Nhận ân tình đặc biệt, sau khi có thể tự lo cho mình, cậu bé bụi đời ngày nào làm một việc không công cho tất cả mọi người suốt 8 năm qua.
Làm việc không công
Nằm cuối con hẻm ngoằn ngoèo, nhiều đoạn gấp khúc, cơ sở sản xuất giày, dép da của anh Nguyễn Ngô Dương (SN 1983, TP Thủ Đức, TPHCM) thu hút nhiều lượt khách đặc biệt. Đó là những người bán vé số, chị nhặt ve chai, anh thợ hồ nghèo…
Họ tìm đến không phải để mua những sản phẩm do anh Dương sản xuất. Họ đến để trải nghiệm dịch vụ sửa giày miễn phí của anh Dương.
Anh Dương bắt đầu công việc sửa giày miễn phí cho mọi người từ năm 2016. Năm ấy, anh mở tiệm kinh doanh giày và có dịch vụ bảo hành sản phẩm cho khách hàng.
Thấy nhiều người nghèo có nhu cầu sửa giày nhưng không tìm được địa chỉ, anh quyết định nhận sửa miễn phí. Anh làm tấm bảng với dòng chữ: Sửa giày miễn phí cho tất cả mọi người rồi dán vào chiếc tủ mình hay ngồi sửa, bảo hành giày.
Hiện tại, vào mỗi cuối tuần, anh Dương lại chuẩn bị đồ nghề, ngồi sửa giày miễn phí cho mọi người. Ảnh: Hà Nguyễn
Anh quay mặt chiếc tủ có dán dòng chữ trên ra đường và ngồi sửa giày không công cho người cần. Ban đầu, nhiều người không tin, cho là chiêu trò quảng cáo của tiệm.
Tuy nhiên, khi thấy anh vẫn giữ tấm bảng sửa giày miễn phí trong thời gian dài, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn bắt đầu đến trải nghiệm. Họ là những người bán vé số, nhặt ve chai, thợ hồ…
Anh Dương kể: “Đa phần những người này không đến sửa giày cho mình, vì họ không có điều kiện hoặc không có nhu cầu đi các loại giày tốt. Thay vào đó, họ đến nhờ tôi sửa giày, dép cho người thân của mình.
Có chị mang đôi giày duy nhất của con đến nhờ tôi sửa, vì chưa đủ điều kiện mua cho cháu đôi mới. Có người lại nhờ tôi sửa đôi giày sờn cũ, mòn vẹt của chồng để ông có thể mang khi đến dự dịp quan trọng của người thân…”.
Cứ thế, người này giới thiệu người kia, người có nhu cầu sửa giày tìm đến anh Dương ngày càng nhiều. Vì để bảng sửa giày miễn phí cho tất cả mọi người nên khách đến với anh Dương không chỉ là người có hoàn cảnh khó khăn.
Anh sửa giày miễn phí cho tất cả mọi người, không riêng gì người khó khăn, lao động nghèo. Ảnh: Hà Nguyễn
Nhiều người khá giả, có nhu cầu sửa giày, dép, ba lô, túi xách bằng da cũng tìm đến, nhờ anh giúp đỡ. Tuy nhiên, những người này cảm thấy ngại khi anh Dương không nhận thù lao.
Để họ không cảm thấy áy náy, anh Dương đặt chiếc hộp nhỏ để mọi người bỏ vào đó số tiền tùy tâm. Cuối tháng, anh cùng thợ của mình mở hộp, lấy số tiền này ra mua thực phẩm, quà để tặng cho người khó khăn.
Anh nói: “Sau một thời gian, tôi thấy việc làm này dễ khiến người đời hiểu nhầm mình lạm dụng số tiền trong hộp, nên quyết định không nhận tiền tùy tâm nữa. Tôi dẹp chiếc hộp và nhất quyết sửa giày miễn phí cho tất cả mọi người tìm đến mình.
Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, ai mang giày đến tiệm, tôi đều nhận sửa và không nhận bất cứ chi phí nào. Ban đầu, những người không khó khăn cũng bất ngờ.
Nhưng khi biết mục đích của tôi, họ đều vui vẻ đồng ý. Thay vì trả tiền sửa giày, họ tin tưởng và giúp lan tỏa, giới thiệu việc làm của tôi đến nhiều người hơn”.
Dù sửa không công, nhưng anh luôn làm việc bằng tất cả tấm lòng và tay nghề của mình. Ảnh: Hà Nguyễn
Ân tình
Suốt 8 năm qua, công việc kinh doanh của anh Dương lúc thăng, lúc trầm. Đặc biệt sau đại dịch, anh buộc phải thu nhỏ, dời xưởng sản xuất từ mặt phố vào trong hẻm.
