Trong mùa dịch cả gia đình cô Hải tập trung sống ở ngoài lán trại, đồ ăn đều tự cấp tự túc bằng những thực phẩm mình làm ra.
Trong những ngày Hà Nội cách ly xã hội vì dịch bệnh COVID-19, cô Đặng Thị Hải (53 tuổi, ở Cổ Bản, Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) - người phụ nữ được cho là “mắn đẻ” nhất thủ đô với 14 lần sinh nở - đang chỉ đạo các con của mình làm răm rắp mọi việc từ đống áng, cho đến việc vặt trong nhà.
Cô Hải chia sẻ, từ khi dịch bệnh bùng phát, gia đình cô cũng ít nhiều bị ảnh hưởng đến đời sống, cả nhà chỉ một mình cô đi ra ngoài bán con tôm, con cá lo đồ ăn cho cả gia đình. Còn lại, tất cả con cháu của cô với tổng cộng gần 20 nhân khẩu đều ở lán trại ngoài bờ đê, vừa cách ly không tiếp xúc với nhiều người, vừa làm những công việc đồng áng, chăn nuôi.
"Đông con, đông cháu lại ở tập trung tất ngoài lán thế này cũng vui lắm. Nhiều lúc đi làm về mệt mỏi, nghe thấy các con các cháu cười đùa mình cũng vơi bớt phần mệt mỏi", cô Hải chia sẻ.
Cô Hải đi chợ về là bắt tay vào công việc cũng như chỉ đạo các con làm việc đồng áng.
Hàng ngày, cứ 3 giờ sáng cô Hải đã dậy đi kéo vó, bắt tôm dưới đầm, rồi 5 giờ lại lóc cóc mang ra chợ ngoài Hà Đông bán. "Tôm cá chẳng được nhiều nên chủ yếu bán cho người quen, đến khoảng 9 giờ về nhà chỉ đạo các con làm việc”, cô Hải cho hay.
Vừa nói, cô Hải vừa chỉ tay ra phía xa nơi 3 đứa con trai đang tuổi “choai choai”, cùng 1 người anh họ đang kéo những con cá dưới đầm rộng khoảng 3 mẫu. Còn ở cánh đồng lúa cách đó gần 1 cây số là 2 cô con gái đang vừa cắt cỏ, vừa đi thu nhặt bẫy chuột được đặt từ đêm hôm trước.
Ngay ở chiếc lán lụp xụp nơi cô đang đứng, hai đứa con út và giáp út đang thái chuối cho đàn ngỗng hơn 30 con cô mới mua về để tăng gia sản xuất. Dù phải làm những công việc nặng nhọc nhưng “đàn con” của cô Hải luôn rộn rã tiếng cười, sự hồn nhiên trong những câu nói, tiếng cười đó chính là động lực tinh thần để gia đình cô vượt qua khó khăn, dịch bệnh.
Cô Hải như người tổng chỉ huy, chỉ đạo mọi công việc trên bờ dưới nước.
Cầm theo chiếc rổ lấm lem toàn bùn đi quanh bờ ao nhặt từng con cá nhỏ, cô Hải vừa làm vừa kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy bĩ cực của mình. Cuối những năm 1980, cô lập gia đình với một người đàn ông ở làng Cổ Bản, sau đó vì nghèo đói hai vợ chồng ở vạ vật ngoài bờ đê, ngày ngày đi nhặt sắt vụn, bắt cua ốc kiếm sống.
Từ năm 1989 đến năm 2014, cô lần lượt sinh 14 người con cả trai, lẫn gái, nhưng do mắc bạo bệnh, đứa con út tên Ngô Thị Út Thảo đã qua đời. Cách đây vài năm trước, chồng cô cũng đã qua đời vì bạo bệnh, để lại một mình cô gồng gánh nuôi đàn con thơ dại.
“Đứa con trai cả nhà tôi sinh năm 1990 đã lấy vợ rồi, tôi cho ở riêng để tự lập và tính toán lo cho cuộc sống gia đình. Con gái cũng có đứa đã lấy chồng nhưng cuộc sống chẳng hạnh phúc, giờ nó đưa cháu ngoại về cho tôi trông. Hiện còn 3 đứa con và 5 đứa cháu đang đi học”, cô Hải chia sẻ.
Cô Hải cùng đứa con thứ 13 đi trên bờ nhặt những con tôm, con cá con rơi vãi.
Do trong diện có hoàn cảnh khó khăn, khi dịch bệnh bùng phát, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình cô được hỗ trợ 10kg và 3 thùng mỳ tôm. Cô Hải chia sẻ, dù vật chất không đáng là bao nhưng đó là tình cảm và sự quan tâm của Nhà nước đối với những gia đình khó khăn như cô.
Với hoàn cảnh khó khăn hiện tại, cô Hải cũng mong dịch bệnh sớm qua nhanh để cuộc sống trở lại bình thường, các con trở lại trường học và cô cũng bán được nhiều hàng hơn.
Cô Hải cầm tay chỉ việc, hướng dẫn các con từng công việc dù là nhỏ nhất.
Hướng đôi mắt nhìn về phía đàn con đang ngụp lặn dưới ao cá và cặm cụi ngoài bãi lúa xa xa, cô Hải không giấu được nỗi lo của mình: “Mai đây các con lớn lên lấy vợ gả chồng, tôi chưa biết phải lo cho các con ăn ở ra sao. Rồi đồng ruộng, ao cá cũng là đất mượn của dự án, nếu họ tới thu hồi thì cũng mất kế sinh nhai. Thôi thì cứ đến đâu hay đến đó, tôi tin là trời sinh voi ắt sẽ sinh cỏ.
Bản thân tôi cũng chẳng đặt hy vọng vào đứa con nào, vì trong khả năng của mình tôi cố gắng nuôi dạy các cháu nên người. Giờ tôi cũng đã già và yếu nhiều rồi nên chưa chắc đã lo được cuộc sống trọn vẹn cho các con".