COVID-19 ngày 17/3: Ninh Thuận cách ly thôn Văn Lâm 3, nơi bệnh nhân 61 ở, 28 ngày

Ngày 17/03/2020 09:20 AM (GMT+7)

Thôn Văn Lâm 3, nơi bệnh nhân COVID-19 thứ 61 ngụ sẽ được cách ly ít nhất 28 ngày bắt đầu từ 20 giờ hôm nay, 17-3.

Cách ly tập trung người nhập cảnh từ Mỹ, châu Âu, các nước ASEAN

Ngoài các trường hợp nhập cảnh được cách ly tập trung hiện nay, thực hiện việc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu, các nước ASEAN; đồng thời thực hiện việc cách ly, giám sát y tế tại gia đình, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, giám sát theo nhóm đối với các đối tượng không thuộc diện cách ly tập trung. Chính quyền cấp xã, phường và ngành y tế địa phương phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp này, bảo đảm cách ly, giám sát đúng đối tượng, đủ thời gian theo quy định. Nghiêm cấm việc kỳ thị người mắc bệnh, người nghi mắc bệnh.

Tiếp tục hạn chế tối đa các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam. Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải xem xét, quyết định vị trí hạ cánh của các chuyến bay từ vùng dịch bảo đảm thuận lợi cho thực hiện việc cách ly người nhập cảnh và các yêu cầu phòng, chống dịch.

Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc tổ chức sàng lọc các trường hợp nhập cảnh từ trên máy bay, kiểm soát về y tế tại các sân bay và xét nghiệm đối với hành khách nhập cảnh.

 Ninh Thuận cách ly thôn Văn Lâm 3, nơi bệnh nhân 61 ở, 28 ngày

Cuối giờ chiều 17-3, UBND tỉnh Ninh Thuận ra quyết định về việc cách ly y tế khu vực dân cư thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam để phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian cách ly: tối thiểu 28 ngày và bắt đầu thực hiện từ 20 giờ tối nay, 17-3.

Công văn cũng nêu rõ thời gian cách ly là tùy theo diễn biến tình hình dịch và nguy cơ lây lan trong vùng cách ly mà có thể kéo dài hơn.

COVID-19 ngày 17/3: Ninh Thuận cách ly thôn Văn Lâm 3, nơi bệnh nhân 61 ở, 28 ngày - 1

Chợ Văn Lâm tại thôn Văn Lâm 3 đìu hiu ngày 17-3. Ảnh: NÚI XANH

Việc tổ chức cách ly sẽ do UBND huyện Thuận Nam có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp giám sát, phòng, chống dịch theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trước đó, vào ngày 26-2, năm người dân trên địa bàn xã Phước Nam đi Malaysia tham dự hội nghị về tôn giáo Islam và trở về ngày 4-3. Đến đêm 16-3, bệnh nhân BTT (thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam) đã có kết quả dương tính với COVID-19.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Nhiều quốc gia đặt mua Kit phát hiện SARS-CoV-2 của Việt Nam

Tính đến hôm nay, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đã đặt mua Kit phát hiện SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất. Đây là một thành tựu của ngành khoa học và công nghệ Việt Nam. Trước đó, Hà Nội cũng đặt mua 200.000 bộ Kit phát hiện SARS-CoV-2.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc chia sẻ tại buổi làm việc sáng nay (17/3) với các nhà khoa học, chuyên gia nhằm thảo luận các giải pháp khoa học phục vụ phòng chống Covid-19.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc chia sẻ, ngay khi dịch bùng phát tại Trung Quốc, Bộ KH&CN đã phê duyệt 4 đề tài nghiên cứu nhằm phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Trong đó có nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện virus corona chủng mới (nCoV)” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.

Sau một tháng, hai đơn vị đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo được bộ Kit real-time RT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2. Bộ Y tế sau đó có quyết định về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chuẩn đoán invitro xét nghiệm virus được cấp số đăng ký do Học Viện Quân Y và Công ty Cổ phần Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc chia sẻ, ngay sau khi Việt Nam sản xuất thành công bộ Kit, Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Khoa học và Công nghệ đã thông báo đến Bộ Khoa học và Công nghệ các nước ASEAN. Tính đến nay, theo báo cáo của đơn vị sản xuất, nhiều quốc gia, doanh nghiệp đã đặt vấn đề mua bộ Kit do Việt Nam sản xuất.

