Người mẹ 16 năm chịu tiếng dìm con xuống hầm phân

Ngày 28/09/2014 08:26 AM (GMT+7)

Mỗi khi đêm xuống, chị lại lặng thầm nép bên hiên cửa hàng xóm để nhìn trộm đứa con gái ruột đang nằm ú ớ, tay khua khoắng vô định. Người phụ nữ này chưa một lần được đến gần đứa bé bởi oan án xảy ra cách đây đã 16 năm.

Duyên phận hẩm hiu

Một buổi chiều muộn, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Phương Mai (SN 1968) trong một ấp nhỏ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Người phụ nữ bao năm qua chịu tiếng ác với con sống trong căn nhà thấp lè tè, được xây nên với những đường hồ, mạch vữa cong vênh như chính sự lận đận của cuộc đời chị. Gần 50 tuổi mái tóc chị đã ngả sang muối tiêu, khuôn mặt già nua khắc khổ. Những giọt nước mắt đau đớn cứ lăn dài trên hai gò má chị khi nhớ lại sự việc 16 năm về trước. Thủa ấy, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo nhất nhì xã Xuân Mỹ. Nhà đông anh em, chị Mai từ nhỏ đã phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Lớn lên một chút, chị xin vào làm công nhân cạo mủ cho một nông trường cao su gần nhà. Đôi bàn tay nhỏ bé của cô bé đang tuổi trăng rằm đã hằn lên nhiều vết chai sần, thương tích.

Mong một ngày được ở bên con

Dù bao năm bị mang tiếng ác nhưng chị Mai chưa bao giờ quên đứa con bất hạnh. Chị vẫn thường len lén nhìn con mà không dám đến gần. “Hổ dữ không nỡ ăn thịt con thì tôi làm sao gây ra chuyện tàn nhẫn như vậy. Thủa ấy, tôi yêu anh Hùng và mong muốn cùng anh xây dựng hạnh phúc. Tôi vẫn chưa thôi mong muốn được ở bên con dù chỉ một ngày thôi. Bởi lẽ, tôi chưa bao giờ làm điều gì trái với lương tâm”, chị Mai tâm sự.

Trong hàng chục thanh niên cùng làm việc tại nông trường cao su, chị Mai đã phải lòng một chàng trai gốc Huế vào Nam lập nghiệp chăm chỉ, cần mẫn gánh mủ. Không lâu sau đó, đôi uyên ương tiến tới hôn nhân. Cuộc sống gia đình chỉ dựa vào đồng lương công nhân ít ỏi của hai vợ chồng nên rất vất vả. Rồi lần lượt, hai đứa con xinh xắn, khỏe mạnh chào đời. Dẫu bộn bề khó khăn, vợ chồng vẫn gắn bó với nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình. Mong chia sẻ gánh nặng mưu sinh với vợ, người chồng đã theo đám trai làng trong thôn đi phụ hồ. Nỗi bất hạnh ập đến khi anh bị tai nạn lao động rồi ra đi mãi mãi.

Nỗi đau mất mát dần vơi đi theo những vất vả mưu sinh của người phụ nữ góa bụa. Vì các con, chị không cho phép bản thân mình suy sụp. Hàng ngày, chị đều dậy sớm tần tảo buôn thúng bán bưng. Đến chiều về, chị lại quần quật nhận việc làm thuê, làm mướn kiếm tiền cho hai con thơ ăn học. Giữa lúc cơ cực trăm bề ấy, chị được anh Nguyễn Minh Hùng (SN 1962), người đàn ông cùng xóm thường xuyên qua lại giúp đỡ. Anh Hùng cũng là người đàn ông từng lỡ “một lần đò”. Thấu hiểu hoàn cảnh nhau, chị Mai nảy sinh tình cảm với anh lúc nào không hay. “Thương nhau nhưng chúng tôi không thể bỏ ngoài tai những định kiến của thiên hạ. Vì chưa mãn tang chồng, tôi không dám công khai tình cảm. Anh Hùng là người đàn ông tốt. Dù chỉ dám thương nhau trong bí mật nhưng anh vẫn cố bù đắp những thiệt thòi cho mẹ con tôi”, chị Mai kể.

Người mẹ 16 năm chịu tiếng dìm con xuống hầm phân - 1

Ngôi nhà hiện giờ chị Mai sống cùng hai con.

Rồi chuyện gì đến cũng đến, tình cảm của hai người đến lúc sâu đậm và kết quả là chị Mai có thai. “Khi biết tin, anh Hùng rất vui mừng và muốn làm đám cưới ngay. Nhưng nghĩ chồng mới mất hơn một năm, tôi lại không đồng ý. Không ngờ vì cái thai, chuyện tình cảm của chúng tôi lại bị người đời dị nghị”, chị Mai nhớ lại. Ngày theo anh Hùng về ra mắt gia đình, chị đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ bố mẹ chồng tương lai. Sau lần đó, hàng xóm thường qua lại xầm xì, mỉa mai chị mồi chài anh Hùng để “đào mỏ”. Biết chuyện, cha mẹ chị vô cùng đau khổ nhưng vẫn động viên con gái nhẫn nại, không nên vì miệng lưỡi thế gian mà đánh rơi hạnh phúc. Những lời động viên ấy đã tiếp thêm nghị lực, giúp chị mai thêm hy vọng về mái ấm trong tương lai. Hàng ngày, chị khệ nệ vác bụng bầu đi cạo mủ cao su. Chiều đến, chị lại lặng lẽ đạp xe về, mặc cho người đời xầm xì, bàn tán.

