Nhảy việc đã trở thành xu hướng trong giới trẻ hiện nay, nhiều Gen Z không có hứng thú với những công việc toàn thời gian hoặc chỉ cần "vỡ mộng, bất mãn" là xin nghỉ việc.
Gen Z được ví như “thế hệ vàng” của thời đại khi thừa hưởng thành quả công nghệ tiên tiến từ rất sớm, đồng thời tiếp nhận nền văn hóa, kiến thức phương tây và được ưu tiên giáo dục hàng đầu. Chính vì những ưu điểm nổi trội, không ngạc nhiên khi các bạn trẻ muốn làm chủ cuộc đời sớm như vậy.
Đại bộ phận Gen Z không chấp nhận bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định, hay sống theo sự sắp xếp của phụ huynh. Không chỉ riêng chuyện tình cảm, mà ngay cả học tập, công việc, người trẻ cũng luôn muốn thoát ra khỏi vùng an toàn. Họ nhảy việc bất chấp và nói “không” với những việc làm phải chấm công hàng ngày.
Gen Z mới ra trường nhảy việc liên tục để tìm… trải nghiệm
Theo khảo sát của Anphabe trên tổng số 14.000 sinh viên mới ra trường tại Việt Nam về vấn đề định hướng việc làm, có tới 62% các bạn trẻ cho biết họ thường xuyên nhảy việc trong năm đầu tiên đi làm.
Con số cao vượt trội này cho thấy, nhiều bạn trẻ thế hệ Gen Z vẫn đang loay hoay trong việc hiểu rõ khả năng và mong muốn khi bắt đầu hành trình đi làm của mình. Họ có xu hướng nhảy việc để chủ động tìm kiếm cơ hội phù hợp với bản thân.
Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương với tấm bằng giỏi, Minh Ngọc (22 tuổi) vừa ra trường đã dễ dàng xin việc vào một công ty tài chính có thu nhập trên 8 con số. Tưởng như công việc có mức lương hấp dẫn cùng cơ hội thăng tiến rõ rệt, Minh Ngọc sẽ gắn bó lâu dài với công ty. Tuy nhiên, cô đã nhảy việc chỉ sau 3 tháng gắn bó.
Minh Ngọc cho biết: “Ngay khi mới vào làm, em đã không thích môi trường làm việc quá gò bó này. Em phải chấm công lúc 8h sáng và 17h chiều. Ngày nào cũng vậy, giờ nghỉ trưa ít ỏi chỉ đủ gọi 1 suất ăn. Hết 2 tháng thử việc, em đã có ý định nghỉ nhưng cố thêm 1 tháng nữa để xem mình có thích nghi được không. Kết quả là không thể, em xin nghỉ để tìm công việc khác”.
Đến nay, Minh Ngọc đã chuyển việc ở 4 công ty nhưng vẫn chưa có ý định dừng lại. Cô còn muốn thử thách bản thân ở nhiều môi trường làm việc hơn nữa. Một phần là vì cô có cá tính mạnh, đam mê trải nghiệm, bất chấp sự cố thất nghiệp xảy ra.
Giống như Minh Ngọc, cô bạn Hải Anh (23 tuổi) có bằng tốt nghiệp ngành tài chính cũng rất thích nhảy việc. Hải Anh chia sẻ: “Ra trường được hơn 2 năm, em đã làm tại 6 công ty khác nhau. Có nơi chỉ làm được 2 tháng em đã xin nghỉ với lý do: Tính chất công việc chưa phù hợp với định hướng cá nhân, mong muốn tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân”.
Với những bạn trẻ như Minh Ngọc, Hải Anh, lý do khiến họ nhảy việc liên tục thường là từ chế độ lương thưởng không như mong đợi và tính chất môi trường không phù hợp với sở thích, năng lực. Đại bộ phận Gen Z đều không thích làm những công việc full time phải check in - check out đúng giờ quy định.