Năng lực sản xuất của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á khoảng 10.000 bộ Kít/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần. Như vậy, năng lực sản xuất hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch bệnh Covid 19 bùng phát ở nhiều thế giới.

Bộ Kit sẽ hỗ trợ công tác sàng lọc các ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 với thời gian xét nghiệm, từ khi lấy mẫu, xử lý mẫu và chạy máy mất khoảng 2 tiếng. Giá sản phẩm 500.000 đồng/bộ Kit.

COVID-19 ngày 17/3: Ninh Thuận cách ly thôn Văn Lâm 3, nơi bệnh nhân 61 ở, 28 ngày - 2

Thứ trưởng Phạm Công Tạc chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Hoài 

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, có được thành tựu này là do Việt Nam đã có sự chuẩn bị trong thời gian dài. Học viện Quân y từng có nghiên cứu về virus corona, ebola. Cùng với đó là sự hợp tác quốc tế với các nước phát triển như Đức, Pháp.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới T.Ư, do bộ Kit được đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân với 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế nên ngay các bệnh viện cấp tỉnh, các trung tâm y tế dự phòng địa phương cũng có thể xét nghiệm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bùng phát như hiện nay, bên cạnh bộ Kit phát hiện tại các phòng thí nghiệm, giúp chẩn đoán chính xác bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, cần sản xuất các loại Kit di động để tiến hành sàng lọc nhanh tại các khu vực như sân bay, nhà ga. Đây là cách mà Hàn Quốc đã áp dụng nhằm sàng lọc trên diện rộng.

Theo GS Kính, đây là giải pháp rất cần thiết trong bối cảnh nguy cơ dịch có thể bùng phát và phải kiểm soát diện rộng.

Bệnh nhân 61 đã đi đâu trong 11 ngày trước khi phát bệnh?

Cho đến 23h15 ngày 16-3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Ninh Thuận vẫn đang họp sau khi một người dân Văn Lâm, xã Phước Nam trở về từ Malaysia ngày 4-3 và ngày 16-3 được xác định dương tính với COVID-19.

Theo thông tin ban đầu, BN61 nằm trong số 8 người Ninh Thuận tham dự một sự kiện tôn giáo tại Malaysia.

Đây là sự kiện tôn giáo lớn của người Hồi giáo khu vực Đông Nam Á, tổ chức ở gần Kuala Lumpur từ 27-2 đến 1-3 với ước tính 14.500 đến 16.000 người tham dự.

Hôm 15-3, Malaysia cho biết có 190 người nhiễm COVID-19 đa phần liên quan đến sự kiện này. Hôm nay, Malaysia ra quyết định đóng cửa đất nước. Tất cả công sở, trường học, dịch vụ đóng cửa trừ sân bay, bệnh viện, cửa hàng bán gạo và rau quả.

Có ít nhất 8 người Ninh Thuận tham gia Lễ thuyết giáo Itymah tại Malaysia bao gồm 6 người ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam (ở các thôn Văn Lâm, Văn Lâm 3 và Văn Lâm 4) và 2 người ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước.

Thông tin từ chính quyền cho biết trước đó vì trở về từ vùng dịch, những người này được yêu cầu cách ly tại cộng đồng và lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả âm tính.

Việc phân loại đối tượng tiếp xúc với BN61 và xét nghiệm đang được chính quyền Ninh Thuận quyết liệt thực hiện.

Trao đổi nhanh với PV, một thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh cho biết các biện pháp cụ thể hơn để đảm bảo an toàn cho người dân và cộng đồng sẽ được quyết trong cuộc họp này.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Sẵn sàng huy động bác sĩ, y tá về hưu chống dịch COVID-19

Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục có biện pháp mạnh mẽ, trách nhiệm hơn nữa để ngăn ngừa hiệu quả. Cũng theo Thủ tướng, “giai đoạn này dịch khốc liệt hơn” nên cần phải bình tĩnh, không hoảng hốt để chọn giải pháp sáng suốt.

Nhấn mạnh đây là “giai đoạn vàng” trong việc phòng chống, hạn chế lây nhiễm, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hạn chế việc tụ tập đông người, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tiếp tục thực hiện phương thức cách ly tập trung cùng cách ly tại gia đình, cách ly theo nhóm được giám sát. Ban Chỉ đạo quốc gia xem xét cụ thể các mức tăng chi cho người cách ly; đề xuất mức hỗ trợ cho bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và các cá nhân liên quan phục vụ công tác cách ly.

