Hãy cùng chúng tôi điểm lại những vụ việc khiến dư luận chú ý trong tuần vừa qua (18/8-25/8)
Trai đẹp trục xuất sang Việt Nam
Mấy hôm nay, thông tin về việc Omar Borkan Al Gala - chàng trai nổi tiếng thế giới từng "bị trục xuất vì quá đẹp trai" đến Việt Nam gây xôn xao cộng đồng mạng. Được biết, mục đích Omar đến Việt Nam lần này là để tham gia hoạt động từ thiện và gặp gỡ người hâm mộ.
Những fan nữ Mexico đang cố gắng nắm tay "trai đẹp" trong cuộc gặp gỡ với người hâm mộ được Omar cập nhật ngày 5/7.
Trong chuỗi sự kiện này, người hâm mộ sẽ tham gia đấu giá để được quyền ăn tối với anh chàng người mẫu điển trai. Mức giá khởi điểm cho màn đấu giá đặc biệt này sẽ là 20 triệu đồng. Toàn bộ số tiền thu được sẽ ủng hộ cho hoạt động từ thiện.Thông tin này đã nhận được nhiều quan điểm trái chiều của cư dân mạng. Nhiều người cho rằng việc bỏ mấy chục triệu để ăn tối với một người “chẳng phải diễn viên, ca sĩ gì nổi tiếng, chỉ có cái mã đẹp trai” là điều hết sức phù phiếm.
Cấm quay phim, chụp ảnh CSGT
Cảnh sát giao thông sẽ "kiên quyết đấu tranh làm rõ" bất kỳ ai quay phim, chụp ảnh lực lượng này làm nhiệm vụ. Nếu phát hiện đúng là nhà báo, cảnh sát sẽ thông báo về cơ quan chủ quản...
Đó là một số nội dung trong văn bản mà đại tá Trần Sơn Hà phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67) chỉ đạo phòng cảnh sát giao thông các địa phương phải thực hiện trong thời gian vừa qua.
Văn bản, được ký ban hành ngày 26/4 viết: Thời gian gần đây trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đã xuất hiện một số đối tượng vi phạm dùng các mối quan hệ để tác động xin xỏ, thậm chí chửi bới, lăng mạ, chống lại người thực thi công vụ hoặc giả danh phóng viên báo, đài sử dụng các thiết bị ghi hình lực lượng CSGT.
Văn bản trên được ban hành đã gây tranh cãi trong dư luận. Phần lớn người dân cho rằng đây là quy định trái luật. Việc phải xin phép trước khi chụp ảnh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ là bất hợp lý vì vi phạm quyền của công dân và hạn chế trong việc phát hiện ra những tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông.
Mổ thai lưu, thai phụ tử vong sau 5 tiếng
Sự việc trên xảy ra vào rạng sáng ngày 19-8. Trước đó, vào tối ngày 18-8, thai phụ Nguyễn Thị Hiếu (SN 1980, ở thôn Phang Thôn, xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) nói trong người hơi khó chịu.
Sau đó, chị được gia đình đưa lên Bệnh viện huyện Đa khoa huyện Yên Định cấp cứu.Tại đây, sau khi siêu âm, các bác sĩ đã chuyển chị Hiếu xuống Bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá. Khoảng 21 giờ cùng ngày 18-8, chị Hiếu được đưa xuống đến nơi, tuy nhiên bệnh nhân phải đợi 1 tiếng sau mới được các bác sĩ khám và kết luận thai nhi chết lưu, phải mổ để cứu người mẹ.Bà Vũ Thị Hồng, dì ruột của nạn nhân, cho biết: “Trước khi mổ, cháu nó vẫn rất tỉnh táo, chỉ thi thoảng kêu đau bụng. Sau khi mổ, Hiếu có biểu hiện nhịp tim và huyết áp cao hơn mức bình thường, thỉnh thoảng máy lại rú lên tiếng cấp cứu”.
Đưa thi thể nạn nhân về quê nhà an táng
Sau đó, bác sĩ trực có đến và cho chị Hiếu ngậm một viên thuốc, lát sau thấy huyết áp và nhịp tim tụt dần xuống. Viên thuốc chị Hiếu ngậm lúc sau thì nôn ói ra ngoài.
Ông Võ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, cho biết hiện cái chết của thai phụ Nguyễn Thị Hiếu đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra. Sở y tế Thanh Hoá cũng đã niêm phong hồ sơ bệnh án của nạn nhân.
Về phía bệnh viện, sau khi nạn nhân qua đời đã cho xe đưa thi thể nạn nhân về quê an táng. Còn nạn nhân tử vong do nguyên nhân gì, thì bệnh viện đang triệu tập hội đồng khoa học để họp, thì mới biết được kết quả” - ông Hùng cho biết.
'Cô hồn sống' tranh cướp đồ cúng rằm tháng 7
Cứ đến tháng 7 âm lịch hằng năm, nhiều gia đình người Hoa và người theo đạo Phật ở TP.HCM lại bắt đầu phong tục cúng "cô hồn" với tâm niệm cứu giúp những linh hồn cơ nhỡ được no ấm. Chiều ngày 22/8 (nhằm ngày 16/7 âm lịch) nhiều gia đình và công ty tại Tp.HCM cúng cô hồn trong sự lo sợ, nhưng sợ cô hồn đã chết thì ít mà hoang mang với cô hồn sống thì nhiều.
Theo phong tục cúng cô hồn của người miền Nam thì tiền lẻ là một trong những vật phẩm cúng không thể thiếu. Kết thúc buổi cúng cô hồn, số tiền này được gia chủ quăng ra ngoài đường để bố thí, số tiền không đáng là bao nhưng cũng đủ để người dân tranh giành gây ra những màn xô đẩy, giẫm đạp lên nhau, thậm chí còn chửi bới, đánh lộn không thương tiếc.
Một trung tâm thương mại tại quận 1 rước thầy chùa về làm lễ cúng. Lễ vật cúng cô hồn thường là mía, muối, gạo, trái cây, các loại bánh...
Chị Thanh, nhà trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 cho biết: "Năm nay, tôi không đem đồ cúng bày ra ngoài đường mà quyết định cúng trong nhà, vì năm ngoái chỉ mới dọn đồ ra cúng thôi, chưa kịp khấn vái thắp nhang mà thiên hạ đã vào hốt sạch, cả bát nhang cũng rinh đi luôn. Cúng xong, tôi sẽ lên trên lầu để ném đồ cúng xuống đường cho người ta lượm. Ở đây giờ ai muốn cúng cô hồn đều phải làm vậy hết, còn nếu cúng lớn thì phải mướn bảo vệ để đảm bảo an ninh".
Tận mắt chứng kiến một buổi cúng cô hồn trên đường Nhiêu Tâm, quận 5, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước một lực lượng giật đồ cúng cô hồn hùng hậu nhiều lứa tuổi, quần đùi áo cụt, mình trần. Đám người ngồi lỳ trước nhà gia chủ, mắt ai cũng nhìn chăm chú vào mâm cúng trong nhà. Cả đám bắt đầu hỗn chiến khi gia chủ bắt đầu quăng đồ cúng từ trên lầu xuống. Trong nháy mắt, số đồ cúng được hốt sạch không sót một món gì.