Khi lấy thuốc ra uống, anh T. phát hiện những viên con nhộng bị vữa nát, vừa động vào đã tách làm đôi.
Ngày 8/4, trên mạng xã hội xuất hiện một clip “tố” nhà thuốc Bệnh viện Bạch Mai bán thuốc kém chất lượng khiến dư luận bàn tán xôn xao. Theo phản ánh của anh N.V.T. (SN 1977, ở Hoàng Mai, Hà Nội), từ năm 2018, anh được bác sĩ chẩn đoán u gan máu, kê đơn gồm hai loại thuốc là Urdoc và Provini 500 mg. Trong đó, thuốc Provini 500 mg là dạng viên nhộng. Cả hai loại thuốc được anh mua ở nhà thuốc số 8 của Bệnh viện Bạch Mai.
Thông thường, anh T. uống luôn nên không xảy ra vấn đề gì. Tuy nhiên, mới đây anh đem thuốc lên cơ quan uống, khi bóc thuốc Provini 500 mg ra khỏi vỉ, viên thuốc bị nát, vữa. Viên con nhộng bám đầy bột, khẽ động vào tách làm đôi.
Khi thấy vậy, anh T. đã đem tới nhà thuốc số 8 trả lại. "Quá bức xúc vì việc này đã khiến chúng tôi phải bỏ công bỏ việc đi lại nhiều. Tôi đã cùng bạn tới quầy thuốc này để làm rõ chuyện, từ đó cảnh báo cho người dân về việc bán thuốc kém chất lượng này", anh T. nói.
Đơn thuốc anh T. mua ở Bệnh viện Bạch Mai.
Trước sự việc trên, sáng 9/4, TS Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bênh viện Bạch Mai) xác nhận, sự việc trên xảy ra vào chiều ngày 8/4. Đồng thời TS Hùng cho biết, sau khi xảy ra sự việc phía nhà thuốc, cùng bệnh nhân và cả bên công an cũng đã ngồi lại làm việc với nhau.
“Khi nghe nói sự việc tôi cũng thấy giật mình. Ngay lập tức chúng tôi mời các bên ngồi làm việc. Quan điểm của bệnh viện là xem xét nghiêm túc sự việc, nếu có lỗi thì phải chấn chỉnh. Trong ngày hôm nay sẽ có báo cáo về sự việc này”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng thừa nhận, bệnh nhân này đã mua thuốc nhiều lần ở bệnh viện, qua kiểm tra lại sổ sách thì bệnh nhân này mua thuốc của bệnh viện từ tháng 1/2019. Hôm qua bệnh nhân lên có đưa thuốc bị mủn, bị ỉu và bệnh nhân đòi đổi.
“Khi bệnh nhân đưa ra yêu cầu, hai bên có tranh luận với nhau. Mua thuốc cũng như cũng như mua các hàng khác vậy, khi kiểm thuốc ra khỏi bệnh viện thì người bệnh sẽ phải quản lý và bảo quản số thuốc đó. Hơn nữa bệnh nhân mua từ tháng 1 đến giờ, điều kiện bảo quản không đảm bảo thì thuốc rất dễ hỏng. Nhất là thuốc con nhộng”, TS Hùng cho hay.
Nhà thuốc số 8, nơi bán thuốc cho anh T.
Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân xuất trình đơn đã mua ở bệnh viện, nhân viên quầy thuốc xin ý kiến lãnh đạo khoa và lãnh đạo khoa đồng ý đổi cho người bệnh vì tính nhân văn. Nhưng người bệnh lại muốn đổi toàn bộ đơn thuốc và nhà thuốc không đồng ý nên đã xảy ra to tiếng.
Về quan điểm của bệnh viện, ông Hùng khẳng định nhà thuốc không bao giờ bán thuốc kém chất lượng hay hết đát. “Bệnh viện Bạch Mai là một thương hiệu lớn, không ai lại làm chuyện đó cả. Còn nói về mặt kinh tế, 1 mã hàng hay một mặt hàng thuốc không có ý nghĩa gì về mặt doanh số. Vì thế, động cơ nhà thuốc bán như người bệnh phản ánh là không có”, ông Hùng nói.
Theo quan điểm của ông Hùng, khi xác định sự việc phía bệnh viện sẽ phải làm nghiêm túc, chứ không thể làm cho qua được. “Thứ nhất là phải xem lại mã hàng, code, seri có phải lô mà bệnh viện nhập không.
Ví dụ cũng là tên loại thuốc đó, nhưng có thể không phải là code, seri mà bệnh viện nhập từ nhà phân phối. Cũng không thể loại trừ trường hợp họ mua thuốc đó ở đâu, xong giờ bỏ ra uống thấy hỏng rồi mang đến cho bệnh viện nói là thuốc bệnh viện chẳng hạn. Vì thế phải xem xét và kiểm tra kỹ lưỡng mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng”, ông Hùng thông tin.