Có trường hợp phát hiện tỷ lệ chất cấm vượt mức cho phép gần 100 lần khiến nhiều người không dám ăn thịt lợn.
Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra đột xuất trang trại của ông Nguyễn Quyền Anh ở tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội. Kết quả kiểm định cho thấy: Chất bột màu trắng đưa kèm với TACN có chứa Salbutamol vượt mức cho phép gần 100 lần.
Với chất cấm này, vật nuôi tăng trọng, bung đùi và được thu mua với giá cao hơn. Theo khảo sát, nếu sản phẩm lợn không dùng chất cấm thì chỉ thu mua với giá 48.000 đồng/kg, còn sản phẩm có chất tạo nạc được thu mua với giá 49.000 - 50.000 đồng/kg.
Tiếp đó, thanh tra ngành Nông nghiệp và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C49 (Bộ Công an) kiểm tra đột xuất 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi tại các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, phát hiện 2 công ty có sử dụng chất cấm Salbutamol là Công ty Trường Phú (tỉnh Hải Dương) và Công ty Thịnh Đức ở (tỉnh Bắc Giang), đồng thời phát hiện chất tạo màu công nghiệp (Auramine) trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Thời gian gần đây CQCN liên tiếp phát hiện nhiều trang trại chăn nuôi có sử dụng chất tạo nạc pha với thức ăn
Sau hàng loạt vụ thịt lợn thối, lợn sử dụng chất cấm được khui ra, người tiêu dùng bắt đầu sợ hãi nhưng vì mù mờ, nhiều người mua thịt chỉ biết dựa vào “dấu xanh” kiểm dịch in trên miếng thịt để tự an ủi mình đó là sản phẩm an toàn.
Ông Phạm Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng không thể chỉ căn cứ vào con “dấu xanh” kiểm dịch để nói thịt đảm bảo an toàn. Việc kiểm định thịt thường được thực hiện tại các lò mổ, nhân viên kiểm soát thú y kiểm tra lâm sàng chủ yếu bằng mắt, sau khi quan sát bằng mắt thấy các con vật không có hiện tượng nhiễm bệnh thì sẽ đóng dấu.
Hơn nữa, khi kiểm tra thú y lấy mẫu ngẫu nhiên, một lô heo kiểm tra vài con, không thể test (kiểm tra) máu từng con một.
“Việc kiểm tra lâm sàng cũng như là người ta đi khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ lấy ống nghe nghe nhịp tim xem có bình thường không, chứ tại lúc đó không thể phát hiện ra các bộ phận khác như gan, mật, thận có vấn đề gì không”, ông Bình giải thích.
Ngoài ra, việc lấy mẫu test nhanh có thể cho biết kết quả heo âm tính hay dương tính với chất salbutamol, nhưng cũng không định tính ra được là nồng độ bao nhiêu.
Theo ông Bình, vì không thể biết được thịt có an toàn hay không, thì tạm thời chấp nhận mua thịt heo mỡ. Thí dụ, mua thịt có lớp mỡ 1,5 cm trở lên chắc chắn không có chất tạo nạc, hay thịt mông phải có lớp mỡ cỡ 1 cm trở lên. Thịt đỏ hồng chứ không hồng sậm.
Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cũng đồng tình với ông Bình, rằng con dấu xanh kiểm dịch chỉ khẳng định là gia súc không bị bệnh, không bị chết, không bị dịch, chứ không đảm bảo gia súc có tồn dư chất cấm hay không.
Muốn biết gia súc có bị cho ăn nhiều chất kháng sinh bổ sung trong thức ăn chăn nuôi hay không thì kiểm dịch lâm sàng không phát hiện được tồn dư bao nhiêu, mà còn phụ thuộc vào nhiều chỉ tiêu quan trọng khác
Cũng theo ông Dũng, Thanh tra Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra xem có phải doanh nghiệp sử dụng mánh khóe đó để kích thích người chăn nuôi sử dụng chất cấm nhằm giúp heo ăn nhanh lớn, nhiều nạc hay không.
Nhiều người tiêu dùng nói không với thịt lợn
Hiện nay, cả nước có khoảng 10 doanh nghiệp được phép nhập khẩu Salbutamol. Còn tình trạng có doanh nghiệp bán Salbutamol trái phép ra ngoài thị trường là bởi sự phối hợp trong quản lý giữa các bộ, ngành chưa tốt. Điều đó càng làm người tiêu dùng hoang mang hơn.
Chị Hồ Thị La ở Xã Đàn, quận Đống Đa cho biết: “Thời gian gần đây nhiều trang trại chăn nuôi bị phát hiện có dùng chất cấm làm tôi rất lo lắng về khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước mắt gia đình không ăn thịt lợn”.
Cũng đồng tình với quan điểm “dừng” ăn thịt lợn, chị Nguyễn Kim Xuyến ở phố Nguyễn Phúc Lai cho hay: “Ăn uống phải không lo lắng gì mới ngon, ăn mà cứ lo lắng liệu có bảo đảm an toàn hay không là không ngon rồi. Gia đình chúng tôi quyết định tạm dừng mua thịt lợn bán ngoài chợ. Chỉ dùng thịt trừ trong trường hợp lợn biết rõ xuất xứ. Ví dụ như lợn của bà con quen biết nuôi nhỏ lẻ ở quê mới mua về ăn”.