Theo Đức Thịnh (23 tuổi) cho biết: “Nếu thế hệ trước người lao động có xu hướng “an phận” trong công việc, thì thế hệ trẻ như bọn em giờ đây có thể tiếp cận vô vàn các cơ hội việc làm không những mới lạ, thú vị mà còn với mức thu nhập hấp dẫn… Vì vậy, không lạ khi người trẻ sẵn sàng nhảy việc nhiều lần trong các năm đầu đi làm để tìm một bến đỗ lý tưởng”.
Đâu là cuộc sống lý tưởng của Gen Z?
Đối với thế hệ Gen Z ngày nay, dù đã tìm được việc làm ổn định cùng mức lương cao, nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, họ quyết định nghỉ việc để trải nghiệm những cơ hội việc làm ở những môi trường mới và phù hợp hơn.
Vậy một cuộc sống thế nào mới là chân trời lý tưởng với những chủ nhân tương lai của đất nước?
- Trở thành ông chủ của chính mình
Những người trẻ thuộc thế hệ Gen Z bắt đầu có ý thức xây dựng sự nghiệp và sống độc lập từ sớm. Họ muốn công việc có thể cho họ thời gian cân bằng giữa việc làm và cuộc sống. Các bạn trẻ ghét bị trói buộc trong khuôn khổ làm việc rập khuôn của các thế hệ cũ.
Gen Z có xu hướng tìm kiếm những công việc linh hoạt thời gian, nơi làm việc thoải mái. Đối với các bạn, không quan trọng là ở đâu hay lúc nào, chỉ cần hoàn thành trước deadline là được.
Đúng với tư tưởng này, để tìm một công việc lý tưởng, Hải Yến (22 tuổi) cho biết: “Em không thích sự gò bó, em thích làm chủ chính cuộc đời mình. Em có thể vừa cống hiến cho sự nghiệp, vừa dành thời gian cho bản thân vui chơi, tận hưởng. Phương châm sống của em là “chơi hết mình, làm hết sức”, đúng với nhịp sống sôi động của Gen Z hiện nay”.
- Ưu tiên nhu cầu của bản thân
Là thế hệ tiên phong của thời đại, Gen Z luôn biết cách “làm mới”mình. Họ chú trọng vào sự phát triển của bản thân. Các buổi giao lưu văn hóa, hội thảo hay du lịch là cơ hợi tuyệt vời để các bạn nâng cao kiến thức và trải nghiệm cuộc sống.
Thế hệ Z là thế hệ đặc biệt quan tâm tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Những người trẻ sẽ không chấp nhận công việc full time gò bó, điều này làm tinh thần họ không thoải mái. Sức khỏe cũng giảm sút nếu họ cứ ép mình phải ngồi một chỗ suốt 8 tiếng đồng hồ trong không gian chật hẹp.
Ngoài ra, các bạn trẻ không ngại đầu tư thời gian cũng như tiền bạc để luyện tập, nghiên cứu chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi phù hợp.. Nhờ vậy, Gen Z luôn xuất hiện với phong thái bản lĩnh, tự tin và tràn đầy nhiệt huyết.
- Truyền tải năng lượng mới, tràn sức trẻ
Sinh ra trong thời kỳ các nền văn hóa giao thoa, những tư tưởng, định kiến cũ đã bị thay thế, các bạn trẻ luôn tích cực trải nghiệm, khám phá bản thân và thực hiện những hoạt động lan tỏa yêu thương đến cộng đồng qua loạt dự án đậm chất Gen Z.
Theo đó, nhảy việc để tìm chân trời mới với môi trường phù hợp cũng được các bạn trẻ coi là xu thế thời đại. Họ không ngại chứng minh năng lực bản thân qua nhiều công ty khác nhau, từ đó sẽ có thêm kinh nghiệm quý báu. Đứng trước nhiều rủi ro khi nhảy việc liên tục, thế hệ trẻ bất chấp tất cả để được sống một cuộc sống tràn trề năng lượng.
Trên thực tế, khái niệm “công việc lý tưởng” hay “môi trường làm việc tốt nhất” là rất mơ hồ, bởi mỗi người sẽ có những khả năng, ước muốn, điều kiện, giới hạn khác nhau. Đối với thế hệ Gen Z, chỉ có công việc mang tính chất sáng tạo, thử thách cùng môi trường ngập tràn năng lượng mới có thể giữ chân họ.