Bà được xem là người đặt nền mòng cho "phố Malaysia tại Sài Gòn".
Gần 10 năm qua, người dân Đạo hồi trên khắp thế giới khi đến TP.HCM, trong hành trang đều có cái tên Basiroh. Họ muốn được gặp mặt, đến ăn món của đạo Hồi, mua trang phục của người phụ nữ này. Bà Basiroh đã tạo được một dấu ấn lớn không phải ai cũng làm được. Và hiển nhiên, để có được thành quả hôm nay, bà đã trải qua không ít khó khăn.
Basiroh là con út trong một gia đình đông anh chị em người Chăm ở An Giang. Bà sinh ra ở thời chiến tranh, gia đình khó khăn nên việc học hành không được thuận lợi. Mặc dù vậy, mẹ bà là một người phụ nữ luôn lo lắng, suy nghĩ cho các con. Bà luôn ao ước, các con sau này sẽ làm công việc văn phòng để đỡ vất vả.
Bà Basiroh được xem là người đặt nền móng để Phố Malaysia tại Sài Gòn hình thành
Đất nước thống nhất, cả gia đình bà chuyển lên TP.HCM sinh sống. Thuở ấy, bà được mẹ cho đi học may và học tiếng Anh. Bà say mê học. Lúc này, mẹ bà ốm, thường nằm trên một chiếc ghế bố ở trước nhà. Mỗi khi bà về đến nhà, bà lại hỏi về việc học tiếng Anh ra sao và yêu cầu con dạy lại cho mình. Cũng nhờ vào điều này, bà cố học thật giỏi để mẹ đỡ buồn.
Một lần trò chuyện, mẹ bà cho biết, khi đặt tên Basiroh, cha mẹ hy vọng, sau này, cô con út sẽ luôn làm người khác vui. Thấu hiểu được tâm tưởng, suy tư của đấng sinh thành, bà tâm niệm phải làm cho người thân mình hạnh phúc trước, sau đó sẽ san sẻ niềm vui cho những người khác, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, không công ăn việc làm.
Với vốn tiếng Anh kha khá, lúc đó, bà Basiroh xin và làm việc cho một công ty nghiên cứu thị trường của nước ngoài. Mức lương của bà không phải là quá cao nhưng vẫn có thể sống đủ. Lúc ấy, công việc của bà là niềm mơ ước của bao nhiêu người. Tuy nhiên, trong thâm tâm, bà cảm thấy chưa hài lòng. Bởi, nếu cứ sống với công việc này thì tâm niệm của mình không thể trở thành hiện thực và không đạt được mục đích của cha mẹ đã gửi gắm vào mình.
Vào cuối những năm 90, có một người Malaysia đến TP.HCM công tác. Người này gặp và biết bà là người Chăm, cùng theo đạo Hồi thì rất mừng. Sau giờ làm, người này nhờ bà cùng đi mua trang phục đạo Hồi làm quà, đặc biệt là bộ đồ mặc khi hành lễ của người Hồi giáo mang tên Telekung. Đi suốt cả buổi, hai người mới tìm thấy một cửa hàng bán những thứ này ở Thương xá Tax. Nhưng, mẫu mã, màu sắc cũng rất nghèo nàn.
Sau hôm đó, bà Basiroh nghĩ: “Tại sao mình lại không làm quần áo để bán cho người Hồi giáo?”. Nghĩ là làm, bà nhờ một người bạn có việc sang Malaysia mua về cái khăn trùm đầu và bộ đồ lễ. Sau giờ làm, bà lại cầm những thứ này ra nghiền ngẫm, mày mò. Bà phát hiện, Telekung là đồ lễ, kiểu dáng không thể thay đổi, nếu muốn làm khác khiến cho nó đẹp hơn chỉ có cách thêm thắt phụ kiện, thay đổi hoa văn thêu.
Thuở đó, người Malaysia đến Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Tối về, bà cắt may từng bộ áo Telekung may và bán tại nhà cho người quen, chủ yếu qua đường truyền miệng. Thời gian rảnh, bà dạy kinh Koran cho người Malaysia nên học trò giới thiệu người thân, bạn bè đến mua. Một vài người nhận trang phục thì khá thích thú nhưng cũng có một vài người chưa hài lòng. Bà lắng nghe từng lời góp ý của khách hàng và rút kinh nghiệm.