COVID-19 ngày 17/3: Ninh Thuận cách ly thôn Văn Lâm 3, nơi bệnh nhân 61 ở, 28 ngày - 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về chống dịch COVID19

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh dịch lây lan mạnh trên toàn cầu, nhất là ở châu Âu, các bệnh viện trung ương, bệnh viện quân đội, công an, các địa phương, huyện, xã có phương án “nóng” để chuẩn bị sẵn sàng cùng với phương án hiện nay. Sẵn sàng huy động các bác sĩ, y tá về hưu… để phục vụ khi có yêu cầu.

Từ phân tích dịch tễ học của Trung Quốc cho thấy, 70% ca lây nhiễm là trong gia đình, Thủ tướng yêu cầu tuyên truyền và hỗ trợ mạnh hơn cho các gia đình để phòng chống lây lan. “Chúng ta phải nắm chắc vì tất cả đều ở khu dân cư, khu phố. Các khu chung cư cao tầng đều phải có phương án phòng chống dịch”, Thủ tướng lưu ý.

Đối với người đi máy bay, Thủ tướng cho rằng cần phải xem xét tình trạng y tế ngay trên máy bay. Việc này sẽ giúp giải tỏa tốt ở các sân bay.

Ông Trump dự đoán khả năng dịch COVID-19 lây lan cả sang mùa hè

“Nếu tất cả mọi người thực hiện những thay đổi này, thậm chí là thay đổi mang tính hi sinh quan trọng này, chúng ta sẽ đánh bại virus”, ông Trump nói tại Nhà Trắng ngày 16.3, theo The Hill. “Chúng ta sẽ có màn ăn mừng lớn cùng nhau”.

Ông Trump đưa ra những chỉ dẫn cụ thể đối với người dân Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, người dân Mỹ trong 15 ngày tới không tụ tập quá 10 người, tránh di chuyển nếu không cần thiết, tránh ăn nhà hàng, quán bar, làm việc tại nhà nếu có thể.

Đây là những chỉ dẫn cụ thể đầu tiên được ông Trump đưa ra, trong bối cảnh nước Mỹ ghi nhận 4.657 người nhiễm COVID-19 và 86 người tử vong.

Về thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh và chấm dứt, ông Trump nói virus sẽ còn làm thay đổi cuộc sống của người dân Mỹ cho đến tháng 7 hoặc tháng 8.

COVID-19 ngày 17/3: Ninh Thuận cách ly thôn Văn Lâm 3, nơi bệnh nhân 61 ở, 28 ngày - 4

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng.

“Tôi nghĩ đó là tháng 8 hoặc tháng 7, hoặc lâu hơn thế”, ông Trump nói, nhấn mạnh mình đã tham khảo ý kiến của các quan chức y tế trước khi đưa ra mốc thời gian.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, làm rõ lại lời ông Trump rằng tuyên bố trên không có nghĩa virus sẽ lây nhiễm qua mùa hè mà đó là một khả năng.

Ông Trump nói mình chưa cân nhắc đến khả năng phong tỏa toàn quốc, nhưng có thể có những khu vực cụ thể với số ca nhiễm lớn cần phải được phong tỏa.

“Ở thời điểm hiện tại, nguy cơ chưa bao phủ toàn quốc”, ông Trump nói. “Chúng ta sẽ đánh giá từng khu vực cụ thể”.

Nhiều bang ở Mỹ đã thông báo yêu cầu người dân không đến quán bar, nhà hàng hay đến nơi công cộng để ngăn virus lây lan.

Bác sĩ Fauci hối thúc người dân Mỹ tuân thủ chỉ dẫn mới có hiệu lực trong 15 ngày ngay cả khi họ nghĩ rằng như vậy là “quá mức”. “Đối phó với dịch bệnh, chúng ta phải luôn hành động trước nếu không sẽ quá muộn. Tôi hi vọng người dân Mỹ sẽ tuân thủ các chỉ dẫn”, bác sĩ Fauci nói.

