Rất nhiều chi em phải lao động vất vả, đón giao thừa ngoài đường.
Vất vả cả năm mới có một hai ngày tết nên dù ai đi xa cũng đều cố gắng thu xếp để trở về bên mái ấm gia đình. Thế nhưng, trong những giờ phút ấy vẫn có những con người đang tất tả trên đường phố với những lo toan cho cuộc sống mưu sinh.
Đối với những người công nhân vệ sinh môi trường, đón giao thừa ở nhà có lẽ chỉ là niềm mơ ước.
Khi kim đồng hồ báo hiệu năm mới vừa sang cũng là lúc các công nhân môi trường tay chổi, tay xẻng, lặng lẽ quét dọn trên các con đường, tuyến phố.
Chị Nguyễn Thị Mến (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, năm nào chị cũng đón giao thừa ngoài đường. Bình thường công việc của chị bắt đầu từ 17h00 - 1h sáng hôm sau. Tuy nhiên, nếu vào các ngày lễ tết, công việc của chị sẽ kết thúc vào khoảng 4h sáng.
Niềm vui của chị Mến khi nhận quà từ một người đi đường.
Chị Hòa (Thanh Hóa) cho biết, giao thừa là thời điểm người người đi chơi nhưng đó lại là cơ hội để chị có thêm thu nhập. Mặc dù khá tủi thân vì 2, 3h sáng chị vẫn phải tất bật nhạc rác ngoài đường nhưng vì miếng cơm mạnh áo nên chị cũng đành chấp nhận.
Tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) cũng không ít chị em vất vả mưu sinh trong đêm giao thừa.
Không chỉ đàn ông, chị em phụ nữ cũng phải làm công việc bốc vác nặng nhọc.
Thu nhập bình quân cho mỗi lần gánh hàng chỉ dao động trong khoảng từ 5 - 15.000 đồng tùy theo cân nặng của mỗi chuyến hàng.
Gánh hàng nặng trĩu trên đôi vai những người phụ nữ gầy gò, nhỏ bé.
Chị Huyền (Nam Định) cho biết, mong ước của chị trong đêm giao thừa là con cái học thật giỏi. Bản thân chị hy vọng ông trời cho chị thật nhiều sức khỏe để có thể gánh vác công việc gia đình.
Những chuyến hàng chất đống ngày một cao.
Gồng mình kéo xe trong đêm rét.
"Đi chơi giao thừa là việc của người có điều kiện. Còn đối với tôi, tối giao thừa cũng như bao ngày khác. Nếu không đi làm thì sẽ không có thu nhập", chị Hoa (Hưng Yên) chia sẻ.