Đối với nữ bác sĩ, khi chọn chuyên ngành hồi sức cấp cứu, đồng nghĩa với việc đối diện với nỗi vất vả vô cùng, nhất là khi họ còn mang trọng trách của người vợ, người mẹ.
Đêm trực dài bất tận
Chứng kiến một đêm trực tại khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Hà Nội mới thấy hết được cái khổ của các nữ bác sĩ, y tá làm chuyên ngành hồi sức cấp cứu.
Có lẽ với những bác sĩ ở đây, việc trực là công việc và họ đã quá quen. Còn với người nhà bệnh nhân không quen thức mới thấy một đêm dài bất tận.
Biên bản hội chẩn của vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Mai Nhiên vào đúng đêm 27/2.
Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Nhiên được nhiều người trong khoa ấn tượng nhất bởi dáng vóc nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và duyên với những ca trực có bệnh nhân đặc biệt. Có những đêm trực vất vả đến ngày được nghỉ thì chị phải đi gặp cơ quan công an để giải quyết các vấn đề liên quan đến bệnh nhân vô gia cư.
Nói về mình, chị chỉ cười “Tôi được xem là bác sĩ có nhiều scandal ở khoa này. Không phải vì mình có vấn đề về chuyên môn mà mỗi lần đến ca trực của tôi lại có các bệnh nhân hơi đặc biệt”.
Chị kể, có khi người nhà của bệnh nhân gây rối túm cả cổ áo bác sĩ bế thốc lên. Bệnh nhân là người vô gia cư, khi đưa vào viện tử vong thì bác sĩ phải đi báo công an. Rồi đủ các rắc rối nơi hồi sức cấp cứu hầu như đều rơi vào ca trực của bác sĩ Nhiên. Với những vất vả đó, chị thấy quen dần vì đó là công việc và cái tâm với nghề. Điều khiến chị Nhiên luôn nặng lòng nhất là gần 8 năm gắn bó với hồi sức cấp cứu là những đêm phải xa con.
Chị Nhiên không quên ngày đầu tiên đi trực. Theo quy định bác sĩ có con nhỏ được nghỉ trực 1 năm. Sau khi đi trực lại, đêm đó chị nóng lòng như lửa đốt. Sáng sớm về nhà bố chồng bảo chị “con chuyển nghề đi”. Lúc ấy, chị mới biết đêm qua con khóc từ 9 giờ tối đến gần sáng. Đứa trẻ mệt quá thiếp đi trong vòng tay ông bà.
Gần đây nhất là tối 27/2, bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa đã cấp cứu trong khoa nhiều lần. Bệnh nhân nhập viện từ trưa ngày 27/2 được cấp cứu kịp thời (cũng chính là bác sĩ Nhiên cấp cứu vì chị Nhiên trực cả ngày đêm hôm đó) nhưng đến nửa đêm bệnh nhân có diễn biến xấu huyết áp tụt, tiếp tục nôn ra máu. Chị cần gọi sang khoa Thăm dò chức năng để liên hệ bác sĩ nội soi cấp cứu, bác sĩ trực thường trú hôm đó là chồng chị.
Cả đêm, hai vợ chồng chị đã hết mình cấp cứu cho bệnh nhân mà quên rằng hai đứa con 5 tuổi và 3 tuổi đang ở nhà một mình. Đứa con 3 tuổi của chị vừa gãy chân, phải đóng đinh. Chị Nhiên bảo “Có lẽ lúc đó chúng ngủ say nên không biết bố mẹ đang bận trực cấp cứu bệnh nhân”.
Đến gần 4h sáng, hai vợ chồng chị cùng ký biên bản hội chẩn rồi anh lại thở dài trở về nhà trong khi các con vẫn say giấc nồng.
Bác sĩ nữ khó trụ với hồi sức cấp cứu
Đối với chị Nhiên đó là công việc bình thường như bao bác sĩ hồi sức cấp cứu khác vẫn đang làm. Nhưng với người ngoài nhìn vào, thậm chí có khi chính người thân trong gia đình của chị, cũng thấy xúc động và có phần mệt mỏi với công việc của chị. Chị kể có những đêm chị trực, chồng chị vội vàng gọi ông bà nội sang trông cháu. Còn những đêm cả vợ chồng đều trực thì chị ôm cả 2 đứa vào bệnh viện trực cùng.
Các bác sĩ tại khoa tặng quà cho bệnh nhân nghèo.
Thạc sĩ Trần Thị Oanh khoa Hồi sức Cấp cứu của Bệnh viện, người đã gắn bó với khoa 18 năm cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Chị Oanh tâm sự: “Trụ lại được với chuyên ngành hồi sức cấp cứu, hẳn là vẫn còn ngọn lửa đam mê, bởi đây được xem là nơi đầu sóng, ngọn gió, nơi số lượng và độ hiểm nghèo của bệnh nhân là số 1.
Trước sự mong manh giữa sự sống và cái chết, đòi hỏi những quyết định căng đầu chỉ trong một vài phút. Nơi đây cũng có thể bùng lên các xung đột của người nhà với nhân viên y tế khi họ chưa hiểu hết các quy trình cấp cứu cho người nhà họ. Nam giới làm bác sĩ chuyên ngành này còn mệt mỏi huống chi đến phụ nữ. Có những đêm trực trắng đêm, đến sáng đồng nghiệp gặp nhau không chào nổi một nụ cười phờ phạc”.
Còn bác sĩ Vũ Huy Hiền, chồng của bác sĩ Nhiên, tâm sự: “Phụ nữ làm công việc hồi sức cấp cứu vất vả nên người làm chồng không thích vợ mình theo ngành này”. Nhiều đêm nhận điện thoại của vợ nhờ vào hỗ trợ cấp cứu, anh chỉ thấy buồn không muốn đi nhưng rồi nghĩ đến bệnh nhân nên lại rảo bước thật nhanh đến bệnh viện. Mỗi lần ký biên bản hội chẩn cùng vợ khi bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch anh lại thở phào rồi vội vàng về với con.
Khi nhìn gói quà người nhà bệnh nhân cảm ơn bác sĩ là quả dưa hấu và túi củ đậu, những bác sĩ nơi đây lại thấy ấm áp vô cùng. Không phải mừng vì mấy củ đậu mà đơn giản ở nơi cận kề sự sống và cái chết vẫn có tình người ở đó.
Rời xa khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện, câu ca trong bài "Hôm nay mẹ trực đêm" lại được bật lên trong tiếng tít tít trong phòng cấp cứu. Từng câu hát "Bữa cơm chiều ăn vội, đèn đường chưa kịp lên, Mẹ đã ra, đi rồi " như khắc vào trái tim của những nữ bác sĩ, y tá đang thức đêm cùng bệnh nhân và niềm khao khát của những đứa trẻ ngóng mẹ về nhà khi hết ca trực.