Bão số 3 đi qua, để lại hàng trăm ngàn ha lúa, hoa màu của người dân bị hư hỏng, ngập úng, hàng chục nghìn công trình nhà ở, giao thông bị phá hủy, nhiều khu vực đến sáng nay chưa có điện trở lại...
Thiệt hại vô cùng lớn, nhiều khu vực vẫn chưa có điện
Cục Quản lý Đê điều và Phòng Chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cập nhật những con số thiệt hại mới nhất ở các địa phương do bão số 3 gây ra.
Tại Bắc Ninh, theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đến 7h sáng nay (8/9), bão số 3 đã khiếp 560 công trình nhà bị tốc mái, 31 trường học, chợ dân sinh bị hư bỏng, hơn 8000ha lúa bị đổ, úng ngập và hơn 500ha cây rau màu bị thiệt hại.
Bắc Ninh có hơn 80.000 số nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp bị tốc mái, hư hỏng. 7458 cây xanh bị đổ, gãy, hư hỏng 42 long bè nuôi trồng thủy sản. Nhiều tuyến đê, kè bị sụt lún, hư hỏng. Trên tuyến kênh dẫn Long Tửu tại bờ hữu tương ứng K3+600 xảy ra sự cố sụt lún, sạt trượt mái với chiều dài khoảng 30,5 m. Hiện sự cố đang được tiếp tục theo dõi và đề xuất phương án xử lý sau khi bão.
Bão số 3 gây thiệt hại rất lớn ở các địa phương.
Bão số 3 khiến 7 đường dây 110KV bị sự cố không thể vận hành, 127/280 đường dây trung áp gặp sự cố trong đó có 23/130 đường dây cấp cho khu công nghiệp và 104/150 đường dây cấp cho dân sinh, 61 tram bơm tiêu úng bị mất điện không thể vân hành. Toàn tỉnh nhiều khu vực mất điện từ 16h30 phút ngày 7/9 đến nay chưa có điện trở lại.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Hải Phòng, tính, tính đến 6h sáng nay (8/9), bão số 3 đã khiến 1 người chết tại huyện Tiên Lãng do tường bếp bị đổ, 13 người bị thương tại gia đình do kính vỡ, mái tôn bay. Nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn.
Nhiều khu vực bị cắt điện để đảm bảo an toàn hoặc do sự cố đường dây; Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ. Nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại.
Diện tích lúa có khoảng 5.000 ha bông đang trỗ bông bị hư hại, rau màu: 1.750 ha rau màu bị ảnh hưởng nặng, 1.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng, 400 ha hoa cây cảnh bị ảnh hưởng. "Tình hình thiệt hại ở mức rất lớn và chưa thể đánh giá, thống kê chính xác, chi tiết", Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng cho hay.
Cơ quan này đề xuất khẩn trương thu dọn vật cản khôi phục giao thông, sửa chữa khắc phục kết cấu hạ tầng thiết yếu, cấp điện, cấp nước trở lại, khôi phục các hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc; tiêu thoát nước ngập úng, vệ sinh môi trường; tổ chức cảnh báo nguy hiểm đối với các tuyến giao thông, kết cấu hạ tầng hư hại chưa được khôi phục... Các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tổ chức hỗ trợ về y tế, … đối với các đối tượng bị thiệt hại.
Tại Thái Bình, bão số 3 một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc nhiều nhưng chưa thể thống kê chi tiết. Khoảng 30 cột điện bị đổ; 11 cột viễn thông bị đổ, gẫy; 17 trạm biến áp bị sự cố. Hàng chục nghìn ha rau màu bị ngập lũ, sạt lở một số vị trí tuyến kè, bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng. Diện tích lúa đổ bị úng ngập là 18.000 ha. Ước tổng thiệt hại ban đầu: khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tại Hải Dương, bão số 3 làm 1 người chết, 5 người bị thương, 10.000ha lúa bị đổ; khoảng 1.200ha cây rau màu bị dập nát và hơn 600ha cây ăn quả gãy, bị đổ. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng.
Nhiều mái nhà tôn, mái phi brô xi măng, cửa kính trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã bị sập mái, tốc mái, hư hỏng; nhiều biển quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gẫy gây ách tắc nhiều tuyến đường giao thông. 26 cột điện bị gãy, đổ gây mất điện trên diện rộng. Do đứt cáp quang, 5 trạm BTS bị đổ nên 3 nhà mạng trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn, mất liên lạc.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP Hà Nội, đã có 4 người thương vong, 2.500 cây đổ, 17 trạm bơm mất điện; 14 ô tô bị hư hỏng do ảnh hưởng của bão Yagi.
Liên quan đến thiệt hại về người, Hà Nội có 1 người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Theo Bộ Tư lệnh Thủ đô, nạn nhân tên là Cáp Minh Công, giới tính nam, sinh năm 2002, quê Hưng Yên. Có 3 người bị thương ở quận Ba Đình đã được đưa đi cấp cứu. Thiệt hại về tài sản có tổng 6 xe máy và 13 ô tô bị hư hỏng do bão.
Hoàn lưu sau bão còn tiếp tục gây thiệt hại
Theo ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 8/9, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ vẫn hứng chịu các trận mưa lớn, có thể gây ngập lụt nặng. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Đến ngày 9/9, trên thượng lưu nhiều sông xảy ra đợt lũ với báo động cấp 1-2. Do mưa lớn trong thời gian tiếp theo, nên cảnh báo nguy cơ ngập lụt ở các thành phố, đô thị và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thái Nguyên và TP Hà Nội.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục nhấn mạnh đến yếu tố nguy hiểm từ hoàn lưu bão số 3 rất rộng, bao trùm cả khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
"Trong hệ thống mây rộng này có thể xuất hiện các ổ mây đối lưu gây mưa giông, lốc và gió giật xoáy, còn tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động ngoài trời", ông Khiêm cảnh báo.
Và ngay cả với khu ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, dù bão số 3 đã đi qua, vẫn cần đề phòng hiện tượng sóng cao và nước dâng, có thể ảnh hưởng mạnh đến tàu thuyền ven bờ và hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Tiếp tục cảnh báo hậu bão số 3, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) lưu ý, đối với vùng miền núi phía Bắc, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Đồng thời tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, thông tuyến giao thông.
Ông Luận cũng nhấn mạnh các địa phương cần sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó sự cố mất an toàn hồ, đập của các hồ, đập xung yếu hoặc đang thi công.
"Chúng ta phải sẵn sàng vận hành tiêu úng khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp. Mưa bão rất tập trung chứ không mưa rải, có thể mưa 300mm trong vòng có một ngày thì các khu đô thị như Hà Nội, khu công nghiệp sẽ có nguy cơ cao là ngập úng. Chúng ta phải vận hành khẩn trương vận hành các trạm tiêu úng. Ví dụ như Hà Nội hiện nay đang vận hành tối đa của trạm bơm tiêu Yên Sở để rút nước đi, khi mà mưa về có chỗ để chứa," ông Luận nói.