Chưa một lần chính ngỏ lời, cũng không nhẫn cưới, xe hoa hay đăng ký kết hôn nhưng họ đã gắn bó bên nhau dưới một mái nhà mấy chục năm nay.
Người ta vẫn gọi hai người là vợ chồng nhưng tình cảm giữa họ dường như vượt xa hơn cả tình yêu và tình bạn cộng lại. Ông không may bị tai nạn phải sống đời tàn phế từ thời trai trẻ. Gặp lại người đàn ông thầm yêu trước đây đúng lúc ông khó khăn, bà chấp nhận bỏ tất cả để sống cùng và chăm sóc dù biết rằng ông không còn khả năng làm chồng trọn vẹn.
Như là duyên phận
“Có hai người không phải vợ chồng/ Chưa một lần nhẫn cưới, xe hoa/ Khoảnh khắc bất ngờ, gặp nhau tình cờ/ Họ bên nhau san sẻ chuyện đời/ Vất vả tai ương, bệnh tật, đau thương/ Hai người bên nhau quấn quýt dặm trường, như chuyện cổ tích giữa đời thường…”. Đó chính là những ca từ xúc động trong bài hát “Giọt mưa sa” do nhạc sĩ Vũ Hoàng sáng tác sau khi nghe câu chuyện tình của ông Thiện và bà Mai. |
Nhân vật nam chính trong câu chuyện này là ông Nguyễn Văn Thiện (SN 1958), quê ở Đồng Xoài, Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Phước). Ông Thiện mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lớn lên, ông xuống Sài Gòn và được nhận vào làm công nhân ở một xí nghiệp nhựa. Tại đây, ông quen bà Nguyễn Thị Mai, người con gái Sài thành hơn ông 6 tuổi, đang làm kế toán của xí nghiệp. Cả hai phải lòng nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng vì mặc cảm hoàn cảnh, chàng trai mãi chẳng dám ngỏ lời. Về phần mình, bà Mai cũng “tình trong như đã” nhưng phận nữ nhi nên không dám ngỏ lời trước, cứ chôn giấu tình cảm trong câm lặng chờ đợi.
Sau 5 năm sau làm việc dành dụm được chút vốn liếng, ông Thiện quyết định rời thành phố về quê nhà mang theo tình yêu giấu kín. Cũng từ đó, mỗi người mỗi ngả đời mưu sinh. Năm 1989, tai nạn bất ngờ đã xảy ra với chàng trai. Trong một lần thồ hàng, do bất cẩn ông Thiện bị con bò lồng lên rồi giáng một cú đá nên bị thương nặng. Ông Thiện được người thân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Tỉnh lại sau gần một tuần hôn mê, ông nhìn thấy cả hai chân bị băng kín và không thể cử động được. Hiểu ra cơ sự, ông như kẻ mất hồn khi đối diện với quãng đời còn lại phải sống kiếp tàn phế. Khi ấy, ông Thiện chỉ vừa bước qua tuổi 32. Tương lai với bao hoài bão như đổ ập trước mặt khiến ông đã có lúc tuyệt vọng và nghĩ đến cái chết.
Bà Mai cùng chiếc xe đạp rong ruổi 27 năm qua để mưu sinh giúp đỡ người “bạn đời” không hôn thú.
Đúng thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời thì một điều như màu nhiệm đến với ông Thiện. “Chị” kế toán ngày xưa ông thầm thương trộm nhớ bỗng dưng xuất hiện một cách tình cờ. Cuộc gặp gỡ không hẹn trước sau 15 năm giữa ông Thiện và bà Mai như sự sắp đặt của số phận. Trong thời gian ông Thiện điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy có một đoàn từ thiện của hội Bác Ái vào giúp đỡ những hoàn cảnh neo đơn. Bà Mai là một thành viên trong đoàn. Khi đến thăm hỏi các buồng bệnh nhân, bà vô tình nhìn thấy người tri kỷ.
