các cháu nhỏ cũng lặng lẽ không nô đùa…
Tất cả người dân đang tỏ lòng thương tiếc vì sự ra đi của một vị lãnh đạo vì dân, vì nước đã cống hiến cả cuộc đời. Là người con xa quê, cháu về viếng bác, và mong những giờ phút thiêng liêng này sẽ là động lực để cháu học tập, vươn lên, tự soi lại mình, sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn, có trách nhiệm hơn. Vĩnh biệt bác!”.
Thay mặt tuổi trẻ xã Đông Hội, anh Phạm Hoàng Long viết: “Tuổi trẻ Đông Hội mãi khắc ghi những lời căn dặn của bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuổi trẻ xã nhà cố gắng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xin nghiêng mình vĩnh biệt bác”.
Giữa cuốn sổ tang, có trang mực nhòe vì nước mắt. Đó là trang sổ tang của chị Nguyễn Thị Minh (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Trong đó có đoạn: “Con vô cùng thương tiếc bác, một Tổng Bí thư đức độ liêm chính, chăm lo cho muôn dân mà trong đó có gia đình con được thụ hưởng. Con cám ơn Bác Hồ, bác Giáp, bác Trọng cho chúng con được hưởng hòa bình, hạnh phúc, ấm no. Vô cùng thương tiếc bác kính yêu”.
Anh Nguyễn Phú Thi, người trong dòng họ Nguyễn Phú, viết trong sổ tang: “Người dân Lại Đà và tộc Nguyễn Phú noi gương ông cùng nhau đoàn kết, học tập, thương yêu nhau, quyết xây dựng quê hương giàu đẹp xứng đáng với mong mỏi của ông khi còn sống”.
Ông Vương Khắc Duy (85 tuổi, ngồi xe lăn) đến viếng Tổng Bí thư
Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên ghi: “Nguyện hứa với đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ biến đau thương thành hành động, noi gương học tập và làm theo đồng chí; quyết tâm xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xuất sắc; quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao với mục tiêu: Không ngừng nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân. Quyết tâm xây dựng huyện Đông Anh thành quận, thành phố thông minh, hiện đại và phát triển bền vững bên bờ bắc sông Hồng”.