Trong một tuần qua, thông tin thủy ngân bay lơ lửng trong không khí ở Hà Nội khiến nhiều người dân hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, ngày hôm nay người được cho là công bố thông tin đã chính thức đăng đàn bác bỏ.
Theo đó, thông tin tại trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Tổng cục Môi trường đặt tại khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội thường xuyên cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Một tờ báo dẫn lời TS Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội thay đổi theo từng thời điểm và hiện nay là thời điểm giảm. Dù vậy, chỉ số AQI đo được vào ngày 14/4 vẫn dao động ở mức 54-140, mức kém theo thang đánh giá, khuyến cáo những người nhạy cảm hạn chế ra ngoài.
Một tiết lộ đáng lo ngại được TS Hoàng Dương Tùng cho biết là mới đây, thiết bị đo đạc, quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân có trong không khí - một vấn đề mà các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đều đang lo ngại.
Thủy ngân được sinh ra từ xăng xe và mảnh vỡ bóng đèn huỳnh quang.
Trước thông tin trên, có không ít nhà khoa học trong nước đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng này. GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng - Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cho biết, thủy ngân có thể sinh ra từ xăng xe, từ các mảnh vỡ đèn huỳnh quang, các thiết bị nhiệt kế. Dù sinh ra từ bất cứ đâu thì để ngăn chặn thủy ngân phát tán ngoài không khí đều phải chặn từ nguồn.
Trước những nhận định của GS Đăng, nhiều người càng bất an hơn, nhất là những phụ huynh có con nhỏ, bởi lượng khói thải từ xăng xe ở Hà Nội là rất lớn, hơn nữa việc quản lý không tốt các loại bóng đèn huỳnh quang ở các thành phố lớn cũng sẽ làm lượng thủy ngân trong không khí gia tăng. Như vậy, việc thủy ngân bay lơ lửng trong không khí ở Hà Nội là hoàn toàn có cơ sở.
Sau một tuần xuất hiện thông tin trên, người “tiết lộ” tình trạng thủy ngân bay lơ lửng trong không khí tại Hà Nội TS Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã chính thức lên tiếng. Theo đó, ông Dương đã bác bỏ thông tin trên và cho rằng, báo chí đưa tin, giật tít không chính xác.
Trả lời trên báo Người Lao động, TS Tùng cho biết: “Cách đây mấy hôm, có phóng viên trao đổi với tôi về thông tin ô nhiễm bụi ở Hà Nội. Bạn phóng viên đó đã hỏi tôi còn vấn đề gì mới về ô nhiễm không khí ở Hà Nội không thì tôi nói vấn đề thủy ngân là vấn đề mới, của toàn cầu và Việt Nam mình cũng trong số đó. Vừa qua, có một điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường có phát hiện thủy ngân từ mưa a-xit, đến nay mới có kết quả bước đầu tại một điểm nên vấn đề này cần nghiên cứu tiếp”.
Theo ông Tùng, vấn đề phải tuyên chiến hiện nay đó là tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí và cần phải nhanh chóng có hành động bảo vệ môi trường, không thể để tình trạng này tiếp tục.
“Đây là trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân chứ không riêng một ai cả. Ví dụ, cần lưu ý người dân hạn chế đốt rác ngoài trời; tiết kiệm năng lượng; các phương tiện ô tô, xe máy phải bảo trì, bảo hành liên tục; tích cực hơn trong dùng xăng ethanol; dùng phương tiện giao thông công cộng nếu có thể; quản lý tốt công trình xây dựng”, ông Tùng nói.
Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay đó chính là việc bảo vệ môi trường, giảm tải ô nhiễm bằng những hành động cụ thể, còn vấn đề thủy ngân trong không khí thì vẫn cần được nghiên cứu và đo đạc thêm, vì trước đó mới là kết quả từ nước mưa a xít.
Thủy ngân trong không khí chưa nhiều, nhưng vẫn đáng cảnh báo Trước sự việc trên, phóng viên đã liên hệ TS vật lý Nguyễn Văn Khải (Hà Nội) thì được biết, thủy ngân có trong không khí không nhiều, nhưng vẫn đáng cảnh báo. "Bởi nếu bây giờ không cảnh báo, không nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường như: không dùng than tổ ong, thu gom xử lý rác thải đúng quy cách, giảm nồng độ ô nhiễm từ khí thải của ô tô, xe máy thì tình trạng độc hại từ những thứ đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người trong tương lai không kém gì thủy ngân trong không khí", TS Khải nhận định. |