Không có chuông báo động, không có đèn tín hiệu hướng dẫn thoát hiểm, hệ thống phun nước chữa cháy tự động không hoạt động, hệ thống hút khói và ngăn khói bị vô hiệu... là những hình ảnh "chết người" tại chung cư Carina trước khi xảy ra vụ cháy.
Liên quan vụ cháy khiến 13 người chết tại chung cư Carina, cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.
1h27 ngày 23/3, bảo vệ chung cư Carina gọi điện thoại báo cháy vào số 114 rồi chạy đi gõ cửa các tầng trên chung cư Carina Plaza.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Thông – Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM, kết quả điều tra ban đầu xác định nguyên nhân gây cháy là do sự cố chập điện từ chiếc xe Atila trong hầm để xe.
Theo đó, vụ cháy xảy ra lúc 1h15" ngày 23/3. 8 phút sau đó, ngọn lửa bốc cao ngang ống thông gió của tầng hầm và cháy lan sang các xe máy xung quanh. Khoảng hơn 13 phút sau kể từ khi vụ cháy xảy ra thì hệ thống điện của tầng hầm để xe tắt.
Cơ quan điều tra bước đầu xác định, thời điểm bảo vệ chung cư Carina Plaza báo cháy lên tổng đài 114 là lúc 1h27’, tức 8 phút sau vụ cháy.
Về công tác PCCC của chung cư trên, đại diện của Công an TP.HCM đã làm rõ: Trong các năm 2016, 2017, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ Q.8 đã nhiều lần kiểm tra, phát hiện và lập biên bản đối với các lỗi vi phạm như: Hệ thống báo cháy tự động hư hỏng, hệ thống cấp nước chữa cháy, họng nước chữa cháy ngoài trời không hoạt động; máy bơm chữa cháy động cơ dầu không hoạt động, đèn chiếu sáng khi xảy ra sự cố không hoạt động.
Sau mỗi lần kiểm tra, cơ quan chức năng đều có văn bản kiến nghị BQL chung cư Carina sửa chữa, khắc phục nhưng các kiến nghị trên đều không được BQL quan tâm.
Đặc biệt, trước khi vụ cháy xảy ra chỉ 7 tiếng đồng hồ, cư dân của chung cư này cũng tiếp tục phản ánh về nguy cơ cháy nổ với BQL của tòa nhà.
Nói về thời điểm xảy ra vụ cháy, cư dân chung cư Carina tố nhiều vi phạm của Ban quản lý về PCCC tại chung cư như: Tòa nhà không có chuông báo động, không có đèn tín hiệu hướng dẫn thoát hiểm, hệ thống phun nước chữa cháy tự động không hoạt động, không có người hướng dẫn cho đến khi cảnh sát PCCC đến.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện hệ thống hút khói và ngăn khói bị vô hiệu.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại việc hệ thống PCCC của chung cư Carina Plaza bị tê liệt trong lúc cháy:
Cư dân chung cư Carina cho biết, trước khi xảy ra vụ cháy, hệ thống phun nước chữa cháy tự động của tòa nhà không hoạt động
Tại thời điểm xảy ra cháy, hệ thống báo khói tự động không hoạt động,
hệ thống chuông báo cháy bị tê liệt
Không có đèn tín hiệu hướng dẫn lối thoát hiểm
do đó khi xảy ra cháy buộc người dân phải dùng đèn pin để tìm đường thoát trong biển khói
Đa số hệ thống hút khói và bơm nước tự động khi xảy ra hỏa hoạn không có tác dụng
Người dân chung cư Carina còn tố cáo việc nhiều trụ nước chỉ để làm cảnh, không có nước khi xảy ra vụ cháy. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an TP.HCM đang tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của ban quản lý, chủ đầu tư và cơ quan chức năng quản lý chung cư này.
Nguyên nhân vụ cháy được xác định bắt nguồn từ một chiếc xe máy Atila bị sự cố gây cháy nổ.
Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 nêu rõ: Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy 1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 5. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. 6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |