Gạt bỏ nỗi sợ hãi và lòng tự ti với làng giềng về đứa con trốn tù, bà Toàn khăn khói vào Nam tìm đứa con trốn lệnh truy nã về Phú Thọ đầu thú.
Trong chuyến tàu ngược ra Bắc với bà, ngoài cậu con trai đang có lệnh truy nã còn có cả con dâu và 2 đứa cháu gái. Nhìn hai đứa trẻ hồn nhiên cười nói vì lần đầu được gặp bà nội, bà Toàn càng tin rằng quyết định của mình là đúng đắn.
Trốn trại vì không người thăm nuôi
Người đàn bà dám gạt bỏ tất cả những điều tiếng bao lâu nay vẫn giữ kín trong lòng, lặn lội vào Nam tìm con, đưa về Phú Thọ đầu thú có tên đầy đủ là Phạm Thị Toàn, trú tại phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Ngoài 60 tuổi nhưng bà Toàn vẫn chưa có được một ngày thanh thản bởi những lo toan, vất vả gần như đeo đuổi suốt cả cuộc đời.
Bà Toàn có 5 người con trong đó Đặng Đức Trí, sinh năm 1974, đối tượng truy nã của Công an tỉnh Phú Thọ về tội cướp tài sản, chống người thi hành công vụ và trốn khỏi nơi giam giữ là cậu con trai cả. Cuộc sống nhọc nhằn vất vả với bao nỗi lo cơm áo gạo tiền cho cả một gia đình đông con đã khiến vợ chồng bà Toàn sao nhãng việc dạy bảo con cái.
Đúng thời điểm Trí chập chững tuổi tập làm người lớn, cần sự quan tâm sát sao của bố mẹ thì việc làm ăn của vợ chồng bà không mấy thuận lợi. Kinh tế ngày càng eo hẹp thì mâu thuẫn vợ chồng cũng vì đó tăng lên khiến cho tình cảm giữa bà Toàn với người chồng ngày càng thêm rạn nứt. Chán cảnh về nhà là thấy bố mẹ khục khặc nhau, Trí bỏ đi chơi suốt và đó cũng là lý do khiến cậu ta sa đà vào những cuộc chơi, kết bạn với đám thanh niên hư hỏng.
Trong một lần cao hứng vì thiếu tiền tiêu xài, Trí tham gia vào một vụ cướp tài sản và chống người thi hành công vụ. Thời điểm đó là vào năm 1993, lúc đó Trí vừa tròn 19 tuổi và với hành vi phạm tội trên, Trí bị kết án 54 tháng tù giam. Gia cảnh lục đục lại thêm việc con trai lớn vào tù đã đẩy cuộc hôn nhân của bà Toàn lên tới đỉnh điểm. Kết quả là khi Trí vào trại giam chưa được mấy tháng thì ở nhà, bố mẹ anh ta dắt nhau ra tòa. Nợ nần chia đôi nhưng con cái thì bà Toàn được ông chồng “nhường” cho nuôi cả. Không có nhà cửa, bà Toàn dắt 4 con đi thuê nhà để sinh sống, coi như làm lại từ đầu với bầy con nheo nhóc.
Về phần Trí, không biết ở nhà vừa xảy ra biến cố lớn nên mấy tháng trời không thấy người nhà tới thăm thì cho rằng mình bị bỏ rơi. Trong tâm trạng không ổn định nên khi thấy có cơ hội bỏ trốn, anh ta đã tìm cách vượt ngục. Đó là một ngày cuối năm 1993.
Đại úy Nguyễn Đức Phan, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, hỏi cung đối tượng Trí
Vừa sợ bị bắt lại vừa không muốn quay về nhà để chứng kiến cảnh bố mẹ hằn học nhìn nhau, ngay đêm trốn trại đó, Trí nhảy tàu về Hà Nội rồi từ đây đi thẳng một mạch vào Vũng Tàu. Thế nhưng dù ở mảnh đất nổi tiếng là dễ kiếm việc làm, dễ sống như đặc khu Vũng Tàu này thì với một kẻ không có nghề trong tay lại chẳng có lấy một mẩu giấy tờ tùy thân, đâu dễ tìm được một việc làm ưng ý. Để tồn tại, Trí phải sống lang thang nay đây mai đó, kiếm ăn bằng những công việc chân tay nặng nhọc nhưng trong lòng vẫn canh cánh nỗi lo bị bắt lại.
