Vừa phục hồi điều tra vụ con dâu khai tử cha mẹ chồng để hưởng đất thừa kế được hơn nửa tháng, Công an quận Tây Hồ lại ra quyết định hủy khởi tố
Vụ việc nhùng nhằng đã nhiều năm, trong sự chờ đợi mòn mỏi của hai cụ già 91 tuổi.
Mong được xác định “còn sống” trên giấy tờ
Ngày đầu tháng 7, PV Báo Giao thông tới thăm cụ Đỗ Văn Hợp và cụ Nguyễn Thị An (đều 91 tuổi, ở số nhà 60, ngõ 399 Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) - cặp vợ chồng bị con dâu khai tử để chiếm đất thừa kế từng gây xôn xao dư luận.
Cụ Hợp và cụ Viễn đã 91 tuổi vẫn mòn mỏi chờ quyết định từ cơ quan chức năng sau khi bị con dâu khai tử chiếm thừa kế đất
Ở tuổi 91, cụ Hợp và cụ An vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, tự làm hết mọi công việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Tuy nhiên, so với ngày gặp tại phiên xét xử bị hủy hồi đầu năm, cả hai cụ trông đều gầy hơn, có phần mệt mỏi, muộn phiền.
Cụ Hợp cho biết, khi nhận được thông tin phục hồi điều tra vụ án, cụ đã rất hy vọng mọi việc sẽ sớm được phân minh, kết thúc những năm tháng mệt mỏi dõi theo đòi công lý. Thế mà chỉ 2 tuần sau, cụ lại bất ngờ nhận được thông tin về việc hủy quyết định khởi tố vụ án.
“Cứ như thế này, không biết đến khi nào mới có hồi kết, mà chúng tôi thì già lắm rồi. Giờ chúng tôi vẫn sống đây, mà lại có tên trên giấy khai tử. Chúng tôi mong được công nhận còn sống trên cả cuộc sống lẫn giấy tờ, để đầu óc thanh thản hưởng tuổi già”, cụ Hợp thở dài.
Vụ việc được phát hiện từ năm 2015, khi nguyên đơn là bà N. kiện bị đơn Nguyễn Thị Viễn (con dâu cụ Hợp) để đòi căn nhà ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ được mua bán giá 12 tỷ đồng năm 2015.
Đây là căn nhà được xây cất trên mảnh đất 185m2 mà cụ Hợp chia cho con trai cả tên Tiến để làm nhà nhưng chưa làm thủ tục cho, tặng hay thừa kế.
Năm 2005, ông Tiến qua đời, vợ là bà Vũ Thị Viễn cùng hai con gái tiếp tục sống cùng bố mẹ chồng trong căn nhà.
Theo hồ sơ, tháng 7/2005, bà Viễn ra Phòng công chứng số 3, Hà Nội làm thủ tục khai nhận tài sản thừa kế cho bà Viễn và hai con gái với nội dung “cha mẹ đẻ của ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết”.
Bà Viễn sau đó đứng tên khu đất và bán cho bà N., nhưng đến ngày bàn giao, bà Viễn không bàn giao được nhà và bị bà N. khởi kiện.
Lúc này, vợ chồng cụ Hợp mới biết mình đã bị khai tử ở phường, nên đã làm đơn tố giác một số nguyên cán bộ UBND phường Nhật Tân và văn phòng công chứng câu kết làm giả hồ sơ nhằm khai tử 2 cụ, tạo điều kiện cho bà Viễn chiếm đoạt nhà đất.
Tháng 7/2021, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra, xem xét xử lý các cá nhân có liên quan đến vụ việc nói trên.
Đến tháng 10/2021, công an thông báo về việc tạm đình chỉ điều tra vụ án, do vụ án dân sự đòi đất giữa bà N. và bà Viễn - con dâu của vợ chồng cụ Hợp chưa được xét xử nên chưa xác định được hậu quả cụ thể.