Người phụ nữ bất hạnh không ngờ, những hy vọng ấy lại bị một biến cố xảy ra trong ngày “vượt cạn” phũ phàng dập tắt. Chị Mai kể trong nước mắt: “Cận ngày tôi sinh nở, anh Hùng lại có việc gấp ở công trường trên thị xã Long Khánh nên vắng nhà. Đã hai lần làm mẹ, tôi đinh ninh sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nhưng đúng một tuần trước thời gian bác sĩ chỉ định sinh, tôi lại bị đau bụng. Tưởng mình chỉ đau bụng đi vệ sinh, tôi không nghĩ ngợi nhiều. Nào ngờ…”.

Buổi sáng định mệnh

Sau phút xúc động, chị Mai nhớ lại: “Đó là một buổi sáng đầu tháng 6/1998. Như thường lệ, 4h sáng tôi đã dậy sớm ăn bát cơm nguội để đến nông trường cao su đi làm. Khi thấy bụng đau nhói, tôi lại cho rằng mình “mắc cầu” mà không mảy may nghĩ đó là dấu hiệu sắp sinh”. Nhà vệ sinh đang hỏng nên chị chạy sang đi nhờ cầu tiêu hàng xóm cách đó chừng 50m. “Lúc đó, tôi chợt thấy bụng dưới đau dữ dội. Vội nhìn xuống, tôi hốt hoảng khi phát hiện mình bị băng huyết. Chưa kịp định thần, trong ánh sáng tờ mờ, tôi nhìn thấy dưới hầm phân là hình hài một đứa trẻ. Biết mình đã sinh con, dù rất đau nhưng tôi vẫn cố bước ra ngoài. Thoáng thấy bóng người, tôi kêu cứu nhưng không tài nào cất lên thành tiếng. Huyết vẫn cứ chảy ra, để cứu con, tôi gắng hết sức mới lết thân về đến nhà thì ngất xỉu. Mọi chuyện diễn ra sau đó tôi chỉ biết qua người nhà kể lại”, chị Mai nhớ lại.

Ngay khi tỉnh dậy, chị Mai vội đưa mắt dạo quanh phòng bệnh. Nhưng ngoài mẹ già với đôi mắt trũng sâu, chị không thấy con đâu. Được mẹ trấn an, chị kịp giữ bình tĩnh khi biết đứa trẻ đã may mắn được cứu sống. Chỉ có điều, các bác sĩ chẩn đoán bé bị chấn thương cột sống, thiếu ô xy lên não nên sẽ để lại di chứng sau này. Thì ra lúc chị Mai ngất xỉu, người nhà phát hiện đã lần theo vết máu đến hầm phân và cứu được đứa trẻ mới lọt lòng. Biết tin con dâu tương lai lâm bồn, cha mẹ anh Hùng đã tới bệnh viện đón cháu nội về chăm sóc. Về phần anh Hùng, khi nghe tin dữ đã tức tốc đến bệnh viện gặp người yêu. Nhìn thấy người đàn ông mình yêu thương chạy đến, chị Mai cứ ngỡ sẽ được anh an ủi, sẻ chia nỗi đau. Nào ngờ vừa gặp chị, anh đã quát thẳng vào mặt quát lớn: “Nó đâu biết gì mà mày nỡ dìm nó xuống hầm phân ngay lúc sinh ra. Mày ác còn hơn loài rắn độc”. Giây phút ấy, chị như người “tình ngay lý gian”, không giải thích được lời nào. Chị lặng người, nghẹn đắng, vô hồn như khúc gỗ. Trước đó, anh từng hứa sau khi chị sinh sẽ đi đăng ký kết hôn. Nhưng sau sự cố đau lòng này, hy vọng ấy đã tan thành bọt nước.

Ra viện, chị Mai vội tìm đến nhà chị Quỳnh (chị dâu anh Hùng - PV), hiện đang chăm sóc con gái chị. Nhưng vừa đến cổng, chị đã bị đuổi thẳng và hứng bao lời mắng nhiếc xỉ vả. Từ đó đến nay, chị chưa một lần được ôm con vào lòng. Chị tâm sự: “Mọi người bên đó đặt cho con gái tôi cái tên rất đẹp là  Minh Thương. Tính tuổi thì đáng ra năm nay, Thương đã học lớp 11. Nhưng cháu bị viêm não nên phải sống đời thực vật. Giá mà lúc đó, tôi kịp giữ bình tĩnh thì giờ cuộc sống con tôi đã khác…”.

Đứa trẻ ấy vừa sinh ra đã phải chịu kiếp sống tật nguyền, còn người mẹ suốt 16 năm vẫn phải chịu tiếng ác. Bà con trong làng, người cảm thông thì ngậm ngùi chia sẻ, kẻ ác khẩu thì nói chị là “quỷ dữ”. Chị Mai vốn sống bằng nghề cạo mủ sao su và làm thuê, làm mướn. Nhưng sau lần đó, chẳng ai muốn thuê người đàn bà có tiếng “giết con”. Đau đớn, tủi nhục, chị chỉ biết nén nước mắt vào lòng, cố sống để nuôi hai đứa con thơ lên người. Mỗi khi mà đêm buông xuống, ánh đèn trong thôn đã tắt, chị lại nghe rõ mồn một tiếng con gái kêu ú ớ trong cổ họng mà đau đớn đến cắt ruột, cắt gan.

Theo Nhật Khôi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự