Người nhà cho rằng vì không có tiền lẻ lót tay cho trẻ đi tắm nên điều dưỡng bực mình đóng sầm cửa, chiếc xe tuột khỏi tầm tay khiến 5 trẻ rơi xuống đất.
Điều dưỡng vùng vằng vì không được lót tiền?
Một tuần sau vụ điều dưỡng trượt chân làm ngã 5 bé sơ sinh, sự lo lắng, mệt mỏi vẫn còn hiện rõ trên nét mặt của người làm cha, làm mẹ. Anh Khổng Minh Cường, ở Bắc Giang cho biết, sáng ngay 14/7, khi điều dưỡng Vân Anh đến đón đưa các bé đi tắm anh không có mặt trong phòng, vợ anh chỉ có đúng tờ 100.000 trong túi nên không thể bỏ vào tã cho con như thông lệ. Cô điều dưỡng Vân Anh đón con anh đặt vào xe, chiếc tã còn che hết cả mặt cháu bé, đích thân vợ anh dù đang đau nằm giường đã phải chạy theo xe nhấc chiếc tã ra khỏi mặt con mình. Chỉ vài phút sau mọi người trong phòng nghe tiếng rầm, vội chạy ra cửa thì thấy 5 cháu đã đều văng từ trên xe xuống đất.
Anh Nguyễn Khắc Cường, bố của cháu Nguyễn Tuấn Minh là một trong những người đầu tiên có mặt ngay sau khi các cháu bị ngã. Anh nhớ lại “Mở cửa ra chỉ thấy chiếc xe đẩy bị đổ, 4 cháu rơi nằm một chỗ, còn một bé thì lăn ra xa hơn. Tôi và một số bà chạy vội đến bế các cháu lên, lúc đó sợ quá chỉ nghĩ bế các con lên ngay mà chẳng còn thời gian xem cháu nào cháu của mình nên có bà đã bế nhầm cháu”.
Anh Cường búc xúc cho biết: "Bệnh viện nói chỉ có 3 cháu bị rơi, 1 cháu khác vẫn nằm trên xe và 1 cháu cô Vân Anh đỡ được là không đúng. Lúc đó có thể do hoảng quá cô Vân Anh chạy vội về phòng gọi đồng nghiệp, cứ để 5 cháu nằm đất vậy”.
Một trong những người có mặt đầu tiên đang chỉ lại nơi 5 cháu bị điều dưỡng làm ngã xuống đất (Ảnh MH)
Nói về lý do tại sao chiếc xe lại bị lật, gia đình các cháu bé cho rằng, thái độ của cô Vân Anh khi đón các bé vùng vằng, khó chịu, lúc đẩy xe cô đóng cửa buồng rất mạnh, có thể vì thế nên chiếc xe tuột khỏi tầm tay, đúng lúc chỗ dốc thì bị nghiêng đổ. “Giá lúc đó tôi có mặt ở đó, có tiền lẻ bỏ vào trong túi thì có lẽ con tôi và 4 cháu bé kia đã không phải chịu đau đớn như vậy”, anh Nguyễn Khắc Cường buồn rầu cho biết.
Cấm mọi nhân viên nhận tiền người bệnh
Trao đổi với phóng viên ngày 22/7 về vấn đề liệu có phải điều dưỡng làm rơi các bé vì không đượt lót tiền khi tắm, ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội khẳng định điều đó không đúng. Tuy nhiên, ông Ánh cũng thừa nhận việc người nhà bệnh nhân quấn một vài chục nghìn vào tã của các bé trước khi trẻ được đưa đi tắm là có. Nhân viên y tế khi cởi tã tắm cho bé, nếu thấy tiền sẽ trả lại cho người nhà, cũng có trường hợp nhân viên nhận.
“Điều dưỡng Vân Anh đã gửi lời xin lỗi đến các bé và bố mẹ của các bé. Riêng về chuyện tiền lót tay khi bé đi tắm, cô cũng trả lời rất thực rằng cô ấy không được trực tiếp nhận, là “cọc” thứ 3 cô ấy chỉ có nhiệm vụ đón và trao các bé cho nhân viên buồng tắm, không được phép cởi tã của các cháu. Nếu người nhà của các bé quấn tiền trong tã thì nhân viên tắm mới là người biết có tiền, chứ không phải điều dưỡng Vân Anh. Cô ấy cũng thừa nhận có lần được chia, có lần không”, TS Ánh nói.
Mẹ của cháu Nguyễn Tuấn Minh cho biết, rất may hiện cháu đã bú tốt, chưa có dấu hiệu bất thường (Ảnh MH)
Ngay sau sự việc đáng tiếc này, ông Ánh cho biết, ông họp toàn bệnh viện và yêu cầu toàn bộ nhân viên không được nhận tiền của bệnh nhân dưới mọi hình thức. Nếu thấy tiền quấn trong tã điều dưỡng phải trả lại cho người nhà các bé. “Cấm tất cả nhân viên được nhận tiền của bệnh nhân là để không phải xảy ra trường hợp người được nhận thì thấy vui, người không được nhận thì bực bội. Tuy nhiên, cũng phải công bằng mà nhìn nhận rằng, người bệnh đang cố tình làm hư nhân viên y tế, mọi người cần bỏ thói quen thường trực khi vào viện là phải lăm le đưa phong bì cho nhân viên y tế. Tôi cũng yêu cầu tất cả nhân viên khi đón trẻ tại mọi buồng bệnh đều phải nói to: yêu cầu người nhà không nhét tiền vào tã các bé. Dần dần mọi người sẽ hiểu và không ai làm thế nữa”, TS Ánh cho biết.
“Nếu phát hiện trường hợp nhân viên y tế nhận tiền của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân phản ánh có đưa tiền cho nhân viên y tế bệnh viện sẽ xử lý nghiêm minh, nhân viên đó sẽ bị phạt tiền đời sống 1 năm. Tiền đời sống ở đây được trả gấp 2,5-3 lần lương quy định nhà nước cho phép, với cán bộ lương cao, có thâm niên, tiền đời sống một năm có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, nếu là bác sĩ sẽ bị treo “dao” trong 3 tháng, điều dưỡng sẽ bị phạt không tiếp xúc với bệnh nhân 3 tháng, cho xuống rửa chai lọ”, TS Ánh cho biết.
Về tình hình của 5 cháu, theo ông Ánh kết quả thăm khám cho thấy các cháu hoàn toàn bình thường. Phía bệnh viện thống nhất sẽ hỗ trợ thăm khám tại bệnh viện cho 5 cháu ở những thời điểm 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm và bất kể lúc nào trong tháng đầu tiên nếu các cháu có diễn biến đặc biệt. Bệnh viện đồng ý theo dõi sức khỏe định kỳ cho 5 cháu trong thời gian 5 năm đầu đời.
Phía người nhà yêu cầu bệnh viện phải có chịu toàn bộ chi phí khám, điều trị cho 5 cháu trong 5 năm nhưng TS Ánh cho rằng điều này là vô lý và không thể. Ông lý giải trong 5 năm một đứa trẻ sẽ gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe, đơn giản như bệnh hay gặp nhất như tiêu chảy, hô hấp … thì không thể bắt bệnh viện phải chịu trách nhiệm được. “Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm tất cả các chi phí thăm khám, điều trị nếu bé gặp các vấn đề về sức khỏe do cú ngã tại bệnh viện gây ra”, ông Ánh khẳng định.