Là những bài toán dành cho học sinh nhưng có tới 90% số người đưa ra đáp án sai, thậm chí có câu hỏi gây tranh cãi cho cộng đồng mạng.
Bài toán lớp 5 khiến phụ huynh thế giới đau đầu
Bài toán cấp tiểu học ở Singapore đang trở thành đề tài gây tranh cãi của hàng nghìn thành viên mạng trên thế giới.
Theo Straitstimes, bài toán lớp 5 hỏi về ngày sinh nhật được thành viên có tên Kenneth Kong đăng tải. Bài toán khiến dân mạng tranh cãi và ngay lập tức nhận được hơn 2.000 chia sẻ chỉ trong ngày 11/4.
"Câu hỏi đã gây là cuộc tranh luận với vợ tôi... Đó là bài toán lớp 5", tác giả của bức ảnh viết.
Đáp án câu hỏi là ngày 16/7.
Bài toán như sau: "Albert, Bernard vừa kết bạn với Cheryl và họ muốn biết ngày sinh nhật của cô. Cheryl đã đưa cho họ một danh sách với 10 ngày là: 15/5; 16/5; 19/5; 17/6; 18/6; 14/7/ 16/7; 14/8; 15/8 và 17/8.
Cheryl sau đó đã nói riêng với Albert về tháng và Bernard về ngày sinh của mình.
Albert: Tôi không biết sinh nhật của Cheryl là ngày nào nhưng tôi biết Bernard cũng không biết nhiều hơn.
Bernard: Lúc đầu tôi không biết sinh nhật Cheryl nhưng bây giờ thì tôi đã biết.
Albert: Sau đó tôi cũng biết sinh nhật Cheryl là ngày nào.
Vậy, Cheryl sinh nhật vào ngày nào?"
Đã có hàng nghìn cuộc tranh luận được đưa ra không chỉ trong cộng đồng dân mạng Singapore mà còn ở nhiều nước trên thế giới khi bài toán được đưa lên các trang như Liên đoàn sinh viên quốc tế Úc, reddit.com, Diễn đàn triết học...
Được biết, giáo trình toán học của Singapore, trong đó tập trung mạnh vào việc sử dụng hình vẽ để giải quyết vấn đề. Đây cũng là phương pháp áp dụng ở một số nước Đông Nam Á, Mỹ và Nam Mỹ.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ Singapore lại dấy lên lo ngại học sinh đang bị áp lực học hành quá lớn trong trường.
Một phụ huynh bức xúc: "Câu đố như thế này chỉ có thể là vui chơi giải trí, không thể áp dụng trong trường học. Liệu các giáo viên sẽ cảm thấy vui vì có bài toán khiến các em rối trí thế này?"...
Bài toán “cộng, trừ, nhân, chia”
Trên một trang Facebook, bạn có tên Trần Thành đã đăng tải bài toán cấp tiểu học. Mới nhìn vào đề bài, mọi người tưởng như vô cùng đơn giản với phép tính cộng, nhân, chia. Thế nhưng thực tế dân mạng không phải đưa ra một đáp án.
Thông thường, mọi người thực hiện phép toán này như sau: 6:2(1+2) = 6:[2(1+2)] = 6:[2x3] = 6:6 = 1.
Tuy nhiên kết quả bài toán được thực hiện như sau: 6:2(1+2) = 6:2x3 = 3x3 = 9.
Bài toán lớp 3 khiến phụ huynh "bó tay"
Một bài toán ôn thi cuối kỳ của học sinh lớp 3 ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) khiến không chỉ phụ huynh mà nhiều giáo viên dạy Toán rơi vào cảnh “bó tay”.
Cụ thể, đề bài toán này như sau: "Điền các số từ 1 đến 9 vào ô trống để được kết quả đã cho".
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, xét về mặt toán học, việc tìm ra lời giải cho một bài toán 9 ẩn (với các ẩn là những số tự nhiên từ 1 đến 9) và chỉ có một phương trình quả thật là rất khó. Bởi nếu dùng phương pháp toán học thông thường, những người có tính kiên trì, kiến thức toán tốt cũng đã phải “nát óc”, chưa nói đến đối tượng nhắm đến chỉ là học sinh lớp 3.