“Vẫn là khuôn mặt hiền lành, chất phác ngày nào nhưng trông ông ấy tiều tụy, xanh xao, hốc hác quá. Tôi nhìn thấy mà đau thắt ruột. Không hiểu sau lúc ấy, tôi không kìm được nước mắt. Tôi tự nhủ: “Giờ ông ấy đang gặp khó khăn, người thân lại ở xa. Hơn lúc nào hết, ông ấy cần mình ở bên cạnh chăm sóc””, bà Mai còn nhớ như in cuộc hội ngộ tình. Những giọt nước mắt của ông Thiện cũng đã rơi trong lần hội ngộ dù hai người chỉ biết nắm tay nhau thật chặt. Nhưng cũng từ đó, dù không ai nói ra nhưng họ đều nghĩ rằng mình có duyên phận với nhau. Những cuộc thăm viếng của bà Mai ngày càng thường xuyên hơn và những ngại ngần ban đầu cũng dần nhường cho sự gần gũi, thân thuộc.
Trong thời gian điều trị, ông Thiện phải trải qua tổng cộng 13 cuộc phẫu thuật. Nhưng do nhà ông Thiện quá nghèo, mọi chi phí thuốc thang đều một tay bà Mai chu toàn. Có thời điểm, thân thể tật nguyền của ông Thiện bị lở loét, chảy mủ hôi hám, ngoài bà Mai và y bác sĩ chẳng ai dám đến gần. Nhìn người bạn gái chăm sóc cẩn thận vết thương như một người vợ cùng chồng đồng cam cộng khổ, ông Thiện cảm động nuốt nước mắt vào trong. Ông Thiện bùi ngùi nhớ lại: “Khi về quê, tôi nghĩ sẽ không bao giờ còn cơ hội để gặp lại bà ấy nữa. Bỗng dưng đến một ngày có cơ duyên hội ngộ, tôi lại trở thành gánh nặng cho người ta. Tôi đau xót lắm. Mọi thứ chẳng thể tự làm đành phó thác cho bà ấy. Nhiều lúc không muốn bà ấy khổ, tôi bảo cứ để mặc tôi nhưng bà ấy nhất quyết không chịu”.
Nằm viện một thời gian khá dài nhưng bệnh tình của ông Thiện vẫn chưa tiến triển nhiều. Để khỏi tốn tiền viện phí và tiện việc chăm sóc, bà đưa ông về nhà một người bạn trong nhóm Bác Ái. Gia đình bà biết chuyện đã cực lực phản đối còn dọa sẽ từ mặt con gái. Thế nhưng bà Mai nhất quyết làm theo ý mình vì cái tình phải thể hiện lúc hoạn nạn. Rồi bà xin nghỉ việc ở xí nghiệp, bỏ lại đằng sau cuộc sống vui vẻ, sung sướng để cặm cụi chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho người đàn ông mình yêu thương.
Năm 1993, nhờ dành dụm được chút tiền, bà Mai đã mua được một miếng đất 15m2 nằm trong khu trũng nước, quanh năm cây cối mọc um ở quận Tân Phú (TP.HCM). Bà dựng tạm ngôi nhà lá rồi đưa ông Thiện về sống cùng. Nghe hai người nhắc lại những ngày đầu, mới thấy cuộc sống của họ thực sự rất khó khăn. Ông Thiện với đôi chân teo tóp, nằm bất động một chỗ vẫn phải chống chọi với đủ thứ bệnh. “Tôi chẳng thể nhớ để kể cho hết bệnh tật của ông ấy từng mắc phải. Chỉ biết rằng sau khi từ Bệnh viện Chợ Rẫy trở về, được dăm bữa nửa tháng thì tôi lại đẩy xe lăn đưa ông đến Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Bình Dân để tái khám”, bà Mai chia sẻ.
