Chỉ cao 1,06m, nặng 42kg, nhưng ông Nhàn “lùn” có số đào hoa. Trải qua đến 4 đời vợ, phần nhiều trong số đó là những người phụ nữ cao ráo bình thường...
Ba cuộc tình “ngắn chẳng tày gang”
Ông Hoàng Văn Nhàn (65 tuổi, thôn Lang Thượng – Mỹ Đức – An Lão – Hải Phòng) khá “nổi tiếng” ở địa phương này bởi thân hình thấp bé như trẻ lên 5. Chẳng mấy khó khăn, tôi vẫn có thể tìm đến căn nhà nơi ông Nhàn “lùn” đang sinh sống. Và khi biết mục đích cuộc ghé thăm, ông Nhàn “lùn” tỏ ra khá thoải mái.
Dù đứng thẳng, ông Nhàn vẫn thấp hơn so với người vợ đang ngồi.
Ông Nhàn “lùn” mở đầu câu chuyện bằng những lời giải thích về thân hình thấp bé của mình. Ông bảo, hai cụ thân sinh ra ông đều cao ráo bình thường và khi sinh đứa con trai là ông Nhàn, hai cụ cũng từng kỳ vọng nhiều lắm.
Nhưng khi cậu bé Nhàn tròn 8 tháng tuổi, bất ngờ bị trọng bệnh, tưởng khó qua khỏi. Cũng từ đấy, Nhàn chẳng thể phát triển dài rộng như những đứa trẻ bình thường khác. Cho đến khi bước vào tuổi trưởng thành, Nhàn chỉ cao 1,06 mét, nặng 42 kg, thậm chí so với đứa trẻ 5 tuổi, chiều cao của Nhàn có phần khiêm tốn hơn. Và cho đến hiện tại, chiều cao, cân nặng của ông Nhàn “lùn” vẫn chẳng có gì thay đổi.
Tuổi trưởng thành, biết thân phận mình, Nhàn “lùn” chấp nhận gá nghĩa với một người đồng cảnh ngộ. Tròn 20 tuổi, Nhàn “lùn” cưới người vợ đầu tiên tên là Ngô Thị Thương (quê ở xã Thái Sơn, An Lão, Hải Phòng). Đám cưới của Nhàn “lùn” cũng rình rang lắm, có cỗ bàn to, có pháo nổ rền vang. Và so về chiều cao với Nhàn “lùn”, người vợ tên Thương có phần nhỉnh hơn.
“Bà Thương cũng phải cao đến 1,2m. Nhưng lấy nhau về mới biết, tính bà ấy khó lắm. Tôi làm nghề truyền thần ảnh, phải giao tiếp thân thiện với mọi người, còn bà thì cứ quàu quạu. Tôi chán lắm, lấy vợ về nhưng tôi có ngủ ở nhà đâu, toàn sang nhà hàng xóm ngủ nhờ. Được đúng một tuần lễ thì bà ta bỏ về nhà ngoại. Thế là coi như cuộc sống vợ chồng chấm dứt…” – ông Nhàn “lùn” nhớ lại cuộc hôn nhân ngắn ngủi.
Không lâu sau ngày kết thúc cuộc hôn nhân đầu đời, Nhàn “lùn” tiếp tục cưới vợ lần hai. Người vợ thứ hai của ông tên Nguyễn Thị Giang (SN 1955), người cùng trong huyện. Bà Giang có ngoại hình khá khiêm tốn, nhưng bù lại, bà có chiều cao của một người bình thường và tính tình hiền lành, dễ chịu.
“Lần thứ hai tôi vẫn cưới hỏi đàng hoàng nhưng không đăng ký. Tính cả thời gian đi đi, về về giữa nhà nội, nhà ngoại, chúng tôi cũng sống với nhau được khoảng một năm. Khi tôi cưới, bà đã có một người con riêng rồi. Cuối cùng tôi vẫn bỏ, vì bà nghe lời mẹ đẻ, lấy tiền bạc của tôi rồi trốn về bên đó. Nhiều lần tôi tìm về, rồi lại bỏ đi như thế, tôi chán nên thôi. Chúng tôi cũng chưa có con với nhau nên không quá sâu đậm. Sau này tôi nghe người ta nói, bà Giang bỏ sang tận Trung Quốc lấy chồng, trải qua những 4 đời chồng rồi đấy” – ông Nhàn “lùn” nhớ lại quá khứ.
Cuộc tình thứ ba của ông được xây đắp cùng với người đàn bà tên Bùi Thị Định (SN 1954, ở An Tràng – An Lão – Hải Phòng), là một người cao ráo bình thường. Ông Nhàn “lùn” sinh được một người con gái với bà ba. Con gái của ông năm nay đã 36 tuổi, cũng mang gen của cha, chỉ có chiều cao 1,2m.
