Sản phẩm làm ra không có người mua, bị thương lái ép giá là những gì mà người nông dân đang phải chịu trước tin đồn đậu nành gây ung thư.
Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện những tin đồn thất thiệt đặc biệt là liên quan đến vấn đề thực phẩm gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề sản xuất của người nông dân cũng như người kinh doanh. Đáng nói hơn, những tin đồn đó luôn được gắn với hai từ ung thư càng làm cho người dân lo sợ, thậm chí là chưa cần biết thực hư thế nào nhưng họ sẵn sàng “tẩy chay” sản phẩm với tư tưởng “phòng hơn chống”.
Điển hình gần đây nhất là những tin đồn nhằm vào đậu nành với các sản phẩm như: nước đậu, đậu phụ, mầm đậu… Những người tung tin đồn đó đã dựa vào lợi thế của mạng xã hội để lan truyền thông tin, và như một hệ quả tất yếu người tiêu dùng lại được một phen nháo nhác trước thông tin này. Thực tế có không ít người đã từ bỏ những món ăn, đồ uống quen thuộc hàng ngày chỉ vì lo sợ ung thư.
Tin đồn thất thiệt đang làm khổ những người nông dân làm đậu.
Người tiêu dùng thì nháo nhác, còn người sản xuất thì lao đao. Thậm chí có những gia đình trồng đậu, làm đậu đã phải khóc khi nói về những tin đồn này. Tại huyện Phúc Thọ, nơi có diện tích và sản lượng đậu tương lớn nhất Hà Nội cũng chịu chung số phận khi sản phẩm làm ra phải xếp xó vì những tin đồn gây ung thư, gây vô sinh.
Chị Trần Thị Lan ở xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ - Hà Nội) cho biết, gia đình chị trồng hơn 4 sào đậu tương, nếu như mọi năm với giá khoảng 20.000 đồng/kg gia đình chị sẽ có lãi khoảng 5 triệu đồng. Nhưng năm nay, không hiểu vì sao thương lái ép giá, nếu bán theo giá họ đưa ra thì trừ chi phí, gia đình chị không có đồng lãi nào.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về thông tin đậu nành gây ung thư đang lan truyền trên mạng, chị Lan nói: “Tôi cũng có nghe các con nói về thông tin này, thực tế tôi chưa đọc được và tôi cũng chẳng có chuyên môn về vấn đề này để nói, nhưng có lẽ chính vì lý do này mà giá đậu tương giảm. Tiếc của, gia đình tôi vẫn tích trữ đậu trong nhà đợi được giá mới bán”.
Đối với người trông đậu là vậy, còn đối với những người làm đậu thì cũng chịu chung số phận. Tại chợ Đại Mỗ (Nam Từ Liêm – Hà Nội) những người làm đậu phụ cũng đang lận đận trước thông tin này. Theo đó, những cửa hàng làm đậu tại chỗ với những miếng đậu còn đang nóng hổi, mọi khi ra mẻ nào là hết mẻ đó, nhưng thời điểm này người mua hàng rất ít, vì thế lượng đậu tiêu thụ giảm đến gần 1 nửa.
Những người làm đậu cũng chịu chung số phận với nông dân.
“Tôi cứ nghĩ ngày nghỉ nên mọi người đi chơi hoặc về quê nên mua hàng ít, nhưng không ngờ lại có thông tin này. Nếu thông tin này là thật thì chúng tôi mắc bệnh đầu tiên, vì nhà làm đậu, chúng tôi thường xuyên ăn đậu, váng đậu và uống nước đậu”, anh Hùng cho phóng viên biết vào sáng 15/4.
Tuy nhiên, khi phóng viên nói đó là những tin đồn thất thiệt, vì các chuyên gia, bác sĩ ai cũng đã lên tiếng bác bỏ thông tin này, nhiều người bán hàng tỏ ra vui mừng, nhưng họ vẫn còn những mối lo canh cánh: “Đó là mình nói với nhau thế thôi, chứ anh là người mua hàng khi nghe tin đậu gây bệnh ung thư, vô sinh… thì liệu anh có còn muốn mua về để ăn nữa không”, anh Hùng buồn rầu nói.
Thực tế, không chỉ có đậu tương mà từ trước đến nay có không ít các sản phẩm khác đã từng bị những tin đồn “làm khổ”, ví dụ như gội đầu nhiều gây ung thư da, phụ nữ ăn bưởi gây ung thư vú…
Trước những thông tin trên, các chuyên gia cho rằng, bất kể sản phẩm gì cũng có mặt lợi và hại của nó và sản phẩm gì nhất là thực phẩm dùng nhiều cũng không tốt cho cơ thể. Đồng thời các chuyên gia cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên bình tĩnh trước các tin đồn và những thông tin đó chỉ được khẳng định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Còn đối với những người tung tin đồn, không chỉ các chuyên gia mà ngay cả người dân cũng mong muốn cơ quan chức năng nên vào cuộc điều tra, xử lý mạnh tay để răn đe những hành vi tương tự. Có như vậy mới bảo vệ được người nông dân nói riêng và mới tạo ra được môi trường kinh doanh lành mạnh nói chung.