Nỗi lo sợ ấy ám ảnh Trí đến nỗi, sau này khi đã có con với một phụ nữ quê ở Vũng Tàu, bước chân kẻ trốn chạy vẫn không dám dừng lại. Ở với người đàn bà này một thời gian, Trí bỏ ra Lạng Sơn, kiếm sống bằng nghề bán thịt vịt song vì “có tật giật mình” nên khi quán vịt của Trí bắt đầu có khách quen thì anh ta lại di chuyển.
Kể với cán bộ điều tra, Trí bảo chẳng hiểu sao mỗi lần bán hàng, chỉ thoáng thấy bóng áo của lực lượng công an là anh ta không làm chủ được bản thân nữa, tay chân run lẩy bẩy như người trúng gió. Lần thứ 3 chuyển địa điểm ẩn náu, Trí vào TP Hồ Chí Minh và số phận lại mỉm cười với anh ta khi được một phụ nữ kém mười tuổi đem lòng thương mến.
Người phụ nữ tên là Vũ Thị Hà, SN 1984, quê ở Nghệ An. Chị Hà cũng bỏ quê vào Nam lập nghiệp, thấy Trí một mình lặn lội mưu sinh nên đã đem lòng thương. Đến với nhau theo kiểu góp gạo thổi cơm chung nhưng khi sinh được hai đứa con, nghĩ tới tương lai của con, chị Hà đề nghị Trí đi đăng ký kết hôn để còn làm giấy khai sinh cho con đi học. Chị Hà không biết chồng mình là một kẻ đang trốn truy nã nên mỗi khi đề cập tới chuyện làm giấy tờ, thấy Trí lảng tránh lại nghĩ rằng chồng mình đã có vợ khác. Nhiều lần giận dỗi, chị Hà muốn làm rõ sự thật nhưng ngặt nỗi không biết cụ thể quê quán của chồng mình nên đành nhẫn nhịn. Khi cô con gái lớn đến tuổi đi học, chị Hà phải gửi con về quê ngoại Nghệ An cho đi học.
Lần đưa con về quê ấy, Trí cũng đi cùng và dọc đường đi, anh ta có buột miệng nói quê mình ở Phú Thọ. Những lần sau đó, chị Hà để ý đến điện thoại của chồng, thấy Trí thi thoảng có cuộc gọi xa. Qua kiểm tra, chị Hà phát hiện Trí gọi về Phú Thọ nhưng không biết nội dung và gọi cho ai. Mọi chuyện cứ thế trôi qua đến đầu tháng 3 vừa qua, khi trong nhà vợ chồng Trí xuất hiện một người đàn bà đứng tuổi. Người đàn bà ấy không ai khác chính là bà Phạm Thị Toàn, mẹ đẻ của Đặng Văn Trí.
Vượt qua mặc cảm, vào Nam tìm con về đầu thú
Không phải ngay từ đầu bà Toàn đã có ý định đưa con trai về đầu thú mà phải mất một thời gian dài đắn đo, suy nghĩ. Tin con trai trốn trại bà biết đã lâu và suốt một thời gian dài gần 21 năm qua, bà Toàn luôn sống trong đau khổ, lo lắng. Bà lo cho Trí không biết sẽ sống thế nào ngoài xã hội khi tuổi đời còn quá trẻ, liệu có xoay sở nổi không hay lại tiếp tục lao vào con đường tội lỗi để rồi bỏ xác ở phương trời nào đó. Canh cánh nỗi lo về con cứ thế thường trực hằng đêm trong giấc ngủ của bà, khiến nét mặt bà lúc nào cũng đăm chiêu suy nghĩ.
Một mình bươn trải nuôi 4 đứa con, bà Toàn tưởng như cuộc sống không gì cùng cực hơn nhưng số phận như vẫn muốn thử thêm sức chịu đựng của bà. Trong một lần tham gia giao thông, chồng cũ của bà bị tai nạn giao thông phải nằm liệt một chỗ. Nghĩ tình cũ nghĩa xưa, bà Toàn đón ông về căn nhà đi thuê của mình ở phường Dữu Lâu chăm sóc.
Không làm được gì cho gia đình nhưng từ ngày trong nhà có bố, mấy đứa con của bà Toàn có ý thức hơn, đứa nào cũng chăm chỉ làm ăn, kiếm sống. Khi cậu con trai thứ hai thông báo lấy vợ, bà Toàn mừng rỡ vì thành quả bao năm vất vả bây giờ bắt đầu nhìn thấy. Đúng lúc đó thì bà nhận được điện thoại của Trí, đứa con hơn 20 năm bặt tin, đã lấy đi bao nước mắt của bà.
Mừng vì biết con vẫn còn sống, bà Toàn sững sờ khi thấy Đại úy Nguyễn Đức Phan, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ đến nhà mình. Vẫn biết Trí có lệnh truy nã toàn quốc từ mấy chục năm nay và việc lực lượng công an tìm đến nhà để tìm hiểu thông tin về Trí vẫn xảy ra nhưng lần này bà Toàn thấy tâm trạng khác hẳn. Bà mơ hồ cảm thấy có một điều gì đó đặc biệt sắp xảy ra với con trai mình nhưng không biết đó là điều gì. Thế nên trò chuyện với anh Phan, bà Toàn hết sức dè dặt. Bà bảo không biết con trai mình ở đâu và giấu chuyện vừa bắt liên lạc được với Trí.
Những ngày sau đó, đại úy Phan vẫn đều đặn tới thăm gia đình bà Toàn, lựa lời phân tích để bà hiểu về chính sách khoan hồng của Đảng và pháp luật đối với người ra đầu thú. Phần vì lo đám cưới cho con trai thứ, không muốn làm ảnh hưởng tới ngày vui của con, phần vì không muốn Trí quay về trại giam nên bà Toàn luôn né tránh mỗi khi đại úy Phan tới gặp.
Thế nhưng trước sự giúp đỡ chân thành của anh công an này cho ngày vui của con trai đã khiến bà Toàn cảm động. Biết gia cảnh bà Toàn chẳng mấy dư dả, Đại úy Phan đã mượn hộ phòng khách cho gia đình thông gia với gia đình bà Toàn ở nhờ trong những ngày đón, đưa dâu; giúp con trai bà có một chiếc xe đưa đón dâu cho bằng bạn, bằng bè…Sự giúp đỡ chân tình cũng những lời lẽ thuyết phục thấu tình, hợp lý của Đại úy Phan đã khiến bà Toàn hiểu ra và đó chính là động lực để bà Toàn có chuyến đi vào Nam thuyết phục con trai quay về đầu thú.
Kể với chúng tôi, đại úy Phan cho biết anh mất mấy tháng ròng đi các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình nơi có những người thân của Trí đang sinh sống để giải thích, vận động họ thuyết phục đối tượng này đầu thú song không có kết quả. Lần này, anh quyết định gặp mẹ Trí, vận động bà và được người phụ nữ này đồng ý hợp tác.
“Hôm tôi đến nhà chỉ có bà Toàn và em gái của Trí ở nhà. Khi biết tôi là Công an, bà Toàn chối đây đẩy rồi từ chối tiếp xúc…sau đó thì tránh mặt và một mực khẳng định rằng không biết Trí đang lưu lạc ở nơi nào. Tôi không giận mà hết sức thông cảm vì đó là tâm lý bình thường của những người có thân nhân trốn truy nã”, Đại úy Phan nhớ lại.
Đầu tháng 3-2014, sau khi vào Nam, khoảng 10 ngày sau, bà Toàn điện thoại cho Đại úy Phan, thông báo đã gặp được Trí nhưng không biết phải vận động con trai thế nào để Trí đồng ý quay về. Được Đại úy Phan chỉ dẫn, bà Tòan đã lựa lời động viên con trai rồi thông qua mẹ Trí, Đại úy Phan đã trò chuyện được với kẻ đang bỏ trốn này, động viên anh ta tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước.
Những lời phân tích của Đại úy Phan đã tác động vào tâm lý của một kẻ cả đời trốn chạy, đang mong giữ mái ấm của mình và quay về sống ở nơi quê cha đất tổ. Rồi được sự động viên của mẹ, sự cảm thông của vợ, Trí đã đồng ý ra Bắc. Không chỉ động viên được con trai quay đầu về lẽ phải, bà Toàn còn thuyết phục được con dâu cùng ra Bắc với mình. Người phụ nữ đứng tuổi này đã làm được một việc tưởng chừng không phải ai cũng dễ dàng làm được. Đó là kéo được đứa con tội lỗi, bỏ trốn 21 năm trời quay về đầu thú, bà Toàn còn dùng tình cảm và cảnh ngộ của mình để hóa giải những sai lầm con trai gây ra cho vợ, động viên con dâu đưa cháu nội về đoàn tụ với gia đình và có điều kiện thăm nuôi chồng.
Ngày 24/3/2014, bà Toàn đưa Trí đến Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ đầu thú, kết thúc chặng đường 21 năm mệt mỏi vì chạy trốn.