“Sống với bà Định được khoảng 2 năm, nhưng bà ấy cứ đi lăng nhăng suốt, bỏ về nhà ngoại rồi lại về sống với tôi, tức quá tôi đuổi đi, không nhận làm vợ nữa. Đứa con gái tôi đón về nuôi, hiện cháu nó ở cùng bà nội. Bà này sau đó cũng lấy chồng khác rồi…” – ông Nhàn “lùn” kể.
Cuộc tình… thuốc lào
Người đàn bà thứ tư tên Phạm Thị Đoái (SN 1957, người cùng huyện An Lão – Hải Phòng) và theo cách nói của ông Nhàn “lùn”, bà Đoái là người đàn bà cuối cùng trong cuộc đời ông, là người đã cùng ông trải qua buồn vui suốt 28 năm qua. Nghe chồng nhắc đến tên mình, bà Đoái nhoẻn miệng cười gượng gạo vì xấu hổ.
Ông Nhàn “lùn” nhìn vợ đầy hạnh phúc và giới thiệu: “Bà nhà tôi là người cao ráo, những mét sáu cơ mà. Bà ấy về sống cùng tôi, chả được cưới hỏi như những người trước, vì hai bên gia đình nội ngoại đều phản đối, thế nhưng bù lại chúng tôi sống đầm ấm”.
Theo bà Đoái, để chống chọi với cái lạnh nơi sông nước, bà buộc phải nghiện thuốc lào.
Nhấp ngụm trà, ông Nhàn “lùn” hào hứng kể về mối tình với bà Đoái. 28 năm về trước, bà Đoái làm nghề chài lưới trên sông, thường hay neo đậu dưới chân cầu Nguyệt. Mỗi khi thuyền neo đậu, bà có thú vui duy nhất là ghé quán của ông Nhàn để nhìn ngắm những bức ảnh truyền thần. Họ quen nhau vì thế. Thời điểm ấy, bà Đoái từng lỡ dở một đời chồng và có con riêng. Một ngày, ông Nhàn “lùn” liều mình trèo lên thuyền của bà Đoái và thẳng thắn hỏi: “Em có lấy anh không?”.
Tôi quay sang bắt chuyện với bà Đoái, đề nghị bà xác nhận lời kể của ông Nhàn “lùn”, bà Đoái cười cười bảo: “Tôi nhìn thấy ông ấy thế, cảm thấy thương nhiều quá thì lấy thôi chứ ai nghĩ lấy chồng như ông này…”. Và cũng chính tình thương ấy, khiến bà Đoái bất chấp tất cả, bỏ qua cả những phản đối quyết liệt của bố mẹ để chung sống với ông Nhàn. Họ sống đầm ấm, lần lượt sinh hai người con, một trai, một gái. Nhưng bất hạnh vẫn đeo đuổi cuộc đời ông Nhàn “lùn”, hai người con của ông chẳng ai cao quá 1,25m.
Trong khi ông Nhàn “lùn” mải kể câu chuyện đời mình, bà Đoái chăm chăm vân vê điếu thuốc lào trực hút. Bà Đoái kể: “Năm tôi 30 tuổi thì bị nghiện thuốc lào. Đầu tiên tập hút, tôi cứ ho chết sặc chết sụa đấy. Dần dần rồi cũng quen và nghiện. Phải tập hút thuốc vì kéo lưới đêm rét lắm, không hút thuốc không thể chống chọi được với cái lạnh nơi sông nước…”.
Giờ thì bà Đoái không còn theo nghề chài lưới nơi sông nước nữa, nhưng thói quen hút thuốc lào đã ngấm vào máu thịt bà, không thể bỏ được. Bà Đoái vẫn hiểu, hút thuốc lào chẳng tốt đẹp gì, nhất là với phận đàn bà, nhưng bà vẫn chẳng thể rứt ra. Bà Đoái như phân bua: “Muốn bỏ lắm, nhưng khói thuốc đã theo bà già này bằng đúng thời gian sống với ông lão lùn này rồi, khó bỏ lắm!”.
Thấy vợ ngại ngần vì chuyện hút thuốc lào, ông Nhàn “lùn” tế nhị “lái” câu chuyện sang hướng khác. Ông hóm hỉnh kể lại những câu chuyện vui vui trong cuộc sống của hai người, như cái lần ông Nhàn “lùn” đưa vợ về quê ngoại, khi đi qua một con mương nhỏ, bà Đoái phải cõng chồng qua, bởi mực nước khi ấy cao đến ngực chồng.
Hình ảnh cõng chồng của bà Đoái đã trở thành đề tài châm biếm của không ít người ở quê. Nhiều kẻ dè bỉu, chê bai, rằng thiếu gì đàn ông sao phải đi lấy lão lùn. “Tôi đã thẳng thắn bảo rằng tao đi khắp Hải Phòng mới tìm được ông ấy là người duy nhất đấy!” – bà Đoái kể. Và lời khẳng định ấy của bà Đoái đã đúng, bởi gần 30 năm sau ngày gá nghĩa, ông bà vẫn sống với nhau đầy tình thương, đầy trách nhiệm, hạnh phúc.
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi.