Gần 20 năm làm công việc chăm sóc động vật, chị Ngọc thân thiết với từng con thú dữ ở công viên, thậm chí chị còn là “người mẹ” thứ hai của một chú sư tử có tuổi đời 2 năm.
Dành mọi tình yêu thương cho thú dữ nhưng không được chủ quan
Chị Trần Thị Ngọc năm nay mới hơn 40 tuổi, nhưng đã có thâm niên công tác ở Công viên Thủ Lệ gần 20 năm. Hàng ngày công việc của chị tắm rửa cho hổ và sử tử và cho chúng ăn. Đặc biệt, những lúc rảnh rỗi chị lại ngồi vuốt ve, chải bờm, bắt rận cho chú sư tử nặng gần 200kg.
Chị Ngọc cho biết với bất cứ ai khi vào khu vực chăm nuôi, thậm chí là đứng ở ngoài những lớp tường, rào bảo vệ nhưng khi nghe tiếng gầm của sư tử là sợ “vỡ mật”. Ấy vậy mà suốt ngày này sang tháng khác chị làm công việc này và còn được mệnh danh là “người mẹ thứ 2”, “mẹ nuôi” của loài vật hung dữ này.
Chị Ngọc đang dọn dẹp, vệ sinh và chuẩn bị bữa sáng cho sư tử.
Chị kể, ngày mới về khu nuôi động vật hoang dã chị nhìn thấy hổ, thấy báo và sư tử chị cũng run sợ lắm. Qua quá trình làm việc, chị được những người đi trước chỉ bảo và được học về cách chăm sóc, gần gũi động vật sau đó mới quen dần.
Hơn 20 năm làm việc, chị Ngọc dành hết tình cảm của mình với những con vật ở đây và bản thân chị cũng chưa bao giờ bị thú dữ ở đây “dọa nạt”, nhưng với sự cẩn thận của mình chị vẫn luôn dặn đồng nghiệp và khách đến tham quan phải luôn cẩn thận.
“Dù gần gũi hàng ngày, chăm từ miếng ăn đến chỗ ngủ cho chúng (động vật), nhưng dù sao chúng vẫn là những loài vật ăn thịt, chúng vẫn có bản năng hoang dã nên mình luôn phải đề phòng”, chị Ngọc nói.
Hàng ngày chị Ngọc vui đùa và rất thân thiết cùng chú sư tử tên Chăm.
Bí mật về chú sư tử tên Chăm ở phía sau tường rào bảo vệ
Trong số hàng chục loài động vật ăn thịt đang được chăm sóc tại đây, chị Ngọc có tình cảm đặc biệt với chú sư tử có tên là Chăm. Người phụ nữ này nhớ tất cả những kỷ niệm về Chăm, chị bảo: “Còn hơn một tháng nữa (ngày 4/1) là đến sinh nhật 2 tuổi của Chăm rồi”.
Vừa vuốt ve, chị Ngọc vừa kể cho chúng tôi nghe về hành trình từ một chú sư tử đỏ hỏn cho đến bây giờ khi Chăm đã được gần 2 tuổi và nặng gần 200kg. “Chăm sinh ra nặng 1,6kg, khi chào đời, sư tử mẹ tai biến sau đẻ và chết, kể từ đó không chỉ riêng tôi, mà tất cả anh em ở đây dốc toàn lực để chăm bẵm Chăm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”, chị Ngọc kể.
Chăm mồ côi mẹ từ nhỏ nên nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cán bộ ở công viên.
Thời gian đầu chăm sóc, chị Ngọc gặp muôn vàn khó khăn, đó là những hôm sư tử bỏ ăn, chị phải tự tay bón từng thìa sữa nhỏ. “Thời gian đầu Chăm ăn kém, phải cho ăn sữa ngoài. Rồi cũng có lúc nó bỏ ăn và mình phải tìm mọi cách để cho ăn. Nhìn chung lúc còn nhỏ nuôi Chăm như nuôi con nhỏ vậy, cũng phải âu yếm, vuốt ve để cho ăn. Thậm chí có những hôm Chăm hờn, dỗi không ăn thì lại phải nịnh”, chị Ngọc kể.
