Phiên chợ truyền thống ở làng Mọc (Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ diễn ra duy nhất một lần trong năm vào ngày 27 tháng Chạp nên được người dân gọi là Chợ 27.
Cứ sáng 27 Tết hằng năm, người dân ở làng Mọc (Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) lại nô nức đi Chợ 27 truyền thống. Đây là phiên chợ Tết đã được người dân nơi đây duy trì hàng trăm năm.
Đặc biệt, các bậc phụ huynh thường dẫn theo các em nhỏ đến phiên chợ Tết này.
Bà Hoàng Thị Oanh ở Quan Nhân chia sẻ: “Người lớn coi đây là buổi đi chơi Tết, mua vài thứ lấy lộc, còn chủ yếu là để trẻ em đi chơi và nhớ đến truyền thống của làng quê”.
Con ngõ nhỏ dẫn từ đình làng Quan Nhân vào sâu bên trong hằng ngày thông thoáng nay bỗng chật kín người. Nhiều em nhỏ được phụ huynh đội lên cổ để tránh xô đẩy.
Nhiều mặt hàng trưng Tết được bày bán tại phiên chợ. Quất cảnh mini được bán với giá 300.000-500.000/gốc ở chợ.
Người dân lựa chọn mua những quả bưởi to, tròn về để đặt lên bàn thờ ngày Tết.
Những người phụ nữ mua chuối về để thắp hương tổ tiên với giá 30.000 đồng/nải.
Trầu, cau cũng được bày bán tại phiên chợ.
Vàng mã, cành vàng lá ngọc tại chợ “đắt khách” dịp cận Tết.
Rất nhiều loại hoa Tết được bày bán để người dân lựa chọn.
Một vài gian hàng cho chữ được mở ở phiên chợ để phục vụ người dân xin chữ đầu năm.
Đủ các mặt hàng như tiền cổ, bàn là cổ, lì xì… được bày bán tại phiên chợ.
Nhóm văn nghệ của đình, chùa Quan Nhân ngồi biểu diễn hát Sẩm, Chầu Văn phục vụ người đi chợ.
Ông Ngô Văn Thân (86 tuổi) - Trưởng ban quản lý di tích đình làng Quan Nhân cho hay, chợ 27 xưa kia là nơi tụ họp của 7 làng lân cận. Đây là dịp để cho bà con trong vùng được mua sắm, trao đổi hàng hóa ngày Tết. Trải quả năm tháng, nhiều loại đồ chơi dân gian được thay thế bằng các loại đồ chơi hiện đại.
Phiên chợ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian buổi sáng 27 Tết rồi tan nhưng cũng đủ mang lại cho người dân nơi đây một không khí Tết rộn ràng.