Ngoài những phong tục thú vị nhằm làm tăng niềm vui trong ngày hạnh phúc, nhiều nơi trên thế giới vẫn áp dụng những nghi thức khiến cô dâu chú rể phát hoảng.
Người Scotland có quan niệm rất thú vị đó là trong ngày cưới, cô dâu càng bẩn càng tốt. Vì vậy, khi đón cô dâu về nhà chồng, những người thân trong gia đình chú rể sẽ ném thức ăn thừa, bột mỳ hoặc thứ gì đó đang bốc mùi lên người cô dâu. Còn trước đó, bạn bè và người thân của cô dân đã ném đủ các loại sữa hỏng, trứng thối… lên cô dâu. Sau đó, cô dâu bị bôi bẩn sẽ phải diễu hành qua nhiều khu phố để mọi người nhìn thấy.
Trong bộ lạc Surma ở Ethiopia, trước khi cưới, cô gái sẽ bị nhổ đi răng hàm dưới, xỏ khuyên ở môi và đeo một chiếc đĩa bằng đất sét vào đó. Từng chút một, kích cỡ chiếc đĩa sẽ to dần. Đến ngày cưới, chiếc đĩa trên môi cô dâu càng to thì quà sính lễ sẽ càng nặng ký, vì kích cỡ của nó tương ứng với độ giàu có của gia đình cô dâu.
Ở Mauritania (Tây Phi), người dân yêu thích ngắm nhìn mẫu phụ nữ phổng phao, phốp pháp. Họ cho rằng đây là tuýp người hấp dẫn, gợi cảm và khỏe mạnh, phù hợp mọi tiêu chí phục vụ cho cuộc sống gia đình. Vì lý do đó, các cô gái Mauritania luôn bị ép ăn không ngừng nghỉ, kể cả bằng những phương thức thô bạo nhất vào thời gian trước đám cưới, kéo theo hàng loạt vấn đề về sức khoẻ cùng nhiều bệnh tật đeo bám trên người.
Tại một số địa phương ở Ấn Độ, phụ nữ khi kết hôn phải đem hồi môn sang nhà chồng. Đó có thể là hàng hoá, tiền hoặc bất động sản. Nếu không đáp ứng đủ số hồi môn nhà trai yêu cầu, cô dâu có thể sẽ bị đối xử tàn nhẫn, đổ dầu hoả lên người và bị thiêu tới chết. Người chồng sau đó sẽ tự do tái hôn và có khoản hồi môn từ cô dâu mới. Ước tính hơn 5.000 cô dâu bị giết vì hủ tục ghê rợn này hàng năm.
Đối với mỗi cặp uyên ương trẻ, đám cưới là ngày trọng đại vui vẻ được mong đợi nhất. Tuy nhiên với người dân tại Borneo, đây lại là dịp “tra tấn” không mong muốn. Trong ngày đại sự, tân lang tân nương bị kiểm soát và quy định không được phép đại, tiểu tiện. Họ bị “giam lỏng” trong 1 phòng nghỉ và bị theo dõi gắt gao. Người dân bản địa giải thích: “Đó là cách thử thách đồng cam cộng khổ đầu tiên cho cặp vợ chồng mới cưới”.
Một cặp vợ chồng mới cưới người Tidon.
Tương tự, những cặp vợ chồng sắp cưới người Tidon ở Sabah (Malaysia) sẽ không được phép tắm hoặc đi vệ sinh trong suốt 72 giờ trước đám cưới. Họ sẽ bị bỏ đói và chỉ được uống một chút nước. Những người thân trong gia đình sẽ đứng canh cô dâu – chú rể. Người dân Tidon tin rằng, nếu hai vợ chồng này vẫn khỏe mạnh bình thường sẽ chứng tỏ họ có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Đối với những cô dâu của dân tộc Thổ Gia, Trung Quốc, họ chào đón ngày trọng đại bằng cách khóc lóc cả tháng trước hôn lễ, thậm chí từ trước đó vài tháng với thời gian khóc mỗi ngày không dưới 60 phút. Những người phụ nữ khác trong gia đình cũng được khuyến khích khóc cùng cô dâu. Cô dâu nào không khóc sẽ bị hàng xóm láng giềng khinh thường và trở thành trò cười. Thậm chí, nhiều người còn bị chính mẹ đẻ của mình đánh đòn vì tội không khóc trong lễ cưới.
Những người Hamer thuộc cộng đồng Omotic sống ở phía Đông thung lũng Oma, Tây Nam Ethiopia lại có phong tục không kém phần “đau đớn”. Với những chàng trai, nếu muốn lấy vợ, họ phải nhảy qua lưng những con bò 4 lần để chứng minh sức mạnh của mình. Thậm chí người ta còn bôi phân lên lưng bò để tăng thêm độ trơn và độ khó cho thử thách. Còn với các cô gái, để cổ vũ cho các chàng trai, họ phải chịu cho một người đàn ông khác đánh bằng roi da cho đến khi toàn thân bật máu để thể hiện tâm ý với chàng trai mình yêu mến và đó cũng là món nợ của người đàn ông với vợ sau này.