Cho nhân viên nghỉ việc, quản lý bất lực trước hậu quả dịch bệnh gây nên là tình trạng chung của các khách sạn tại Việt Nam hiện nay.
Khách sạch giảm giá đến 70% vẫn đìu hiu khách
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, rất nhiều ngành dịch vụ tại Việt Nam đang rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản vì thất thu. Trong đó, ngành kinh doanh dịch vụ khách sạn là một ví dụ điển hình.
Tại rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam như Sapa, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội… dù các chủ khách sạn đã dùng đủ mọi cách để thu hút khách du lịch nhưng dường như không có hiệu quả. Thậm chí, có những nơi đã khuyến mại, giảm giá đến 70% nhưng vẫn không có khách đặt phòng.
Hầu hết các khách sạn đều trong tình trạng vắng khách do tác động của dịch COVID-19
Anh Đặng Chung - quản lý một khách sạn nổi tiếng ở Sapa cho biết, mọi năm dịp sau Tết Nguyên đán khách sạn phải tăng cường thêm người làm vì lượng khách đổ về rất đông, nhưng năm nay tình thế thay đổi hoàn toàn.
“Đang mùa cao điểm nhưng lượng khách giảm đáng kể, rất nhiều phòng trống không có khách đặt. Đã 1 tháng nay chúng tôi phải nuôi đội ngũ nhân viên lên đến gần 30 người mà nguồn thu không đủ để trả dịch vụ. Thậm chí, chúng tôi đã dùng mọi cách để kích cầu, thu hút khách nhưng không có hiệu quả”, anh Chung cho hay.
Theo đó, khách sạn sẵn sàng giảm giá đến 70% vào những ngày thường và 40% vào dịp cuối tuần nhưng số khách đến thuê phòng và sử dụng dịch vụ ở khách sạn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo anh Chung, việc giảm giá sâu này khách sạn tính toán để đủ chi trả dịch vụ, tiền công cho nhân viên chứ không hề có lãi, thế nhưng vẫn không có tín hiệu khả quan.
Doanh thu giảm mạnh, nhiều khách sạch phải cắt giảm nhân sự, hoặc cho nhân viên nghỉ việc không lương
Còn tại một khách sạn cao cấp có tên N.T.H. ở Nha Trang, trước tình trạng khó khăn và sụt giảm nguồn khách nên Ban quản lý khách sạn đã cắt giảm một nửa nhân sự, thời gian tới có lẽ sẽ còn phải cắt giảm nữa vì nguồn thu không thể đủ chi trả hàng ngày.
“Chúng tôi đã chịu lỗ lên đến hàng tỷ đồng, dù đã cắt giảm đến 40-50% nhân viên, nhưng thời gian tới đây có lẽ sẽ tiếp tục phải cắt giảm, thậm chí khó khăn kéo dài chúng tôi phải tạm dừng hoạt động”, quản lý khách sạn này cho hay.
Chia sẻ về nguyên nhân, quản lý các khách sạn đều có chung quan điểm là do dịch bệnh. “Dù đây là nguyên nhân khách quan, không ai mong muốn nhưng nó ảnh hưởng quá lớn đến những doanh nghiệp kinh doanh như chúng tôi. Mặc dù mọi biện pháp phòng chống dịch chúng tôi đều đáp ứng theo yêu cầu, nhưng lượng khách đặt phòng vẫn rất ít”, anh Chung cho hay.
Cho tạm nghỉ việc để san sẻ những khó khăn khi dịch bệnh
Câu chuyện khách sạn bất lực khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát càng đẩy lên đỉnh điểm khi mới đây trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại cảnh một quản lý khách sạn nổi tiếng ở Hà Nội họp và thông báo với nhân viên về việc sẽ cho nhân viên tạm về quê 4 tháng vì không thể cầm cự được.
Một khách sạn ở Hà Nội cho nhân viên nghỉ việc 4 tháng vì vắng khách
Theo đó, những người về quê cam kết quay trở lại làm việc sau 4 tháng sẽ nhận được 1,5 triệu/1 tháng. Còn với những người không có quê, hay vì lý do nào đó không thể về quê, công ty sẽ vẫn tạo điều kiện cho làm việc với mức lương 4 triệu/1 tháng, không phân biệt vị trí, chức vụ.
“Giờ phút này không còn phân biệt chức vụ hay cấp bậc nữa, đây là lúc chúng ta sống như nhau và được đối xử như nhau. Anh bếp trưởng bình thường 20 triệu giờ cũng 4 triệu, nhân viên lương 4 triệu rưỡi giờ cũng nhận 4 triệu. Đây là mức công ty đã cân đối, đủ để cho mọi người ăn, để sống qua ngày. Đây là lúc mình cần sự chia sẻ, chia sẻ với những người khó khăn hơn mình. Chính sách của công ty sẽ được áp dụng ngay từ 1/3", quản lý khách sạn cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, bà P.T.H. giám đốc khách sạn có quyết định trên cho hay: “Tôi đã bất lực khi đưa ra quyết định này”. Người quản lý này cũng cho biết, dù đã xác định lượng khách sẽ giảm nhưng không ngờ rơi vào tình cảnh này.
Bà H. cũng nhận định, với tình hình hiện tại, kể cả khống chế được dịch bệnh thì trong vòng 9 tháng mọi hoạt động mới có thể phục hồi. “Tôi đã trải qua đợt dịch SARS năm 2003 nên hiểu rất rõ về vấn đề này, trong khi dịch COVID-19 còn nặng nề, lây lan hơn SARS ngày xưa”, bà H. chia sẻ.