Italia: Ghi nhận thêm 349 ca tử vong vì COVID-19, tổng số vượt 2.100

Theo Channel News Asia, tính từ ngày 12.3, số ca tử vong vì COVID-19 đã tăng hơn gấp đôi so với con số công bố ngày 12.3. Đó là thời điểm đánh dấu số ca tử vong ở Italia vượt mức 1.000. Giờ đây, con số này đã tăng lên tới 2.158.

Riêng trong ngày 16.3, Italia thông báo số ca nhiễm mới là 3.233 và có thêm 349 người tử vong. So với con số 15.113 người nhiễm cách đây 4 ngày, Italia hiện đã có 27.980 ca nhiễm COVID-19.

Xét từng khu vực cụ thể, vùng tâm dịch phía bắc ở Italia chiếm phần lớn ca tử vong, bao gồm vùng lân cận xung quanh thành phố Milan. Ước tính số ca tử vong riêng ở vùng Lombardy của Italia là 1.470, tương đương khoảng 66% số ca tử vong trên toàn quốc.

COVID-19 ngày 17/3: Ninh Thuận cách ly thôn Văn Lâm 3, nơi bệnh nhân 61 ở, 28 ngày - 5

Italia tiếp tục thông báo số ca nhiễm mới và số ca tử vong ở mức cao.

Thống đốc vùng Lombardy Fontana nói số ca nhiễm COVID-19 mới không tăng mạnh như vài ngày trước và tình hình có thể khả quan hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vùng lân cận như Piedmont với thủ phủ là thành phố Turin, ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong tăng gấp đôi chỉ trong 2 ngày. Đây là dấu hiệu cho thấy vùng tâm dịch ở Italia có thể bắt đầu lan sang tỉnh khác.

Piedmont thông báo 111 ca tử vong và 1.516 người nhiễm, tính đến ngày 16.3,  so với mức 59 người chết và 873 người nhiễm COVID-19 trước đó 2 ngày.

Vùng Lazio xung quanh thủ đô Rome cũng ghi nhận 19 ca tử vong và 523 ca nhiễm COVID-19.

Anh:  Đối mặt nguy cơ cạn oxy cho người nhiễm COVID-19

Các quan chức thuộc Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã cảnh báo mối nguy thiếu oxy vì các bệnh viện phải tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19.

“Khi bệnh nhân gặp tình trạng khó thở vì virus tấn công, điều quan trọng nhất là phải cho họ thở bằng máy thở oxy trước khi các bác sĩ tiến hành điều trị. Tuy nhiên, các công ty phụ trách việc cung cấp vật tư y tế cho NHS có thể không theo kịp nhu cầu”, Bác sĩ Ganesh Suntharalingam, Chủ tịch Hiệp hội Chăm sóc Chuyên sâu Anh, cho biết.

“Cần phải có một thái độ làm việc gấp gáp hơn về vấn đề này. Oxy thường là thứ chúng ta ít để ý đến nhưng hiện tại, không có gì đảm bảo rằng các bình oxy sẽ không cạn kiệt chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày”, ông Suntharalingam nói thêm.

COVID-19 ngày 17/3: Ninh Thuận cách ly thôn Văn Lâm 3, nơi bệnh nhân 61 ở, 28 ngày - 6

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang được điều trị tại Anh (ảnh: Daily Star)

Công ty BOC Healthcare, đơn vị cung ứng vật tư y tế chính cho NHS đã được yêu cầu phải tăng tốc độ sản xuất lên gấp 4 lần. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ lo ngại, BOC Healthcare sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu oxy vì ngày càng có nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị do COVID-19.

Một số thông tin cho biết, quân đội Anh có thể sẽ được điều động để vận chuyển các bình oxy và máy thở cho các bệnh viện trong phạm vi toàn quốc.

Nhiều bệnh viện tư tại nước Anh đã được yêu cầu bàn giao lại phòng khám và giường bệnh cho NHS do lo ngại thiếu giường cho bệnh nhân COVID-19. Theo ước tính của NHS, nước Anh có nhất 570 bệnh viện tư nhân với tổng số 8.000 giường bệnh.

Bộ trưởng Y tế Anh – ông Matt Hancock cho biết, NHS đang cần máy thở và bình oxy hơn bất cứ thứ gì khác.

“Chúng tôi bắt đầu chống dịch với chỉ khoảng 5.000 máy thở. Chúng tôi cần nhiều hơn thế và nếu bạn có máy thở thì chúng tôi sẵn sàng mua với giá cao”, ông Hancock cho biết.

