Để hổ được khỏe mạnh, những người chăm sóc không quản ngại khó khăn lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho hổ. Mỗi khi hổ bỏ ăn, họ lại lo hơn cả những đứa con ở nhà bị ốm.
Hổ bỏ ăn lo hơn con ốm
Ngày nào cũng vậy, hơn 7 giờ sáng, những người công nhân ở Công viên Thủ Lệ (Hà Nội) lại bắt đầu công việc vệ sinh, chăm sóc những loài động vật đang được bảo tồn tại nơi đây. Khu vực đặc biệt nhất ở công viên này có lẽ là nơi đang bảo tồn những loài động vật hoang dã mà bất kể ai nghe tên cũng cảm thấy rùng mình như: Hổ, báo, gấu, sư tử…
Những người đến công viên tham quan, khi đi qua chuồng hổ chẳng ai dám lại gần vì chỉ một tiếng gầm của “chúa tể sơn lâm” cũng khiến họ giật bắn mình. Thế nhưng, phía sau bức tường kiên cố là những con người đã gắn bó nhiều năm, coi việc chơi với hổ, cho hổ ăn, thậm chí nằm ngủ với hổ là chuyện thường ngày.
Hai cá thể hổ Sóc Sơn và Bình Dương nô đùa buổi sáng sớm tại sân chơi.
Khu nhà hổ của công viên hiện đang có 3 “chúa sơn lâm” được bảo tồn, mỗi con đều được đặt một cái tên riêng. Hai con hổ đực nặng hơn 100kg với tuổi đời chỉ khoảng 2 năm được đặt tên lần lượt là Sóc Sơn và Bình Dương. Còn ở cách đó một đoạn là “nhà” của một con hổ được sinh ra tại công viên này cách đây 16 năm và được đặt tên là Mi.
Anh Phúc - người hàng ngày vẫn chăm sóc “chúa sơn lâm” - cho biết muốn làm được công việc này trước hết phải hiểu được tính cách, tập tính của từng cá thể hổ, có như vậy thì mới biết khi nào hổ mệt, khi nào hổ vui.
Anh Phúc đang kéo cửa để thả hổ ra cho khách tham quan chiêm ngưỡng.
“Như con Bình Dương tính tình hòa đồng và hoạt bát nên chúng tôi có thể tiếp xúc gần, gọi có thể nó sẽ lại gần được. Còn với Sóc Sơn thì tính tình lầm lũi hơn, dễ nổi cáu… Khi biết được tính cách của chúng như vậy, việc chăm sóc của chúng tôi cũng dễ dàng hơn”, anh Phúc chia sẻ.
Chị Hà Thu Phương - GĐ Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật số 1 - cho biết việc nuôi hổ nói riêng và nuôi động vật hoang dã nói chung là một nghệ thuật. Người làm công việc này không chỉ có sự can đảm, khéo léo mà còn phải có tình yêu thương với động vật.
Nhìn vào ánh mặt, hoạt động của hổ, những người công nhân cũng hiểu được hổ khỏe hay ốm.
Bản thân chị Phương vừa là người chăm sóc, vừa là người quản lý nhưng mỗi khi thấy hổ có vẻ mệt mỏi, bỏ ăn là lòng chị lại nóng như lửa đốt. “Nói thật, mỗi khi hổ bỏ ăn hay bị thương, bị ốm chúng tôi còn lo hơn cả con cái ốm ở nhà. Vậy mà đôi khi vẫn có những người nói chúng tôi ăn hết phần của động vật (ý là ăn bớt thức ăn) điều đó khiến chúng tôi rất buồn”, chị Phương chia sẻ.
Mắc màn ngủ cùng hổ, chăm hổ như người già
Nhiều năm làm công việc chăm sóc hổ, chị Phương vẫn còn nhớ những lần chị và các anh em công nhân ở đây phải ăn nằm cùng hổ ở trong chuồng. “Đó là khi hổ ốm, hổ bị thương chúng tôi phải cho hổ vào cũi rồi kê phản, mắc màn nằm ngay bên cạnh để ngủ bởi có những vết thương trên cơ thể, nếu không chú ý hổ liếm đứt chỉ thì sẽ rất lâu khỏi. Hơn nữa ngủ cạnh hổ để mỗi khi hổ đi vệ sinh ra phải dọn luôn vì để dính vào vết thương sẽ gây nhiễm trùng”, chị Phương cho biết.
Chế độ ăn của hổ phải được kiểm soát hết sức chặt chẽ.
Hàng ngày chế độ ăn cho hổ cũng phải được kiểm soát rất sát sao về dinh dưỡng cũng như chất lượng. Mỗi xuất ăn của hổ sẽ bao gồm thịt bò và sườn, thực đơn cũng có thể thay đổi theo ngày. Tuy nhiên, với những cá thể hổ trẻ tuổi thì có thể cho ăn cả tảng thịt lớn hoặc xương, nhưng với cá thể hổ lớn tuổi chế độ ăn lại phải thay đổi cho phù hợp.
“Ví dụ như con hổ tên Mi năm nay đã đã 16 tuổi, răng đã yếu nên chúng tôi không cho ăn xương, chế độ thịt hàng ngày cũng phải cắt nhỏ từng miếng, chia nhỏ bữa ăn để dễ tiêu hóa hơn. Nhìn chung, mọi người cứ hình dung người già chăm sóc thế nào thì hổ nhiều tuổi cũng chăm sóc như vậy”, chị Phương chia sẻ.
Con hổ tên Mi năm nay 16 tuổi được cắt nhỏ thức ăn, chia nhỏ bữa để cho dễ tiêu hóa.
Không chỉ có vậy, hàng ngày khi bắt đầu công việc chăm sóc hổ, những người như anh Phúc, chị Phương phải tiến hành phun thuốc khử khuẩn rất cẩn thận ở từng ngõ ngách, hốc cây. Rồi cọ rửa từ giường nằm đến nền gạch, những đống phân hổ thải ra mọi người cũng quan sát kỹ lưỡng xem có gì bất thường không để báo cáo lãnh đạo và bộ phận thú y.
“Dù là động vật hoang dã nhưng cũng không tránh được những ốm đau. Hổ cũng như con người vậy, nhưng nó không biết nói mà chúng tôi phải quan sát từ thân hình đến hoạt động, từ đó mới biết được có bất thường gì về sức khỏe hay không”, chị Phương cho hay.
Hai chú hổ Sóc Sơn và Bình Dương khi cho ăn cũng phải tách riêng để tránh tranh giành thức ăn.
Đã thân quen với hổ như những người thân trong gia đình, nhưng mọi người khi chăm sóc vẫn luôn phải cẩn trọng không được chủ quan một phút nào bởi chỉ lơ là, mất cảnh giác là sẽ để lại hậu quả rất lớn.
“Khu vực nhà hổ chúng tôi bố trí rất nhiều vòng bảo vệ, việc chăm sóc chăn nuôi cũng phải đảm bảo an toàn lao động tuyệt đối. Bởi đây là khu vực gần dân cư, đông khách tham quan lui tới, chỉ cần một sơ xuất nhỏ, cái giá phải trả rất khủng khiếp, nhất là với những loại động vật như hổ”, ông Phạm Đình Mạnh - Trưởng phòng Kỹ thuật (Công viên Thủ Lệ) cho hay.