Trong năm 2021, trên mạng xã hội lan truyền nhiều câu chuyện xúc động chạm tới trái tim hàng triệu người dân Việt Nam.
Những dấu ấn truyền cảm hứng lan tỏa trong năm 2021: Ở nhà vẫn vui, Giúp nhau mùa dịch
Bỏ lại sau lưng những nỗi đau và mất mát của quãng thời gian đầy biến động, cùng nhìn lại những hình ảnh đẹp, những câu chuyện đã thắp lên hy vọng, những con người đã chia sẻ yêu thương đến với cộng đồng trong suốt những ngày tháng khó khăn cả nước chung
Giữa những ngày giãn cách xã hội, mọi hoạt động bị đình trệ, không khí nặng nề bao trùm tất cả. Thương nhân không thể buôn bán, người lao động không có việc làm và hằng hà sa số những mảnh đời rơi vào cảnh đói ăn, chạy ăn từng bữa. Ngay lập tức, người dân khắp cả nước và các mạnh thường quân đã chung tay, chung sức, khẩn trương hỗ trợ những người gặp khó khăn trong lúc nguy cấp.
Nhận ra mình vẫn còn may mắn hơn biết bao người khác, anh Tuấn Anh đã cho ra đời cây ATM gạo, sau đó là những cây ATM oxi, ATM khẩu trang, trở thành cứu tinh của biết bao gia đình. Khắp nơi, rất nhiều chủ trọ đã giảm tiền thuê để san sẻ gánh nặng chi tiêu cho khách thuê, từ chú Tư - chủ khu trọ tại hẻm 147 Lê Đình Cẩn (quận Bình Tân) đã miễn phí tiền thuê phòng suốt 3 tháng liền, cho tiền và liên tục mang đồ ăn đến cho người thuê trọ... đến cô Liễu bí thư (khu phố Gò Công, Tp Thủ Đức) miễn phí tiền thuê trọ 2 tháng và tự nguyện trở thành shipper mua đồ giúp người dân...
Hay như chàng thanh niên Lâm Ống Húc cùng chiếc xe máy cà tàng rong ruổi khắp ngõ ngách tặng bánh, sữa, khẩu trang cho những người vô gia cư. Với bất cứ ai nhận đồ từ anh, Lâm Ống Húc đều cúi đầu cảm ơn vì họ đã không ngại mà nhận tấm chân tình của mình.
Chàng trai Lâm Ống Húc rong ruổi khắp nơi đường tặng đồ ăn miễn phí cho người khó khăn
Nhiều hộ nông dân trên khắp cả nước, các cụ già, em nhỏ hưởng ứng lời kêu gọi cùng hướng về miền Nam ruột thịt đã mang những quả bí, quả bầu, đôi ba bịch gạo, thùng mì gửi kèm cùng lời chúc thân thương “TP HCM vững vàng chiến thắng dịch bệnh”.
Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Giác Ngộ cùng nhiều cơ sở tôn giáo khác liên tục nhận được rau củ quả để phục vụ các suất ăn tình thương. Các cơ sở cách ly, các cán bộ chiến sĩ làm công tác trực chốt được người dân đem tặng thức ăn, đồ uống tăng cường sức khỏe cho những ca trực đêm. “Cơn sóng” tình thương lan tỏa mạnh mẽ, được đắp bồi liên tục bằng sự nhân ái của những con người sẵn sàng đem tài sản, tiền của tích góp cả đời để cho đi.
Không còn những băng rôn tuyên truyền cứng nhắc, không còn những khẩu hiệu khô khan, Bộ Y tế và cách thức phổ biến thông tin trong thời dịch bệnh đã làm cho cộng đồng mạng bất ngờ hết lần này đến lần khác.
Dấu ấn đầu tiên phải nói đến ca khúc Ghen Cô Vy do nhạc sĩ Khắc Hưng sáng tác năm 2020 theo đơn đặt hàng của Bộ, được viết lại lời trên nền nhạc ca khúc Ghen (Khắc Hưng - Min -Erik). Phần lời mô tả các hiểu biết cơ bản cũng như cách phòng tránh COVID-19. Bài hát đã vượt ra khỏi khuôn khổ Việt Nam và được truyền hình nhiều nước dùng mỹ từ để ca ngợi. Ghen Cô Vy được phát ở nhiều nơi, trong bệnh viện, trên những chiếc xe tuyên truyền chạy ngoài trời… và được nhiều người từ trẻ con tới người già hát và nhảy theo một cách đầy hào hứng.
Tài khoản mạng xã hội Tiktok của Bộ Y Tế Việt Nam
Không dừng lại tại đó, liên tiếp những hoạt động như kêu gọi người dùng mạng xã hội đổi ảnh đại diện và ảnh bìa chủ đề “Đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch COVID-19" cũng tạo nên cơn sốt. Khẩu hiệu 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) dễ nhớ, trực quan và đi vào đời sống hàng ngày.
Bên cạnh nỗ lực chống dịch của Bộ Y Tế, nhiều văn nghệ sĩ cũng đã tích cực mang lời ca tiếng hát của mình làm món quà tinh thần cho lực lượng tuyến đầu, cho những bệnh nhân trong các khu cách ly. Nhiều bài hát cổ vũ khác, nhiều video cùng nhau xốc lại tinh thần liên tục được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, góp phần xoa dịu bớt những tin tức đau thương, tình hình dịch bệnh căng thẳng.
TP.HCM những ngày giữa năm rực lửa theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trích lời giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng: “Cả thành phố trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm chưa từng có trong lịch sử của dịch bệnh”, đỉnh dịch có ngày lên tới hơn 17.000 nghìn ca nhiễm mới, số ca tử vong mỗi ngày đều trên 200 ca trong suốt hơn 2 tháng.
Nhân lực y tế được chi viện liên tục từ nhiều tỉnh thành cũng không thể đáp ứng đủ, hình ảnh những y bác sĩ, tình nguyện viên tuyến đầu kiệt sức, ngất xỉu vì liên tục phải chăm sóc bệnh nhân F0 khiến hàng vạn đồng bào chực rơi nước mắt.
Trong tình thế khó khăn bủa vây, hàng nghìn người đã khoác lên mình bộ đồ bảo hộ y tế, che lại nụ cười sau lớp khẩu trang hằn sâu trên mặt để xung phong vào tâm dịch. Không chỉ trong lĩnh vực y tế, tình nguyện viên tỏa đi khắp muôn nơi, len lỏi vào từng hoạt động của đời sống để đóng góp sức lực cho cộng đồng không phân biệt quốc tịch, tuổi tác, nghề nghiệp, tôn giáo, giới tính…
“Tăng ni cởi áo cà sa, khoác áo blouse” xông pha vào tuyến đầu chống dịch là tinh thần của Phật giáo Việt Nam. Hay như người đàn ông quốc tịch Pháp Minoretti Andre Raphael Marie, sinh năm 1955 (sống tại quận Phú Nhuận) đã viết thư tay bằng tiếng Việt xin phép được tham gia vào hoạt động chống dịch của thành phố. Không kể đâu xa, những cô cậu sinh viên, tiếp viên hàng không, những bà nội trợ, cán bộ hưu trí, văn nghệ sĩ, lực lượng quân đội, thậm chí cả những F0 đã khỏi bệnh cũng rất hăng hái.
Người thì tham gia các bếp ăn tình thương, người lại trở thành shipper mẫn cán vận chuyển rau củ quả, bình oxy, thiết bị y tế. Có người chọn công việc tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, nhưng cũng có người chọn tiếp xúc với tử thi, thay gia quyến tiễn những người tử vong do COVID-19 ở giây phút cuối cùng.
Một tình nguyện viên đang làm việc tại bếp ăn nghĩa tình. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
Tình nguyện viên không lương thưởng, không bằng khen, 2-3 tháng không về nhà, với bữa cơm ăn vội, giấc ngủ chập chờn… nhưng có lẽ với bất kỳ ai có suy nghĩ bước chân tham gia vào công cuộc chống dịch, đều không mong cầu vật chất. Tình thương, sự cảm mến của đồng bào và nhìn thấy sự hồi sinh của thành phố chắc rằng sẽ là nguồn an ủi lớn nhất đối với những con người đã xông pha vào nơi nguy hiểm nhất trong tháng ngày vừa qua.
Ngay khi lệnh giãn cách xã hội trong thành phố được bãi bỏ, dòng người “tháo chạy” về quê sau nhiều tháng không có thu nhập là câu chuyện được sự quan tâm nhất tại thời điểm đó. Tuy nhiên, việc di chuyển giữa các tỉnh bằng phương tiện cá nhân vẫn chưa được cho phép, nhiều người dù biết vẫn bất chấp tìm cách rời khỏi ổ dịch.
Tài sản ngoài chiếc xe máy, còn có nồi cơm điện, vài ba đôi móc quần áo với mấy chục nghìn đồng còn sót lại sau thời gian dài sống trong cảnh thiếu thốn. Mặc dù đã nhận được những túi an sinh từ thành phố, sự hỗ trợ của các mạnh thường quân hay được miễn giảm tiền trọ, nhưng vì áp lực sinh hoạt phí quá lớn, họ không thể tiếp tục ở lại.
