"Đã bước sang tuổi 50 mà chưa bao giờ mua nổi manh quần, tấm áo cho mình mỗi dịp Tết đến, cả cuộc đời lo cho các con", người mẹ 14 con ở Hà Nội chia sẻ.
Chị Đặng Thị Hải (50 tuổi, ở làng Cồ Bản, phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) có đến 14 đứa con. Chồng chị đã mất, hiện chị sống trong căn nhà 30 mét vuông với 8 đứa con và 1 đứa cháu ngoại. Cái Tết của người mẹ 14 con năm nay đủ đầy hơn những cái Tết trước đó, nhưng khi nhớ về người chồng, chị Hải lại dưng dưng nước mắt.
Những đứa trẻ nhà chị Hải năm nay có quần áo mới diện chơi Tết
Có mặt tại nhà chị Hải ngày 29 Tết Nguyên đán, một không khí vui nhộn, tiếng trẻ con vang khắp nhà, tiếng chặt xương, rửa thịt, tiếng nước sôi từ nồi bánh chưng ấm cúng nơi góc bếp, có màu xanh, vàng của cây quất giữa khoảng sân nhỏ… tất cả Tết “gói gọn” trong căn nhà 30 mét vuông, tềnh toàng, không có gì đáng giá...
Tết có bánh chưng, thịt lợn, thịt gà là chúng thích
Trước mặt chúng tôi là một người phụ nữ với gương mặt khắc khổ, quần áo cũ kĩ, chân không dép đang quây quần bên những đứa con nhỏ. Chị Hải năm nay mới 50 tuổi nhưng vẻ bên ngoài mọi người đều cảm nhận phải ngoài 60 tuổi mới đúng bởi nước da tái sạm, gương mặt đầy vết chân chim, dáng vẻ gầy gò
Nở nụ cười thân thiện, chị Hải nói: “Tết năm nay là cái Tết ấm no nhất trong suốt cuộc đời tôi, không phải lo từng cân gạo, tấm áo cho con mỗi ngày giáp Tết. Cả nhà sáng 29 Tết gói bánh chưng, có ít thịt nấu bữa cơm trưa cả gia đình sum họp cho có không khí”.
Chị Hải kể, mấy năm gần đây Tết mới có không khí chứ những năm trước, trong nhà không tiền, không gạo, tất cả chỉ trông vào con cua, con ốc… bắt ngoài đồng.
Tết năm nay nhà chị Hải no đủ hơn những Tết trước
Trong niềm vui ngày Tết no ấm, chị Hải ngậm ngùi nhớ lại những cái Tết “nhiều không”, không bánh chưng, không thịt, không hoa… không nhà, tha phương cầu thực. Nói thực gọi là no ấm đối với mình thôi chứ đối với gia đình khác thì mình vẫn nghèo lắm.
“Tết năm 1992 khổ lắm, lúc ấy vợ chồng, con cái lang thang vạ vật ở ngoài đường, nói thật cái chuồng trâu, chuồng bò bây giờ còn tốt hơn cái túp lều nhà mình ở đê. Túp lều ngoài đê cắm bởi 4 cái cọc, chát đất. Sinh cháu thứ hai lúc đó gió bão đung đưa, nếu mà đổ lều phải bế con chạy trước”, chị Hải tâm sự.
Túp lều ngoài cánh đồng là nơi hằng ngày chị Hải mưu sinh, lo cho hơn chục miệng ăn
Năm 1994, ngoài đê họ đuổi, lúc đó hai vợ chồng mới về trong làng. Một năm sau, tôi làm căn nhà vì tức một câu nói, lúc đó có 2 con lợn và 3 tạ thóc để làm nhà. Nhiều người tốt, mỗi người gom góp cho một ít. Công nợ làm nhà nhiều nhưng trời thương, tôi đi làm công cũng khá nên trả hết nợ, chị Hải kể.
Giơ tay lên gạt nước mắt, chị Hải kể, chồng chị mất hồi tháng 3/2016 sau gần 10 năm chống chọi với bệnh tật. Ngoài ra, đứa con út sinh năm 2013 của chị cũng mất 2 năm trước do bị bệnh não. Đây là cái Tết thứ hai chị không còn người bạn đời bên cạnh cùng gánh vác nhọc nhằn.
Nói về cuộc sống hiện tại và những ngày tiếp theo, chị Hải cho hay: “Năm nay có ông cậu cho làm ăn chung, thả cá ở đầm nên cuối năm bán được ít cá, có tiền mua chút quần áo cho các cháu mặc Tết”.
Những ngày cận Tết, cứ 5h sáng chị phải lội xuống bùn, nước quây lưới, bắt cá bán
"Các con bé thì khổ ít vì mình bảo ban được, nhưng đến khi chúng lớn, bố lại mất, chúng ra ngoài đời học hỏi xã hội không khẳng định được điều gì. Không may các con đi vào đường lầm lỡ mình là người gánh vác nặng nhất, bỏ thì không bỏ được mà cưu mang thì mình không có kinh tế", người phụ nữ 14 con chia sẻ.
Tết năm nay có chút tiền mua sắm cho các con nhưng chị vẫn lo lắng, không biết những Tết sau, con cái có được no đủ không…
Gạt nước mắt chị Hải nói:” Sung sướng nhất là Tết năm nay được thoải mái hơn những năm trước, còn tương lai thì không dám nói trước. Chỉ mong có sức khỏe làm nên lo cho các con, không may ốm đâu lúc đó lại khổ lắm".