Gắn bó từ khi chào đời đến nay, những khi nhà có việc phải nghỉ làm chị Ngọc nhớ Chăm như nhớ người thân của mình. Rồi hàng ngày khi đến nơi làm, việc đầu tiên chị Ngọc phải chạy đến chuồng chào Chăm sau đó mới bắt đầu công việc thường ngày.
Hiện Chăm đang ở độ tuổi bướng bỉnh và rất dễ giận hờn.
“Chăm đang ở độ tuổi bướng bỉnh nhất, có hôm mình làm phật ý là nó giận, gọi cho ăn không thèm vào. Sau đó lại phải nịnh nọt, vuốt ve và đồng ý cho Chăm làm nũng…. Mọi người nếu chỉ nhìn ở phía ngoài thì sẽ thấy đó là một con vật lực lưỡng, hung dữ và đáng sợ, nhưng sự thật phía sau hàng rào bảo vệ thì lại không phải vậy”, chị Ngọc chia sẻ.
Video chị Ngọc vui đùa, vướt bờm sư tử tại công viên Thủ Lệ.
Bố con sư tử 2 năm chưa một lần được gần nhau
Chăm được sinh ra ngay tại Công viên Thủ Lệ, sư tử bố tên Nam, còn sư tử mẹ tên Phi (đặt tên theo nguồn gốc bắt về từ đất nước Nam Phi), nhưng tiếc rằng vừa sinh Chăm xong thì sư tử mẹ cũng không qua khỏi. Giờ đây con sư tử bố tên Nam vẫn đang được chăm sóc ở công viên này và đã được gần 6 tuổi.
Con sư tử tên Nam là bố của Chăm được nuôi ở ngay chuồng bên cạnh.
Dù ở gần nhau, nhưng chị Ngọc cho biết từ khi ra đời đến nay hai bố con nhà sư tử chưa một lần chạm mặt và vui đùa với nhau. Hàng ngày hai bố con sư tử chỉ nhìn nhau qua ô cửa thoáng.
“Nếu như còn sư tử mẹ, chúng tôi có lẽ sẽ để cho bố mẹ nhà sư tử chăm sóc con. Nhưng tiếc là sư tử mẹ đã chết mất rồi, vì không gần gũi từ nhỏ nên bây giờ chúng tôi không dám để hai bố con nhà sư tử gặp mặt nhau vì sợ có một “trận chiến” không mong muốn xảy ra”, chị Ngọc cho biết.
Giờ đây cứ trước giờ cho ăn hàng ngày, mọi người lại làm công việc mở ô cửa thoáng để hai bố con nhà sư tử gần nhau, cảm nhận nhau và khi nào quan sát thấy mọi thứ “bình yên” thì sẽ cho ghép đôi.
Ngoài chị Ngọc, Chăm cũng tỏ ra thân thiện với một số cán bộ thường xuyên chăm sóc mình.
“Mình cứ tưởng tượng rằng Chăm giờ vẫn như một đứa trẻ mới lớn, còn sư tử bố thì đã trưởng thành nên việc ghép đôi sẽ không đơn giản. Bằng kinh nghiệp của mình, chúng tôi sẽ biết khi nào cả hai hòa đồng thì sẽ cho sang phòng nhau”, chị Ngọc nói.
Thậm chí, tại khu vực nuôi sư tử hàng ngày các nhân viên vườn thú phải thay phiên nhau thả sư tử ra ngoài để khách du lịch tham quan, chứ không dám thả 2 con cùng một lúc. “Khi 1 con ở trong, 1 con ở ngoài chúng gầm gừ nhau ghê lắm. Tất nhiên, sau này khi ghép đôi được với nhau chúng tôi sẽ thả chung 1 khu để khách thăm quan chiêm ngưỡng”, chị nói với giọng đầy hy vọng.