Quá nhiều điểm giết mổ gia súc, gia cầm không tập trung, trong khi lực lượng kiểm soát thú y quá mỏng đang đặt người tiêu dùng Quảng Bình vào thế ăn nhầm thịt gia súc, gia cầm nhiễm dịch mà không hề hay biết?!
Trong vai những người mua thịt, vào lúc khoảng 3- 4h sáng, PV đã tiếp cận được một trong những lò giết mổ gia súc ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Tại đây, khi được hỏi vì sao không có nhân viên thú y kiểm soát giết mổ đến để lăn dấu, những người làm việc tại lò mổ này cho biết: “Đội ngũ thú y không kiểm dịch tại lò giết mổ mà họ kiểm dịch và lăn dấu ở chợ để tiện cho bà con”(?!)
Sau đó hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi vẫn không hề nhìn thấy bóng dáng của nhân viên thú y đến kiểm soát giết mổ, cho đến khi số thịt lợn cuối cùng của lò mổ trái phép này được đưa đi tiêu thụ. Để theo dõi được tình trạng kiểm dịch tại chợ đúng như lời nói của chủ lò mổ tiết lộ, chúng tôi đã theo đuôi của một thương lái thường xuyên lấy thịt để bán tại chợ Hoàn Lão, huyện Bố Trạch.
Tạ đây, hầu hết các gian hàng thịt lợn được bày bán đều chưa có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Để kiểm chứng vấn đề này, khi hỏi người bán hàng, ngay lập tức, chị L. T. T, tiểu thương chợ Hoàn Lão nhanh miệng: “Do hôm nay tụi em đi sớm nên nhân viên thú y họ chưa đến. Lát nữa họ mới đến lăn dấu”. Còn theo chị T. T. C., một tiểu thương bán thịt lợn lâu năm tại chợ Hoàn Lão cho biết: “Một lúc nữa là họ đến cả đoàn và sáng nào họ cũng đến chợ để lăn dấu cho chị em tiểu thương”.
Lúc này, trời vừa hửng sáng và khi các gian hàng thịt lợn đã tấp nập kẻ bán, người mua cũng là lúc lực lượng thú y mới xuất hiện đến để lăn dấu kiểm soát giết mổ trên thịt gia súc, mà theo như quy định thì kiểm dịch gia súc, hoạt động này phải thực hiện tại lò giết mổ để phòng ngừa và ngăn chặn được thịt lợn dịch tuồn ra thị trường.
Thịt lợn không có dấu kiểm soát giết mổ được bày bán ở chợ.
Khi được hỏi về việc biết hay không lăn dấu ở chợ là vi phạm quy định về an toàn giết mổ không, chị Phạm Thị H., nhân viên thú y huyện Bố Trạch quả quyết : “Vẫn biết là như thế , nhưng không thể kiểm soát hết được. Với lại, bà con đều thích làm như thế này cho tiện. Hầu như ai có trách nhiệm kiểm dịch đều làm thế cả thôi”.
Còn ngay ở chợ Đồng Hới, chỉ cần mất 20.000 đồng trả phí cho những người canh giữ xe đạp, bất cứ ai cũng có thể bày bán thịt lợn một cách công khai. Theo lời một người bán hàng thì thỉnh thoảng, khi có nhân viên thú y đến kiểm tra, chỉ cần đưa cho những người này thêm 10.000 đồng nữa, nếu thích thì đóng dấu nếu không thì cũng không cần vì người mua cũng chẳng biết(?!)
Nhân viên của Trạm thú y TP Đồng Hới (áo trắng) không mặc đồng phục, thu tiền lăn dấu kiểm dịch tại các lò mổ không có giấy phép.
Ở khu chợ này, vào các buổi chiều, việc buôn bán thịt gia súc gia cầm diễn ra một cách khá tự do mà không có ai kiểm soát.
Nắm bắt được tâm lý của người mua, người bán thường tự nhận là “lợn nhà tự nuôi” nên không có nhiều để bán. Với cách nghĩ như vậy nên họ chỉ cần trải một tấm nilong để bày thịt lợn là đã có rất đông người mua.
Thịt lợn được bày bán mất vệ sinh ở chợ.
Chị Nguyễn Thị Thủy, phường Phú Hải, TP Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết: “Thường thì thấy những người bán ít và nhỏ như thế này, tôi sẽ cho là lợn nhà họ nuôi để bán nên nghĩ nếu mua được thịt của những người này sẽ ngon hơn những chỗ khác”. Khi được hỏi về việc có quan tâm đến dấu kiểm định không, vị khách này thừa nhận không hề biết phải đảm bảo có dấu kiểm định ở thịt lợn.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Lộc, Trạm trưởng Trạm thú y TP Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết: “Chúng tôi làm theo lệnh của Chi cục Thú y thành phố. Nếu trên thành phố bảo không làm nữa thì chúng tôi sẽ dừng và không làm”.
Theo ông Lê Chiến Trung, Trưởng Ban Quản lý chợ TP Đồng Hới, lâu nay phía chợ chỉ làm công tác phối hợp với Chi cục Thú y khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu tiêu thụ gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc sẽ báo lại để Chi cục Thú y có cơ sở xử lý mà thôi.
Trao đổi về việc kiểm soát thiếu chặt chẽ của các cán bộ kiểm soát giết mổ, bà Nguyễn Thị Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc thiếu sót trong công tác kiểm tra giết mổ là điều khó tránh khỏ. Hiện nay, Quảng Bình chưa có các lò giết mổ tập trung mà đã có đến 611 điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm ở các địa phương. Trong khi đó, kinh phí để trả cho các cán bộ thú y kiểm soát hết 611 điểm là điều vô cùng khó khăn. Thông thường mỗi xã có một cán bộ hợp đồng nhưng có xã có từ 7 - 8 điểm giết mổ thì để đến được từng điểm cũng là một vấn đề trong khi giờ giấc làm việc ở các điểm lại có thể không giống nhau và nằm cách xa nhau.
Hình ảnh tại một lò mổ không có giấy phép ngang nhiên hoạt động ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
“Chúng tôi phải gắn trách nhiệm thu phí là cơ sở để các cán bộ kiểm soát giết mổ lấy đó trả lương cho bản thân. Lâu nay không có các điểm giết mổ tập trung nên việc kiểm soát chỉ tại địa điểm giết mổ nhỏ lẻ mà thôi, còn một khi đã đưa ra chợ tiêu thụ thì chúng tôi không kiểm soát nữa, chỉ thỉnh thoảng kiểm tra đột xuất”.
Được biết, việc đề xuất xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt thế nhưng sau hơn 1 năm vẫn chưa thể triển khai vì gặp nhiều khó khăn về vốn, đất đai… và đặc biệt sự thờ ơ của nhiều địa phương khi không nhận thức được tầm quan trọng của các cơ sở giết mổ. Ở Quảng Bình tồn tại hơn 611 điểm giết mổ gia súc gia cầm nhưng có nhiều cơ sở nhỏ lẻ và phần lớn không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trong lúc chờ đợi quy hoạch các điểm giết mổ tập trung ở Quảng Bình thành hiện thực, thì không có cách nào hơn chính người tiêu dùng phải tự biết cách bảo vệ mình, trở thành những người tiêu dùng thông thái.