Cảnh sát giao thông tặng đồ ăn cho người dân trên đường
Hình ảnh đoàn người vượt hàng trăm, hàng nghìn cây số chạy dọc khắp cung đường quốc lộ, những em bé ngủ gục trong vòng tay mẹ, vài người lả đi vì chặng đường dài khắc họa rõ nét sự khốn khổ cùng cực của một bộ phận người lao động xa quê.
Một số tình nguyện đang sửa chữa xe cho người hồi hương từ thành phố về quê sau dịch
Nhưng để không ai bị bỏ lại phía sau, ngay lập tức các tỉnh thành đã ra công văn khẩn, phối hợp với lực lượng công an, quân đội, tiếp nhận và đưa đón người dân về quê. Xăng xe, lương thực, thuốc men được tặng miễn phí. Nhiều mạnh thường quân đứng chờ sẵn trên các tuyến quốc lộ tặng tiền đi đường, một doanh nhân ở Đà Nẵng cũng đã trao nhiều xe máy cho bà con có xe hư hỏng, cũ nát để đảm bảo hành trình di chuyển an toàn.
Tấm lòng của nhiều mạnh thường quân, đồng hành cùng người có hoàn cảnh khó khăn
Không chỉ vậy, các hội nhóm tình nguyện khác ở khắp nơi cũng đã liên tục mang những phần cơm nóng, những bát cháo tình thương để giúp cho người dân xa quê cảm thấy được no bụng, ấm lòng. Và sau đó hình ảnh những chiến sĩ công an dẫn đoàn, theo sau là dòng người về quê với ánh mắt rạng rỡ, cái vẫy tay đầy hy vọng đã làm lay động trái tim của hàng triệu người. Như lời bài hát Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa có câu:
“Sẽ không ai phải lẻ loi ngày hôm nay
Sẽ không ai lãng quên ai ở chốn đây
Sẽ luôn có chốn bao dung
Dù nắng hay mưa giông.”
“Sóng và máy tính cho em” được phát động trong bối cảnh học sinh cả nước phải liên tục học trực tuyến vì dịch bệnh. Chương trình này nhằm hỗ trợ những em học sinh, sinh viên không có đủ thiết bị để đảm bảo việc học tập và học tập chưa hiệu quả. Chưa bao giờ ngành giáo dục phải đối diện với khó khăn và thách thức lớn đến như vậy.
Các em học sinh nhỏ tuổi vất vả trong việc học tập trực tuyến
Biết bao câu chuyện dở khóc, dở cười đã diễn ra xuyên suốt thời gian thầy và trò làm quen với việc học trực tuyến. Quyết tâm không để việc tiếp thu kiến thức bị đình trệ, nhiều thầy cô giáo đã liên tục làm mới phương pháp giảng dạy, sử dụng thêm đồ họa, tìm cách kết nối với học sinh thông qua màn hình máy tính.
Có nhiều lúc không tránh khỏi những chán nản, những buồn lo và cả sự bất lực, đặc biệt đối với những bộ môn cần vận động, nhưng vượt lên mọi rào cản, thầy Mai Văn Chuyền (Trường THCS Ngô Mây - Đắk Lắk) đã dành nhiều thời gian làm video quay lại tỉ mỉ từng động tác đánh bóng chuyền, sau đó cẩn thận chỉnh sửa, ghép nhạc để giảng dạy một cách trực quan nhất.
Thầy Mai Văn Chuyền nỗ lực sáng tạo bài giảng môn thể dục
Và khó khăn cũng chẳng ngăn được bước những cô cậu học sinh tiếp cận với cái chữ. Hai học sinh Xồng A Dần và Xồng A Thành (lớp 6A1, Trường dân tộc nội trú THCS Quế Phong) vì muốn học phải leo lên núi cao, cách nhà cả cây số để tìm sóng, phụ huynh dựng tạm cho tấm chòi bằng bạt để hai em ngồi học. Hay như em Hoàng Thị Mỵ (Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc - Thái Nguyên) tranh thủ học online khi đang lên nương cũng đã khiến cộng đồng mạng xúc động.
Nỗ lực không biết mệt mỏi của những người làm giáo dục và sự vươn lên của các em học sinh, sinh viên như một nguồn năng lượng tích cực, một liều vắc xin tinh thần đáng quý trong giai đoạn khó khăn chung của đất nước.
