Chủ khách sạn chia sẻ việc dành 3 khách sạn để làm nơi cách ly tập trung phòng dịch COVID-19 là hành động chung tay vì cộng đồng, xuất phát từ cái tâm chứ không hề tư lợi.
Tính đến 0h ngày 20/3, Việt Nam đã ghi nhận 85 trường hợp mắc COVID-19, theo nhận định của ngành y tế số ca mắc khả năng sẽ còn tăng lên vì tuần tới người Việt Nam ở các nước có dịch sẽ trở về nhiều.
Để chủ động phòng dịch lây lan ra cộng đồng, nhiều địa phương đã triển khai các biện pháp quyết liệt, đặc biệt là Hà Nội - nơi có số lượng đồng bào trở về qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài rất lớn.
Đến nay, Hà Nội đã trưng dụng một số cơ sở như ký túc xá, trường học, bệnh viện bỏ hoang để làm nơi cách ly những người trở về từ vùng dịch. Đặc biệt, trên địa bàn Hà Nội, một số chủ khách sạn tình nguyện hiến khách sạn kinh doanh để làm nơi cách ly phòng dịch bệnh.
Một trong 3 khách sạn bà Hằng sẽ tình nguyện dành để làm nơi cách ly dịch COVID-19.
Là người hiến liền một lúc 3 khách sạn trên phố cổ Hà Nội làm nơi cách ly phòng dịch COVID-19, bà Phạm Thị Hằng chia sẻ việc làm của mình xuất phát từ cái tâm, là việc nên làm để chung tay với toàn xã hội chống dịch. Chủ chuỗi khách sạn ở Hà Nội tâm sự, bản thân bà đã kinh doanh khách sạn trên 20 năm, nhưng chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay.
“Không chỉ riêng chúng tôi, mà cả hệ thống khách sạn trên khắp cả nước cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, mình có cơ sở vật chất nên cùng cộng đồng chống dịch, mong dịch không lây lan và sớm chấm dứt”, bà Hằng mong muốn.
Được biết, cả 3 khách sạn bà Hằng tình nguyện giao cho chính quyền làm nơi cách ly đều nằm trên phố Lò Sũ. Tổng 3 khách sạn có 100 phòng và phục vụ nhu cầu cho 250 người. Trước đó, bà Hằng cũng đã thông báo cho cán bộ, nhân viên làm việc ở khách sạn về quê 4 tháng vì dịch bệnh ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
3 khách sạn của bà Hằng có thể phục vụ được 250 người cách ly.
“Những người nước ngoài vào Việt Nam hay kiều bào nước ta về nước họ có nhu cầu và tiêu chuẩn ăn ở khá cao. Thậm chí họ sẵn sàng chi trả cho cơ sở cách ly để được ở nơi có điều kiện tốt nhất. Chính quyền cho biết sẽ có quỹ để trả tiền điện nước vận hành khách sạn. Việc làm của tôi là hoàn toàn tự nguyện chứ không phải nhằm mục đích kinh doanh.
Tôi đã trao cho chính quyền 3 khách sạn của mình để những kiều bào về Việt Nam thực hiện cách ly theo quy định” - bà Hằng chia sẻ.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách sạn của bà Hằng tạm đóng cửa từ 23/2 cho đến khi hết dịch.
Ở Hà Nội, đã có gần 100 khách sạn đăng ký làm nơi cách ly tập trung phòng dịch, có thể đáp ứng nơi ăn chỗ ở cho tối thiểu 2000, tối đa 3000 người. Đây là việc làm xuất phát từ tâm, vì cộng đồng chúng ta hành động, chứ không ai có tư tưởng trục lợi trong công việc này”, bà Hằng nói thêm.
Được biết, các khách sạn của bà Hằng sẽ sử dụng cho những người xét nghiệm lần 1 âm tính với COVID-19. Người nghi nhiễm COVID-19 sẽ cách ly tại khách sạn đủ 14 ngày để làm xét nghiệm lần 2, 3, 4.
Ông Vũ Văn Thanh (Vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng cục Du lịch) cho biết hiện trên cả nước đã có 120 cơ sở lưu trú từ 2-5 sao đăng ký làm nơi cách ly phòng dịch.
Khi đăng ký sẽ có 2 loại hình, thứ nhất là nhân viên cơ sở lưu trú phục vụ khách cách ly theo hình thức có trả phí. Thứ hai là cho mượn cơ sở lưu trú để làm địa điểm cách ly tập trung.
Theo ông Vũ Văn Thanh, dù gặp khủng hoảng, khó khăn vì không có doanh thu, song các cơ sở lưu trú chỉ thu với mức phí tối thiểu, không ít đơn vị còn tự nguyện hỗ trợ không thu phí. Đây là những hành động rất đáng trân quý trong bối cảnh cả nước chung tay phòng chống dịch COVID-19.