"Giống như tôi, ở tuổi 22, một vài người trong số các bạn có thể chọn sai lối rẽ và yêu sai người, thậm chí có thể là ông chủ của bạn. Mặc dù, không giống như tôi, ông chủ của bạn có thể không phải là Tổng thống Mỹ. Tất nhiên, cuộc đời thì đầy những bất ngờ"...
Từng là tâm chấn của truyền thông vào năm 1998 bởi vụ bê bối tình cảm với Tổng thống Bill Clinton, cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky mới đây đã có bài diễn thuyết “Cái giá của sự nhục nhã”. Ở tuổi 41, sau gần 20 năm sống trong im lặng, Monica Lewinsky quyết định xuất hiện để kể về ngày tháng cô vượt qua khủng hoảng cũng như việc ngày nay giới trẻ chịu nhiều áp lực từ thế giới ảo.
Chúng tôi xin trích dẫn bài thuyết trình của Monica Lewinsky được đăng trên TED:
Các bạn đã nhìn thấy một phụ nữ im lặng trước dư luận trong một thập kỷ qua. Nhưng gần đây, điều đó đã thay đổi.
Nữ thực tập sinh nổi tiếng Monica Lewinsky tại buổi diễn thuyết.
Cách đây vài tháng, tôi đã có buổi nói chuyện trước công chúng lần đầu tiên tại hội nghị Forbes 30 Under 30 (30 nhà lãnh đạo xuất sắc dưới 30 tuổi do tạp chí Forbes bầu chọn). Họ là 1.500 con người xuất chúng và tất cả đều chưa đến 30 tuổi. Điều đó có nghĩa là, vào năm 1998, người nhiều tuổi nhất trong số họ mới chỉ 14, còn người trẻ nhất mới 4 tuổi.
Tôi nói đùa với họ rằng có một số người trong số họ đã từng biết đến tôi thông qua các “bài hát rap” (PV- ý cô muốn nói đến các đoạn ghi âm giọng nói của cô trong vụ bê bối tình cảm với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton). Vâng có đến 40 “bài hát rap” về tôi. (cười lớn)
Chuyện tình với Tổng thống và "nỗi đau" tuổi 22
Vào cái đêm tôi có bài thuyết trình, một điều ngạc nhiên đã xảy ra. Ở tuổi 41, một chàng trai 27 tuổi "tấn công" tôi. Tôi biết điều đó. Cậu ấy quyến rũ và tôi đã rất tự hào về mình, nhưng tôi từ chối. Các bạn có biết lý do cậu ấy không thành công không? Là vì cậu ấy có thể làm tôi cảm thấy mình đang ở cái tuổi 22 một lần nữa.
Sau đó, tôi nhận ra rằng, tôi có thể là người duy nhất đã qua tuổi 40 mà không muốn mình trẻ lại như ở tuổi 22 một lần nữa.
Ở tuổi 22, tôi phải lòng ông chủ của mình và đến khi tôi 24 tuổi, tôi đã phải lãnh những hậu quả nghiêm trọng.
Nhưng liệu có ai trong số các bạn ngồi đây không phạm sai lầm hay làm gì đó phải hối tiếc ở tuổi 22?
Vâng. Đó chính là điều mà tôi đã suy nghĩ. Giống như tôi, ở tuổi 22, một vài người trong số các bạn có thể chọn sai lối rẽ và yêu sai người, thậm chí có thể là ông chủ của bạn. Mặc dù, không giống như tôi, ông chủ của bạn có thể không phải là Tổng thống Mỹ. Tất nhiên, cuộc đời thì đầy những bất ngờ.
Không một ngày nào tôi không nhớ tới sai lầm của mình, và tôi thực sự hối tiếc về điều đó.
Vào năm 1998, sau khi có một cuộc tình lãng mạn, tôi đã phải đối mặt với một rắc rối lớn cả về mặt pháp lý và truyền thông. Cần nhắc lại rằng, cách đó vài năm chúng ta chỉ có 3 kênh để tiếp nhận tin tức hàng ngày: đọc báo, xem ti vi và nghe đài. Nhưng vào năm 1998, khi vụ scandal của tôi xảy ra, lần đầu tiên internet đã soán ngôi của các kênh cung cấp tin tức truyền thống. Chỉ bằng một cú click chuột các bạn có thể biết tất cả thông tin chi tiết về tôi.
Chuyện xảy ra đã 17 năm và ngày đó nó không được đặt tên. Ngày nay, chúng ta gọi đó là ức hiếp trong thế giới ảo và quấy rối trực tuyến.
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn trải nghiệm của tôi, những trải nghiệm đã giúp tôi hình thành góc nhìn nhân văn và sâu sắc hơn. Và tôi hi vọng những chia sẻ này có thể giúp những người khác bớt đau khổ khi gặp hoàn cảnh tương tự.
Năm 1998, tôi mất hết danh dự và nhân phẩm. Tôi mất tất cả mọi thứ và gần như mất cả cuộc đời của mình.
Để tôi vẽ lại toàn cảnh bức tranh đó cho các bạn thấy. Đó là tháng 9/1998. Tôi đang ngồi trong một căn phòng không có cửa sổ của Văn phòng Luật sư, bên dưới những bóng đèn huỳnh quang.
Tôi nghe giọng nói của chính mình, giọng nói trong những cuộc gọi bị ghi âm lén do một người mà tôi coi là bạn thực hiện một năm trước. Tôi phải có mặt ở đó vì tôi phải đáp ứng một yêu cầu pháp lý là xác thực các đoạn ghi âm có độ dài 20 tiếng đồng hồ. Suốt 8 tháng, nội dung bí mật của những tấm băng này treo trên đầu tôi giống như Thanh Gươm của Damocles.
Tôi muốn nói thêm rằng, hiếm ai có thể nhớ được những câu mình đã nói cách đây hàng năm trời. Sợ hãi và xấu hổ, tôi lắng nghe, lắng nghe chính mình thú nhận tình yêu với Tổng thống, và tất nhiên trái tim tôi vỡ vụn khi nghe những câu nói lúc thì thỏ thẻ, lúc thì thô tục, lúc thì tàn nhẫn, ngớ ngẩn, thô kệch mà chính tôi cũng không nhận ra.
Một vài ngày sau, báo cáo của công tố viên Kenneth Starr được trình cho Quốc hội, gồm tất cả đoạn băng và các văn bản ghi lại nội dung trong các cuốn băng đó. Chỉ cần đọc nội dung bằng văn bản thôi đã là quá kinh khủng rồi, nhưng vài tuần sau đó, tất cả những đoạn ghi âm được phát trên truyền hình. Một sự sỉ nhục công khai. Cuộc đời tôi gần như không còn lối thoát.
12 năm trôi qua rất nhanh cho tới năm 2010, truyền thông xã hội ra đời. Với những trường hợp giống như tôi, với cả người của công chúng hay đối với người bình thường hậu quả mà họ chịu đựng vô cùng thảm khốc.
Người trẻ đang chịu sự sỉ nhục
Trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại với mẹ vào tháng 9/2010, chúng tôi nói với nhau về trường hợp của sinh viên năm nhất ĐH Rutgers tên là Tyler Clementi.
Chàng trai Tyler sáng tạo, nhạy cảm, ngọt ngào bị bạn cùng phòng bí mật quay bằng webcam một đoạn phim cậu đang thân mật với một người đàn ông khác. Khi cộng đồng mạng biết đến sự việc này, họ đã giễu cợt và sỉ nhục Tyler. Vài ngày sau, Tyler đã tự tử ở cầu George Washington. Cậu mới chỉ 18 tuổi.
Mẹ tôi đã so sánh bản thân bà với những gì đã xảy ra với Tyler và gia đình cậu.
Bà đã đau khổ theo cách mà tôi cũng không thể hiểu được, nhưng sau đó tôi mới nhận ra rằng bà đã nhớ về năm 1998, nhớ về thời gian mà bà từng phải ngồi bên giường tôi mỗi đêm, nhớ về lúc mà bà bắt tôi phải mở cửa phòng tắm, nhớ về thời gian mà cả bố mẹ đều sợ rằng tôi có thể tự tìm đến cái chết vì quá nhục nhã.
Ngày nay, có quá nhiều phụ huynh chỉ biết con mình đang bị sỉ nhục, đang phải chịu đựng sự ức hiếp khi đã quá muộn. Bi kịch của Tyler là một bước ngoặt của cuộc đời tôi. Sau đó tôi bắt đầu nhìn vào thế giới của sự sỉ nhục và bắt nạt xung quanh và thấy nhiều điều khác biệt.
Hàng ngày, mọi người online, đặc biệt là giới trẻ - những người chưa được chuẩn bị tâm lý để đối phó với điều này, và vì thế họ bị lạm dụng, bị làm tổn thương đến mức không thể tưởng tượng có thể sống tiếp tới ngày hôm sau nữa hay không, và một số thảm kịch đã xảy ra. Nó không còn ở trong thế giới ảo nữa.
ChildLine – một tổ chức phi lợi nhuận của Anh chuyên giải quyết những vấn đề của người trẻ đã đưa ra một thống kê đáng kinh ngạc vào năm ngoái: từ năm 2012 tới 2013, các cuộc gọi và email yêu cầu được giúp đỡ liên quan tới xúc phạm trong thế giới ảo tăng tới 87%.
Một phân tích tổng hợp cho thấy, lần đầu tiên tỷ lệ tự tử vì bị sỉ nhục trên mạng nhiều hơn đáng kể so với bị ức hiếp trực tiếp. Và điều khiến tôi hoảng hốt là một nghiên cứu khác vào năm ngoái chỉ ra rằng sự sỉ nhục mang lại cảm giác mạnh hơn cả hạnh phúc và tức giận.
Điều tôi định nói bây giờ không phải là điều gì mới mẻ. Với sự giúp đỡ của công nghệ, của thế giới ảo, sự sỉ nhục ấy được khuếch lên đại nhiều lần và còn lưu lại trong một khoảng thời gian rất dài.
Nếu như sự xấu hổ ở thế giới thực chỉ trong phạm vi gia đình, làng xóm, trường học hay cộng đồng xung quanh, thì ở thế giới ảo, hàng triệu người có thể đâm vào tim bạn bằng những lời lẽ của họ.
Trong 2 thập kỷ qua, chúng ta đã gieo những hạt giống của sự xấu hổ và sự tổn thương vào nền văn hóa của chúng ta, trong cả ở thế giới thật và ảo.
Những trang lá cải, paparazzi, những chương trình truyền hình thực tế, chính trị, các hãng tin và đôi khi là hacker, tất cả đều đang góp phần gieo hạt xấu hổ.
Thế nhưng, trong nền văn hóa sỉ nhục này, làm người khác tổn thương được trả tiền. Cái giá này không đo được những gì mà các nạn nhân như Tyler và quá nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, các thành viên trong cộng đồng người đồng tính phải gánh chịu.
Nhưng nó lại đo được lợi nhuận của những người săn tìm. Họ kiếm tiền bằng những click chuột. Càng nhiều hổ thẹn thì càng nhiều click chuột. Càng nhiều click thì càng nhiều tiền quảng cáo. Chúng ta đang ở trong một vòng tròn nguy hiểm. Chúng ta click vào những loại tin lá cải càng nhiều thì chúng ta gây nguy hiểm cho cuộc sống của đồng loại mình càng lớn.
Sự sỉ nhục công khai như một môn thể thao đổ máu
Hãy thay đổi hành vi bắt đầu bằng việc củng cố niềm tin. Chúng ta đã thấy điều đó đúng với các vấn nạn phân biệt chủng tộc, ám ảnh với người đồng tính và rất nhiều thành kiến khác, bây giờ và trong quá khứ. Khi chúng ta thay đổi cách nhìn về hôn nhân đồng giới, nhiều người được sống bình đẳng hơn. Khi chúng ta bắt đầu coi trọng sự bền vững, nhiều người đã bắt đầu tái chế rác thải. Sự sỉ nhục công khai như một môn thể thao đổ máu. Nó cần phải được dừng lại. Đã đến lúc cần một sự can thiệp vào Internet và nền văn hóa của chúng ta.
Sự thay đổi bắt đầu từ những điều đơn giản, nhưng thật không phải dễ dàng gì. Chúng ta cần phải trở về các giá trị truyền thống lâu đời đó lòng bao dung và sự cảm thông. Với cuộc sống ảo, chúng ta đang thiếu hụt lòng bao dung và đồng cảm.
Tôi đã từng trải qua những ngày tháng tăm tối và sống được đến ngày hôm nay là nhờ sự bao dung và đồng cảm từ gia đình, bạn bè, các chuyên gia và thậm chí là từ những người xa lạ.
Thậm chí sự đồng cảm từ một người thôi cũng có thể tạo nên sự thay đổi.
Lý thuyết về sự ảnh hưởng thiểu số của nhà tâm lý xã hội Serge Moscovici đã nói rằng, thậm chí chỉ số ít nhưng nếu kiên định cũng có thể tạo sự thay đổi.
Thế giới cần sự bao dung
Trong thế giới ảo, chúng ta có thể nâng cao sự ảnh hưởng của các nhóm thiểu số bằng cách trở thành người tiên phong. Trở thành người tiên phong có nghĩa là thay vì làm người đứng ngoài thờ ơ trước sự việc, chúng ta có thể viết một lời bình luận tích cực cho ai đó hoặc báo cáo lên cơ quan thẩm quyền về một ai đó bị bắt nạt. Hãy tin tôi đi, những bình luận với tấm lòng bao dung có thể giúp giảm đi những tiêu cực.
Chúng ta cũng có thể chống lại thứ văn hóa này bằng cách ủng hộ các tổ chức chuyên giải quyết những vấn đề này như Hội Tyler Clementi (Tyler Clementi Foundation) ở Mỹ. Ở Anh thì có Hội chống ức hiếp (Anti-Bullying Pro). Ở Úc có Dự án Rockit (Project Rockit).
Chúng ta hay nói nhiều về quyền tự do ngôn luận, nhưng chúng ta cần nói nhiều hơn về trách nhiệm của chúng ta với tự do ngôn luận.
Tất cả chúng ta đều muốn được lắng nghe, nhưng hãy nhìn nhận sự khác nhau giữa nói có mục đích và nói để được chú ý. Bao dung giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn và an toàn hơn.
Chúng ta cần giao tiếp trên thế giới ảo bằng sự bao dung, tiếp cận tin tức bằng sự bao dung và click chuột bằng sự bao dung.
Trong 9 tháng qua, câu hỏi mà tôi được hỏi nhiều nhất là tại sao. Tại sao lại là bây giờ? Tại sao tôi lại quyết định thò đầu ra ngoài lan can? Câu trả lời chẳng có gì liên quan tới chính trị.
Câu trả lời trước hết là bởi vì đã đến lúc phải chấm dứt việc soi mói đến quá khứ của tôi, đã đến lúc tôi phải ngừng sống một cuộc đời nhục nhã, đã đến lúc tôi phải tự viết lại câu chuyện đời mình.
Không phải chỉ để cứu bản thân tôi. Bất cứ ai đang bị tổn thương và bị sỉ nhục trước công luận cần biết một điều: Bạn có thể vượt qua. Tôi biết sẽ rất khó. Nó có thể không giảm được sự đau khổ của bạn, không nhanh chóng hay dễ dàng, nhưng bạn có thể tự tạo một cái kết khác cho chính câu chuyện của mình. Hãy bao dung với chính mình. Tất cả chúng ta đều xứng đáng nhận được sự bao dung trong một thế giới tốt đẹp hơn - cả ảo và đời thực.
Cảm ơn vì đã lắng nghe tôi.