Trong những nỗ lực chung phòng chống dịch, “ai ở đâu ở yên tại đấy” đã trở thành nhiệm vụ của cả cộng đồng. Cuộc sống và sinh hoạt bị đảo lộn vì giãn cách xã hội liên tục trong thời gian dài, nhưng cũng được xem như thời gian để làm mới tâm hồn và dành thời gian cho những người thân yêu bên mình. Chiến dịch “Ở nhà vẫn vui” ra đời với sứ mệnh mang đến một góc nhìn lạc quan và tích cực thông qua những khoảnh khắc đời thường.
Bắt đầu từ ngày 29/8/2021 và kéo dài đến 11/9/2021, chiến dịch này đạt được hơn 28 tỷ view với sự tham gia của các tổ chức chính phủ, nghệ sĩ, KOL và cả các bạn trẻ trên khắp cả nước, thậm chí nhiều người nước ngoài đang sống tại Việt Nam. Với mỗi video hoặc livestream hợp lệ, TikTok sẽ quyên góp 10.000 đồng vào Quỹ hoạt động Chữ thập đỏ, góp phần hỗ trợ các hoạt động ứng phó COVID-19 của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với giá trị tối đa lên đến 1 tỷ đồng.
Đông đảo nghệ sĩ tham gia vào chiến dịch ý nghĩa này
“Ở nhà vẫn vui” của TikTok đã đem đến nhiều niềm vui đặc biệt, lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp và góp phần khẳng định rằng những ngày chống dịch vẫn có thể đầy niềm tin và hy vọng.
Bỏ qua hết những lừa lọc, những dối trá vốn có vẫn diễn ra hàng ngày trên internet, thì nơi đây chính là cầu nối gửi trao tình người trong đại dịch. “Gửi các mạnh thường quân, xin hỗ trợ gia đình em đang bị F0 tại địa chỉ ax by cz”, “Cô chú ơi, nhà mình bao nhiêu người và cần những gì cô nhắn con mua cho nha”... đây chỉ là hai trong số hàng trăm nghìn tín hiệu “cầu cứu” đã được gửi đi và nhận lại sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Những khó khăn tạm thời về mặt tài chính và nhu yếu phẩm hàng ngày sẽ được giúp đỡ khi một ai đó cần đến, ở bất kỳ đâu trên mảnh đất hình chữ S này. Sau khi xác minh được thông tin, gia cảnh và địa chỉ, người góp tiền, người góp công, người góp vài ký gạo. Cứ như thế, không ai bảo ai, một cộng đồng mang tên “Giúp nhau mùa dịch” được ra đời trên Facebook.
“Không biết mặt nhau, chẳng cần ơn huệ, chỉ muốn cho đi, chẳng cần nhận lại” là tinh thần chung của cộng đồng nhân ái này. Đôi ba lần cãi vã vì một vài người có hành vi lừa đảo cũng không làm vơi đi mong muốn được giúp đỡ những người khó khăn hơn. Một bà mẹ đơn thân ở Đồng Nai xin được hỗ trợ sữa cho con 2 tuổi, và đã nhận được 1.000.000 sẻ chia từ bạn trẻ ở Hà Nội. Một gia đình 5 người ở Phú Yên sống phụ thuộc vào đồng lương phụ hồ của người cha được một nhóm tình nguyện tại TP HCM hết lòng hỗ trợ từ xa…
Không sợ bị lừa, chỉ sợ không giúp được những người đang khó khăn. Đó chính là mục đích lớn lao của nhóm Giúp nhau mùa dịch
Khó có thể đong đếm hết giá trị vật chất và tinh thần của những hội nhóm giúp đỡ nhau qua internet. Khi mà ở đâu đó, người ta vẫn nghi kỵ lẫn nhau, hoạnh họe nhau từng lời ăn tiếng nói, nhưng khi khó khăn hoạn nạn, người lạ người quen không còn là điều quan trọng, như lời một mạnh thường quân giấu tên: “Trả ơn cho đời, biết ơn vì mình còn được sống khỏe mạnh”.
Tin liên quan
Ông là Hoàng đế thứ 7 của nhà Lý, con trai của Lý Anh Tông. Dù thời gian trị vì tương đối dài nhưng ông không có đóng góp gì để phát triển...
Trước những sự việc này, không ít người dân đã phải lên tiếng thể hiện sự bức xúc và phẫn nộ của mình.
Khi biết được đam mê và ước nguyện của các cụ già trong viện dưỡng lão, những điều dưỡng tại đây đã lên kế hoạch trang điểm, chụp ảnh cho...
Tin bài cùng chủ đề Vắc-xin tích cực
Không ai nghĩ một người phụ nữ bé nhỏ như Việt Hương lại có thể đem tới sự tích cực và tình yêu cuộc sống lớn đến như vậy cho những người xung quanh, giữa những thời khắc đen tối nhất.