Danh tiếng của bà từ đó ngày một lan rộng trong cộng đồng người Đạo hồi tại TP.HCM. Về sau, du khách đạo Hồi đến Việt Nam ngày một nhiều. Họ ra chợ Bến Thành hỏi đến cửa hàng Basiroh mua đồ. Nhưng, vì bà bán đồ ở nhà, khách lại không biết đường nên không thể đến.
Từ đây, bà ngẫm đến việc quảng bá rộng thương hiệu của mình. Bà quyết định nghỉ việc, vay mượn tiền thuê một mặt bằng ở đường Nguyễn An Ninh (quận 1) để bán áo quần. Lúc đầu, bà “sống dở chết dở” vì số lượng khách tìm đến còn ít. Tuy nhiên, nhờ vào chất liệu tốt, kiểu dáng hoa văn lạ, họa tiết mẫu thêu đa dạng, giá cả hợp lý mà danh tiếng cửa hàng của bà ngày càng lan rộng. Số lượng khách hàng tìm đến ngày càng đông.
Trong thời gian này, nhiều người thấy cửa hàng Basiroh ngày càng ăn nên làm ra nên nhiều cửa hàng bán trang phục cho người đạo Hồi mọc lên trên đường Nguyễn An Ninh. Đến nay, số lượng cửa hàng nhiều đến nỗi, con đường này được mọi người nhắc đến với tên “Phố Malaysia ở Sài Gòn”.
Khi bán trang phục, nhiều người đạo Hồi vào của hàng đúng buổi giờ cơm, bà Basiroh mời ăn. Không ít người khen bà nấu ăn ngon. Nhiều vị khách đề nghị: “Bà nấu thức ăn ngon vậy sao không mở nhà hàng?”. Bà tìm hiểu thì được biết, quán ăn dành cho người đạo Hồi tại Sài Gòn còn khá hiếm nên nảy sinh ý định mở nhà hàng kinh doanh.
Việc mở nhà hàng dành cho người đạo Hồi đối với bà không phải là điều dễ dàng. Mặc dù là tín đồ cùng đạo nhưng người Việt Nam ăn vị đậm đà, trong khi đó, người Malaysia ăn nhạt và rất cay. Bà lên mạng tìm hiểu, cộng với việc lắng nghe góp ý của những vị khách đến từ đất nước bạn nên thay đổi cách nêm nếm dần. Khi nhận thấy đã đủ khả năng, bà thuê mặt bằng đối diện với cửa hàng thời trang mở nhà hàng cùng tên Basiroh.
Đến nay, thực đơn nhà hàng của bà đã lên đến 100 món. Bên cạnh các món của người đạo Hồi, bà còn thêm vào thực đơn những món ăn của người Việt như phở bò, canh chua cá lóc, cá kho tộ, rau muống xào tỏi…
Nhiều vị khách thích thú chụp hình lưu niệm trước cửa hàng của Basiroh
Khi đến với “phố Malaysia”, mọi người lại bắt gặp chị Basiroh dáng người đẫy đà, khuôn mặt phúc hậu, mặc trang phục đạo Hồi chạy qua chạy lại giữa cửa hàng thời trang và nhà hàng. Công việc dù hơi vất vả, nhưng bà lại cảm thấy vui. Đặc biệt, tại hai cơ sở này, bà đã tiếp nhận, tạo công ăn việc làm cho khá nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, vô gia cư.
Quả thật, tôi không phải là người quá hiểu về văn hóa cũng như sách báo của người Malaysia. Tuy nhiên, thông qua một vài người bạn, tôi được biết, bà Basiroh đã xuất hiện khá nhiều trên các tạp chí danh tiếng tại đất nước đạo Hồi này. Trong đó, phải kể đến các bài viết về bà trên hai tạp chí hàng đầu dành cho phụ nữ là Kosmo và Jelia. Các tạp chí này đã dành hai trang lớn để viết về người phụ nữ này. Hai bài viết đã gọi chị là “Phù thủy Telekung tại Việt Nam”, “hàng Malaysia độc quyền tại Việt Nam”…
Không chỉ thế, trên các trang mạng, blog, facebook uy tín về du lịch, âm thực… danh tiếng của bà Basiroh cũng đã được nhắc đến. Thậm chí, không ít người đạo Hồi còn nhấn mạnh, Basiroh là địa chỉ phải đến khi thăm Việt Nam.