Gần 10 năm nay, bà Đoàn Thị Tuệ (51 tuổi, quê ở Hưng Yên) vẫn quờ quạng trong bóng tối lần đường để nhọc nhằn mưu sinh bằng nghề bán cá.
2 giờ chiều, ánh nắng đầu hè rọi khắp các ngõ ngách. Bà Tuệ mù thất thểu với đôi quang gánh thấp cao. Bà đi chậm, đôi chân dò dẫm lần đường. Những người xung quanh nhìn bà Tuệ như một phản xạ tự nhiên mà nhắc: “Chỗ ngoặt đấy, bà cẩn thận. Rẽ phải đi, có xe máy kìa…”. Gần 10 năm mưu sinh bám trụ trên mảnh đất Hà Nội, bà Tuệ sống với những lần mò như thế. Người đàn bà mù vật lộn với cuộc sống hàng ngày của một kiếp người cô độc. Bà ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng và quờ quạng về khi đèn đường đã lên.
Bị lừa và cướp tiền nhiều lần
Quá trưa, bà Tuệ tan phiên chợ. Khuôn mặt rám nắng, mồ hôi vã ra như túa bà vội vàng đặt đôi quang gánh xuống nền đất. Chợ ế, bà cũng về muộn và đến 2 rưỡi chiều mới bắt đầu ăn trưa. Thức ăn trưa của bà đặt trong chiếc nón mê, người ở chợ thương hoàn cảnh bà nên mang ra chợ cho thì vài miếng đậu rán, lúc có cả thịt gà.
2 giờ chiều, bà Tuệ mới tan buổi chợ
Bà Tuệ bị mù bẩm sinh. Bà không chồng cũng chẳng con. Gia đình có 5 anh em, cuộc sống cũng vất vả khó khăn. Bà không muốn làm gánh nặng cho anh chị em nên ra Hà Nội kiếm sống. Những ngày đầu tiên ngơ ngác bà mất một khoảng thời gian dài để làm quen, lần mò đường. Không ít lần bà bị lạc mò mẫm tối khuya mới tìm được về nhà trọ. Người trong khu cứ thấy tiếng bà Tuệ lệt bệt đôi dép đến gần là chỉ đường giúp. Chỗ nào rẽ phải, trái, có xe cộ đông người ta lại mách bà tận tâm, nhiệt tình.
Thời gian đầu, bà buôn gà và không ít lần bị lừa cả gánh hàng. Người ta dụ bà ra trường mầm non để mua gà nấu cháo cho trẻ nhỏ. Khi bà cân, bỏ gà vào bao tải và ngồi xuống đất tính tiền thì họ đi qua tráo đổi. Họ đặt cả bao tải gạch bên cạnh bà và “cướp” đi cả tải gà bà chắt chiu suốt ngày hôm ấy. Lần bị lừa, cả vốn lẫn lãi bà mất ngót nghét hơn 1 triệu đồng. Bà hết sạch vốn liếng, lại lẩn thẩn cầm đôi quang gánh trống huơ trống hoác về không. Bà gục khóc bên chiếc sọt rồi tính cách khác bán hàng.
Những ngày sau, bà không đi buôn gà mà chuyển sang bán tôm, cá ở chợ Long biên, chợ Hàm Tử Quan, chợ ven đê. Cũng có nhiều người hỏi mua hàng của bà rồi lấy đồ rồi chạy mất. Nhiều lần bà bị cướp hết cả ví tiền. Người ta vờ hỏi bà trọ ở đâu, đi theo và chờ đến đúng giờ bà đi chợ thì giật tiền.
“Tôi bị cướp tiền ngay trên tay mà bất lực. Mắt không nhìn thấy, chân không chạy nổi mà cũng chẳng định hình xem họ chạy về phía nào. Buốt ruột, xót tiền nhưng đành ngậm ngùi tự nhủ phải cố gắng. Tôi còn cuộc sống của ngày hôm sau và những ngày sắp tới”, bà Tuệ chia sẻ.
Nghề ăn gió, nếm sương
Gọi là vậy vì cái nghề này nó còn khắc nghiệt ở chỗ ban đêm là khoảng thời gian mọi người được nghỉ ngơi thì lại là lúc những người như bà mải miết bươn chải làm việc. Bà không một lời than vãn về số phận. Trong suy nghĩ của bà Tuệ có thể làm việc để kiếm sống là may mắn lắm rồi. Những thúng tôm, tép càng đầy thì gánh nặng trong cuộc sống của bà càng bớt dần. Bà vẫn tự nhủ, mình còn sức khỏe nên cố gắng không muốn trút lại gánh nặng cho gia đình.
Những người cùng xóm, người bán cơm cũng giúp đỡ bà nhiều.
Một ngày làm việc của bà Tuệ từ 3 giờ sáng đến 7,8 giờ tối. Gần 10 năm qua từ khi đặt chân lên Hà Nội, chưa hôm nào bà nghỉ bán hàng. Ngày nắng cũng như mưa, đôi chân ấy vẫn lê đi khắp các đường ngang, ngõ dọc. Bà bảo “Nếu trời cho khỏe mạnh ngày nào thì cố đi ngày ấy. Mình ốm thì ai nuôi”. Chợ Hàm Tử Quan gần nhà nhưng bà lần mò gần 1 tiếng mới tới nơi. Bà Tuệ men theo con đường quen thuộc đi ra chợ Long Biên rồi tới chợ đầu mối Hàm Tử Quan ngồi bán.
Tối hôm trước, khi đi ngủ, bà mặc sẵn quần áo, rửa mặt, đánh răng. Chuông báo thức kêu bà chỉ súc miệng rồi chuẩn bị quang gánh, thúng mủng lên đường. Bà lại quờ quạng trong bóng đêm, vật lộn với gánh hàng vơi đầy tôm cá. Một cuộc mưu sinh với người đàn bà mù lại bắt đầu từ những vội vã như thế…