Dù khó khăn đến mức từng nghĩ đến việc phải bỏ nghề, anh cũng chưa bao giờ tính đến chuyện sẽ dừng việc sửa giày miễn phí. Bởi, ngoài việc muốn giúp đỡ người khó khăn trong khả năng, anh còn xem đây như là một cách tri ân món nợ ân tình được nhận từ thời trẻ dại.
Sinh ra trong gia đình khó khăn, đông con, ngay từ nhỏ, anh em anh Dương sớm phải ra đường bươn chải. Năm 13 tuổi, anh rời gia đình, sống lang thang với một nhóm trẻ bụi đời, ai thuê gì làm nấy để mưu sinh.
Sau đó, anh may mắn được gửi cho một gia đình ở quận 4 (TPHCM) nuôi dạy. Tại đây, anh được những người trong gia đình này dạy lại mọi thứ từ việc đi đứng, ăn nói, xưng hô… Sau cùng, họ dạy anh nghề làm giày da và cho đi học bổ túc văn hóa.
Nhờ có sự giúp đỡ, yêu thương từ gia đình thứ 2 này, cậu bé bụi đời có được con chữ, cái nghề để nuôi thân.
Khi tay nghề đủ tốt, đủ kinh nghiệm bươn chải, anh Dương mở tiệm sản xuất, kinh doanh giày riêng.
Anh xem công việc này như một cách giúp đỡ người khó khăn và tri ân những người đã cưu mang, truyền nghề làm giày cho mình. Ảnh: Hà Nguyễn
Sau này, không còn ai trong gia đình cưu mang anh Dương theo nghề sản xuất giày da. Anh càng phải cố gắng theo đuổi, giữ gìn nghề từng là niềm tự hào của những người đã dạy dỗ, nuôi sống mình.
Anh tâm sự: “Khi tôi khó khăn nhất, những người trong gia đình ấy vẫn hỗ trợ mà không đòi hỏi, chờ đợi tôi báo đáp. Vì vậy, dù trong những lúc khó khăn nhất, tôi cũng không bỏ nghề mà chỉ thu nhỏ cửa hàng, lùi tiệm vào hẻm sâu.
Tôi cố gắng thu vén để duy trì cái nghề, chứ quyết không làm ăn gian dối để chống đỡ, vượt qua khó khăn. Bởi, tôi không muốn để lại tiếng xấu cho gia đình đã nuôi dạy, truyền nghề cho mình.
Tôi luôn cố gắng làm điều gì đó để cảm ơn những người đã có ân tình với mình. Việc sửa giày miễn phí cho mọi người cũng là một cách tri ân những người đã dạy dỗ, truyền nghề cho tôi.
Dù họ không còn làm nghề, nhưng khi biết tôi vẫn theo đuổi và dùng cái nghề được dạy để làm việc tốt, đóng góp một chút gì đó cho xã hội, họ sẽ vui và tự hào. Nghĩ vậy nên dù khó khăn, tôi vẫn cố gắng duy trì việc sửa giày miễn phí”.
Ngày càng nhiều người ở các địa phương gửi các loại giày cũ, hỏng nhưng quan trọng với mình đến nhờ anh Dương sửa miễn phí. Ảnh: Hà Nguyễn
Trước đây, anh Dương sửa giày miễn phí cho mọi người vào các ngày trong tuần. Tuy nhiên do phải thu hẹp cơ sở sản xuất, kinh doanh, không còn nhiều thợ hỗ trợ, hiện anh Dương chỉ dành ngày cuối tuần để sửa giày cho người cần.
Đối với những trường hợp cần gấp, anh sẽ hỗ trợ, sửa trước. Các trường hợp còn lại, anh cố gắng hoàn thành trong những ngày cuối tuần.
Dù sửa miễn phí, không nhận thù lao nhưng anh Dương luôn làm việc bằng tất cả tấm lòng và tay nghề của mình. Những đôi giày cũ, rách sau khi được anh sửa đều có thể sử dụng. Thậm chí một số đôi sau khi được sửa còn phù hợp với người sử dụng hơn so với lúc còn mới.
“Chứng kiến cảnh khách nhận lại đôi giày cũ của mình trong niềm vui, tôi rất hạnh phúc. Bởi, tôi biết mình đã góp phần đem lại niềm vui, giúp chủ nhân của đôi giày bớt đi một phần lo lắng trong cuộc sống”, anh tâm sự.