Chưa bao giờ hối hận
Thời gian thấm thoát trôi, trải qua bao thử thách, mái đầu xanh của hai người đã lốm đốm những sợi bạc. Suốt 27 năm ở bên người đàn ông tật nguyền, bà Mai vẫn vẹn nguyên thứ tình cảm buổi ban đầu. Tôi buột miệng hỏi ông Thiện: “Tại sao hai người không tổ chức đám cưới để chính thức thành vợ chồng?”. Ông Thiện trả lời: “Thú thực, tôi và bà ấy sống chung mái nhà nhưng chưa một lần làm hôn thú, cứ thế về ở với nhau. Sau này, gia đình bà ấy cũng thông cảm nên không cấm đoán nữa. Hơn nữa tôi như thế này thì làm sao có con được nên cứ sống với nhau vậy thôi. Còn bây giờ thì chúng tôi già rồi, chỉ cần thấy bà ấy mỗi ngày, cùng quan tâm nhau như vậy là toàn vẹn lắm rồi”.
Ngôi nhà nhỏ của đôi bạn già nằm khuất sâu trong một con hẻm trên đường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú). Sau ngần ấy năm, ngôi nhà lá ẩm thấp đã được sửa sang lại với tường vôi, nền lát gạch đá. Hình ảnh một người phụ nữ luống tuổi ngày ngày đạp chiếc xe cà tàng đi về trong hẻm bất kể nắng mưa đã không còn xa lạ với người dân nơi đây. Ngày nào cũng thế, tờ mờ sáng khi trời còn chưa ráo hơi sương, bà đã đi làm, có khi đến 2-3h sáng hôm sau mới lọ mọ về nhà. Còn ông Thiện mon men ngồi lên xe lăn, ráng tự lo bữa ăn cho mình. Mọi chi tiêu, sinh hoạt trong nhà đều do một tay bà Mai lo liệu. Nguồn thu nhập chính dựa vào đồng lương công nhân ít ỏi của bà và mấy trăm ngàn tiền hỗ trợ người tàn tật của ông. Cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn với bốn chữ “giật gấu vá vai”. “Tất cả mọi việc lớn bé chỉ một mình bà ấy lo, tôi thấy mình bất lực quá. Nhiều lần tôi nghĩ chỉ có mình bỏ đi biệt xứ hay chết đi Mai mới không còn lam lũ vì tôi. Nhưng rồi chính tình thương của bà ấy đã thức tỉnh tôi. Bà rất đã giành cả cuộc đời, sống vì tôi mà tôi lại tìm đến cái chết thì tệ bạc với bà ấy quá”, ông Thiện tâm sự.
Khi chúng tôi hỏi về mong muốn hiện tại, bà Mai trải lòng: “Có duyên nợ mới sống được cùng nhau, tôi và ông Thiện trước hết là vì cái nghĩa, con người sống cần giúp nhau lúc hoạn nạn, sau mới đến cái tình. Là phụ nữ, tôi cũng ao ước có chồng, có con. Nhưng nếu bỏ ông ấy tôi đã không còn là chính mình. Tôi chưa bao giờ hối hận vì những gì đã quyết định. Giờ đây, tôi chỉ mong ông ấy có thể chống nạng đi lại được và cùng tôi sống hết đời là tôi mãn nguyện rồi”. Vừa dứt lời, nhìn lên đồng hồ đã gần trưa, bà nói lời thông cảm vì còn phải qua quận 10 để lo cơm nước cho người mẹ già 81 tuổi. Tiễn chúng tôi ra đầu hẻm, bà vội kiễng chân lên xe khi cơn mưa chợt ập xuống. Nhìn theo bóng dáng người phụ nữ nhỏ bé, mảnh mai nhưng là điểm tựa vững chãi để “người bạn đời” bước qua những gian nan, chúng tôi không khỏi dành cho bà sự ngưỡng mộ. Trên cuộc đời này, hiếm ai có được sự hi sinh vĩ đại như thế.