Từ đầu tháng 7/2016, hàng loạt chính sách quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh chính thức có hiệu lực.
Binh sĩ xuất sắc được ưu tiên tuyển vào viên chức quốc phòng
Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có hiệu lực từ ngày 1/7. Luật này quy định về quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; quyền, nghĩa vụ, chế độ phục vụ, chế độ chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nguyên tắc tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng theo yêu cầu nhiệm vụ và biên chế của Quân đội nhân dân; Bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và bình đẳng giới; Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; Đúng vị trí việc làm, chức danh và đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Ngoài ra, những hạ sĩ quan, binh sĩ có thành tích xuất sắc phục vụ trong Quân đội nhân dân; người có chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi; người có tài năng; người dân tộc thiểu số được ưu tiên tuyển chọn, tuyển dụng vào quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Binh sĩ xuất sắc được ưu tiên tuyển vào viên chức quốc phòng
Trong luật quy định rõ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được Nhà nước bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ của Quân đội nhân dân; Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, quân sự, pháp luật và chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với vị trí, chức danh đảm nhiệm; Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Đi thuyền không mặc áo phao bị phạt 200.000 đồng
Từ ngày 1/7/2016 Nghị định 132 của Chính phủ “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa” bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đại diện Cục Đường thủy nội địa VN, điểm mới đáng chú ý trong nghị định này là quy định xử phạt tiền (100.000 đồng - 200.000 đồng, Điều 27 của nghị định) đối với hành khách đi trên phương tiện chở khách ngang sông (đò, phà) mà không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng nổi cứu sinh cá nhân (có hình hộp chữ nhật, đeo vào tay)
Mức phạt trên bằng với mức phạt đối với người điều khiển, ngồi trên mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông.
Từ 1/7/2016, người đi thuyền đò không mặc áo phao bị phạt tiền tới 200.000 đồng (ảnh minh họa TPO)
Người lái phương tiện, thuyền viên có trách nhiệm phát, hướng dẫn cách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho hành khách. Trường hợp không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ an toàn cho người, hành khách trên phương tiện bị cảnh cáo hoặc phạt tiền (ví dụ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với phương tiện chở đến 12 khách).
Hành khách nếu không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.
Người bị tạm giam được quyền bầu cử
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam.
Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm như tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; Giam giữ người trái pháp luật; trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam; vi phạm quy định trong quản lý, canh gác, áp giải người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ; Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân; Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu.
Điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô
Quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra nhằm bảo đảm bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Theo đó, Luật bổ sung quy định làm rõ giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán hàng cho cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu hoặc cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có mối quan hệ liên kết để bảo đảm minh bạch.
Về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô chở người dưới 24 chỗ, để thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô và phù hợp với bản chất của từng loại xe, Luật đã quy định điều chỉnh giảm có lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.000cm3 trở xuống.
Tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000cm3 vì đây là những dòng xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn.
Giảm thuế, miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
Luật đã quy định miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống để giảm bớt khó khăn cho hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là hộ gia đình ở miền núi, vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra, Luật còn sửa đổi quy định về tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế tại Luật Quản lý thuế theo mức bằng 0,03%/ngày (thay cho mức 0,05%/ngày) tính trên số tiền thuế chậm nộp để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay khi lãi suất cho vay ngân hàng đã giảm về mức 8%-9%/năm.