Nhiều tai nạn đau lòng đã được phóng viên (PV) Pháp Luật TP.HCM ghi nhận tại khoa Cấp cứu BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM vào tối 25-1 (28 tết).
Dập nát bàn tay vì cố làm thêm giờ
Nằm trên giường bệnh với bàn tay phải băng kín, bệnh nhân TMH (24 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) thỉnh thoảng thở dài.
H. kể: “Tôi hiện đang làm trong cơ sở đúc gạch, tiền lương gói ghém cũng đủ nuôi mẹ già. Gần tết, vì muốn có thêm chút tiền để mua thêm ký thịt, chục trứng, hộp mứt… nên tôi ráng làm thêm ngoài giờ”.
BS Trương Việt Thông đang xem bàn tay dập nát của H. Ảnh: TRẦN NGỌC
Quay mặt vô tường để giấu những giọt nước mắt trực trào, H sụt sùi: “Trong một giây sơ ý, bàn tay phải của tôi bị máy đúc gạch dập nát. Nhìn bàn tay đầy máu me và lộ cả xương, tôi khóc hết nước mắt. Tôi khóc không phải vì đau, mà là xót mẹ già đang ở nhà ngóng đợi tôi về. Khi hay tin tôi gặp nạn và chuyển vô bệnh viện (BV), mẹ già ngất lên xỉu xuống”.
Sau khi xem kết quả chụp X quang, BS Trần Đăng Khoa cho biết: “Trường hợp này phải mổ cấp cứu. Chúng tôi cố gắng giữ lại ngón cái và ngón trỏ cho H. vì hai ngón này giữ chức năng quan trọng trong việc cầm, nắm. Ba ngón tay còn lại buộc phải tháo khớp. Tiếc cho H. quá, còn trẻ mà phải mang tật”.
Bị đánh liệt chân
Nhìn người con trai TTB (30 tuổi, ở tỉnh Phú Yên) nằm trên giường bệnh với hai chân bị liệt, bà NTBN (62 tuổi) nước mắt ngắn dài.
“B. nghiện rượu nặng nên thường lên cơn co giật, tinh thần bất ổn. Hơn một tháng nay, tôi đưa B. vào BV địa phương điều trị chứng nghiện rượu. Nghe bác sĩ (BS) nói bệnh tình B. có chiều hướng cải thiện nên tôi rất mừng” – bà N. trải lòng.
Cách đây độ hai ngày, chứng co giật và tinh thần bất ổn tái diễn nên B. ôm mùng mền từ lầu ba xuống khu tầng trệt. Lúc đó đã khuya, tôi ngủ quên nên không biết B. bỏ đi từ lúc nào.
Các bác sĩ đang mổ một nạn nhân vị gãy chân. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Nghe tiếng xầm xì, ồn ào khu tầng trệt tôi liền chạy xuống thì thấy B. nằm dưới đất. B. vén áo cho mọi người thấy vết bầm ở sóng lưng do bị đánh. Mọi người dìu nhưng B. không thể đứng được. Tôi thật sự hoảng loạn khi nghe ai đó nói B. đã bị liệt. Hiện công an đang phối hợp với BV địa phương truy tìm người đã đánh B.” – bà N. nghẹn ngào.
BS Trương Việt Thông cho biết, B. bị gãy lõm cột sống thắt lưng 1, tổn thương tủy sống nên bị liệt. “Trước mắt chúng tôi can thiệp chống phù nề tủy để giảm nguy cơ biến chứng cho B. Sau đó chúng tôi hội chẩn với BS cột sống để đưa ra hướng điều trị. Tuy nhiên khả năng hai chân của B. bị liệt sẽ rất cao” – BS Thông nói.
Chia sẻ nỗi đau với bệnh nhân
BS Võ Hòa Khánh, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng-Vi phẫu tạo hình BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cho rằng những tai nạn đau lòng nói trên hầu như ngày nào cũng xảy ra. Đặc biệt những ngày gần tết thì nhiều hơn.
“Đang lành lặn, lại là trụ cột gia đình bỗng dưng bị thương tật, trở thành gánh nặng gia đình nên người bị nạn dễ rơi vào trạng thái buồn chán” – BS Khánh cho biết.
Tất cả bệnh nhân sẽ được mổ sớm để về ăn tết với gia đình. Ảnh: TRẦN NGỌC
Theo BS Khánh, ngày thường BV chỉ mổ những trường hợp gãy xương có vết thương đi kèm. Các bệnh nhân gãy xương kín, không có vết thương thì xếp lịch mổ chương trình. “Tuy nhiên trong những ngày cận tết, để chia sẻ một phần mất mát cho người bị nạn và gia đình, BV cố gắng phẫu thuật tất cả trường hợp có chỉ định để bệnh nhân được về nhà ăn tết với người thân” – BS Khánh nói.
BS Phan Quang Trí, Giám đốc BV Chấn hình chỉnh hình TP.HCM, cho biết BV đã lên danh sách BS ứng trực trong những ngày nghỉ tết.
“Khi có quá đông bệnh nhân cần được phẫu thuật, BV sẽ huy động lực lượng BS ứng trực. BV cũng sẽ tăng cường thêm hai phòng mổ để bệnh nhân không phải chờ đợi lâu và sớm về sum họp cùng gia đình. Trong những ngày xuân, có ai muốn ăn tết trong BV đâu” – BS Trí nói.