Giữa tháng 6/2022, Công an quận Tây Hồ thông báo về việc phục hồi điều tra vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Phòng Công chứng số 3 Hà Nội, nhưng đến tháng 7/2022 lại bất ngờ thông báo hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự với lý do hành vi của công chứng viên thuộc Phòng Công chứng số 3 Hà Nội “không cấu thành tội phạm hình sự”.
Vụ án cũng đã có 6 lần thông báo xét xử nhưng đều hoãn vì các lý do khác nhau.
Vụ án có thể giải quyết ra sao?
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Mảnh đất 185m2 ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ mà bà Viễn đã bán không có giấy tờ thừa kế, vẫn đang đứng tên của cụ Hợp và cụ An.
Trong khi cụ Hợp và cụ An còn sống, chưa từng làm thủ tục sang tên mảnh đất cho vợ chồng bà Viễn theo quy định pháp luật, thì việc cấp sổ đỏ cho bà Viễn là sai đối tượng. Theo đó, sổ đỏ sẽ bị hủy bỏ, xác định trách nhiệm những người liên quan.
Về việc khai nhận thừa kế, mảnh đất vẫn đứng tên cụ Hợp, cụ An, nên khi người con trai của hai cụ mất, thì mảnh đất vẫn là của hai cụ. Vì vậy, cần hủy bỏ văn bản thừa kế sai này.
Từ việc sổ đỏ, văn bản thừa kế cần hủy bỏ, dẫn đến việc bà Viễn - con dâu hai cụ tự ý làm hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất là vi phạm pháp luật, nên hợp đồng này cũng là vô hiệu.
“Việc con dâu nhận hợp đồng bán nhà nhưng chưa giao nhà, hợp đồng này chưa được thực hiện. Vì vậy, người mua mảnh đất trên không được bảo vệ theo quy định của pháp luật người thứ 3 ngay tình. Vì người thứ 3 ngay tình phải là người mua mảnh đất, nhận tài sản, quản lý rồi”, luật sư Cường cho hay.
Theo ông Cường, trong trường hợp này, người mua đất có thể đòi lại tiền đưa cho bà Viễn. Trường hợp bà Viễn không trả tiền, người mua có thể tố cáo bà Viễn về tội lừa đảo.
“Việc hủy quyết định khởi tố vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ. Tuy nhiên, quyết định này có đúng hay không thì cần phải chờ kết luận của Viện Kiểm sát nhân dân quận mới có thể khẳng định được”, luật sư Cường nói.
Vụ việc xảy ra đã 7 năm, đến nay sau nhiều động thái tố tụng vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Luật sư Cường dẫn lời hai cụ Hợp - An cho biết, sẽ có đơn khiếu nại tới Viện Kiểm sát nhân dân quận Tây Hồ đối với quyết định của Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ, đồng thời tiếp tục kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
“Trường hợp chấp nhận nội dung khiếu nại của hai cụ thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Tây Hồ có thể hủy bỏ quy định này để tiếp tục điều tra vụ án hình sự.
Nếu Viện trưởng Viện Kiểm sát quận Tây hồ không chấp nhận thì có thể Viện kiểm sát thành phố hoặc các cơ quan cấp cao hơn sẽ xem xét lại các quyết định tố tụng này”, ông Cường nhìn nhận.
Trước đó, trao đổi với báo chí, bà Viễn - cô con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống giải thích, khi đến làm thủ tục kê khai thừa hưởng quyền thừa kế tài sản, công chứng viên hỏi về bố mẹ chồng, bà đã kê khai là “ông, bà ấy chết cả rồi”. Bà Viễn thừa nhận bản thân sai khi khai tử bố mẹ chồng, nhưng bà cho hay lúc còn sống, “chồng cũng dặn như thế”. Hơn nữa, bố mẹ chồng đã không coi con trai và con dâu còn sống từ trước, thì bà cũng… “coi ông bà cụ đã chết từ lâu”. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, cụ Hợp khẳng định trước khi biết thông tin bị con dâu khai tử, hai cụ và gia đình nhà chồng không có mâu thuẫn với bà Viễn. |