Thầy giáo Nguyễn Cao Cường, giáo viên chuyên luyện thi môn Toán trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội đánh giá: “Với bài toán này thì người có tư duy và logic tốt thì cũng phải loại trừ khá là lâu mới có thể cho ra được một kết quả. Mình cũng đã ngồi điền được một vài kết quả nhưng tất nhiên tư duy và kinh nghiệm của người dạy toán lại khác xa với các bé học sinh tiểu học rồi. Nhưng chỉ là có thể tìm ra chứ không dễ mà tìm ra ngay được kết quả”.
Theo thầy Cường, việc đặt bài toán này vào ôn thi cuối kỳ cho học sinh lớp 3 là hoàn toàn không phù hợp. Bởi thực ra không thiếu những bài toán để có thể kiểm tra kiến thức kỹ năng hay nâng cao tư duy logic và tính toán cho học sinh mà không cần đến bài toán quá phức tạp như thế này. Chưa kể, đề thi cần phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng của học sinh. Tuy nhiên, nếu bài toán này trong phần để cho trẻ yêu thích toán học tìm hiểu thêm, phát triển tư duy thì có thể được, nhưng không mang tính chất đánh giá các em.
Bài toán mẫu giáo làm đau đầu cả giáo sư
Bài toán được giới thiệu là dành cho học sinh 6 tuổi với yêu cầu điền số thích hợp vào chỗ có 3 dấu ?
Bài toán này do một độc giả Hồng Kông đăng tải trên trang mạng cá nhân và gây xôn xao dư luận nước này. Mới đây, bài toán đã được đăng trên trang Guardian với tựa đề đầy thách đố "Bạn có giải được bài toán này không? bạn có thông minh hơn đứa trẻ 6 tuổi không?"
Nhiều độc giả của theguadian, trong đó có cả những học giả, tiến sĩ toán học đã thử giải bài toán này và đa số đưa ra đáp án là 2. Tuy nhiên, thời gian và phương pháp giải để tìm ra đáp án của những người này không giống nhau.
Bài toán khiến 96% học sinh giỏi ở Mỹ phải bó tay
20 năm trước, câu đố toán học này dành cho học sinh phổ thông năm cuối đến từ 16 quốc gia. Chỉ có 10% người dự thi trả lời chính xác. Tại Mỹ, chỉ có 4% học sinh trả lời đúng. Bạn có thể tìm ra lời giải đáp?
Được biết, câu hỏi “dây quanh ống trụ” nằm trong đề thi học sinh giỏi toán cấp trung học phổ thông của 16 quốc gia trên thế giới vào năm 1995. Đây là một trong 2 câu hỏi được Tổ chức Đánh giá Thành tựu Giáo dục Quốc tế (IEA) đưa ra để đánh giá trình độ toán của học sinh trên toàn cầu.
Đề bài cho như sau:
"A string is wound symmetrically around a circular rod. The string goes exactly 4 times around the rod. The circumference of the rod is 4 cm. and its length is 12 cm.
Find the length of the string ? Show all your work".
Tạm dịch là :
“Một sợi dây được quấn đối xứng 4 vòng quanh một ống trụ tròn đều. Ống trụ có chu vi 4 cm và độ dài là 12 cm.
Hỏi: Sợi dây dài bao nhiêu cm? Giải thích cách làm của bạn”.
Không như hai câu hỏi khác trong đề thi, câu hỏi toán này được dành cho học sinh năm cuối. Thế nhưng, nó lại khiến học sinh vô cùng bối rối và rất khó khăn trong việc giải đáp.
"Chỉ có khoảng 10% học sinh trả lời chính xác, 2% học sinh giải được một phần. Học sinh Thụy Điển làm bài tốt nhất với 24% hoàn thành. Trong khi đó, học sinh Mỹ chỉ có 4% làm được bài", báo cáo của (IEA).