“Chúng tôi đã nói chuyện với nhiều công ty về vấn đề đó. Thủ tướng cũng sẽ có buổi làm việc với các công ty sản xuất máy thở. Ở các quốc gia khác, nhu cầu máy thở của họ cũng là rất cao nên chúng tôi không thể nhập được quá nhiều. Chúng tôi đã nhập về số máy thở nhiều nhất có thể, vì vậy, các công ty trong nước cần phải sản xuất nhiều hơn nữa”, ông Matt Hancock nói thêm.

Pháp: Phong tỏa toàn quốc

Theo Mirror, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 16.3 thông báo phong tỏa toàn quốc, nói rằng “chúng ta bước vào cuộc chiến với virus Corona”.

Lệnh phong tỏa siết chặt quyền tự do dân sự của người dân và đây là điều chưa từng có tiền lệ ở Pháp trong thời bình.

Người dân Pháp sẽ phải lên mạng tải mẫu đơn, trong đó viết rõ lý do mỗi khi ra ngoài để nộp cho cảnh sát nếu được hỏi. Lý do có thể bao gồm “ra ngoài mua bánh mì hay dắt chó đi dạo”. Người nào không tuân thủ sẽ bị phạt tới 38 euro.

Bộ Nội vụ Pháp có trách nhiệm hướng dẫn cho người dân về quy định mới, sau khi ông Macron tuyên bố phong tỏa trên sóng truyền hình.

Trước đó, Tổng thống Pháp khuyến cáo người dân nên ở nhà trừ khi phải ra ngoài mua thực phẩm hoặc thuốc men và làm việc tại nhà nếu có thể.

Lệnh phong tỏa chính thức có hiệu lực từ 12 giờ trưa ngày 17.3 (giờ Pháp) và kéo dài trong khoảng 2 tuần. Nhà chức trách Pháp tuyên bố huy động 100.000 cảnh sát tuần tra trên đường phố để đảm bảo lệnh phong tỏa được thực thi.

“Người dân không bị ngăn cấm làm bất cứ điều gì nhưng chỉ nên làm một mình, không tụ tập đông người”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Christophe Castaner nói. “Mọi người muốn ra ngoài hít thở không khí? Điều đó không thành vấn đề nhưng ra ngoài đá bóng thì không được”.

Tổng thống Pháp Macron cũng tuyên bố chính phủ tạm ngừng thu các khoản phí liên quan đến tiền thuế, tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước và tiền gas. Ông Macron cũng cam kết hỗ trợ doanh nghiệp với khoản vay lên tới hàng tỉ euro.

Pháp cũng đóng cửa biên giới với các nước láng giềng, trong khi công dân Pháp luôn được phép “trở về nhà”.

Ông Macron nói nhà nước không loại trừ khả năng trưng dụng khách sạn và các tòa nhà thuộc sở hữu cá nhân để làm nơi điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Canada: Đóng cửa biên giới

Thủ tướng Justin Trudeau thông báo đóng cửa biên giới đối với toàn bộ người nước ngoài, trừ người Mỹ và người có thể cư trú dài hạn.

Ông Trudeau hối thúc người dân Canada và công dân cư trú hợp pháp “hãy trở về Canada càng sớm càng tốt”.

“Tôi biết điều này gây lo ngại”, ông Trudeau nói ngày 12.3, tại nơi mình đang tự cách ly. “Tôi biết các biện pháp này có phần hơi quá nhưng đó là biện pháp đặc biệt trong tình huống đặc biệt”.

Bản thân ông Trudeau đang tự cách ly vì vợ ông dương tính với virus corona vào tuần trước. Tính đến ngày 16.3, Canada ghi nhận 441 ca nhiễm COVID-19 và 4 ca tử vong.

Malaysia: Phong tỏa toàn quốc vì COVID-19, nội bất xuất ngoại bất nhập

Phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình, ông Muhyiddin Yassin cho biết, chính phủ sẽ áp dụng lệnh kiểm soát di chuyển, bắt đầu thực hiện từ ngày 18 – 31.3.

Theo quy định của lệnh này, người dân Malaysia sẽ không được di chuyển ra nước ngoài và ngược lại, người nước ngoài cũng sẽ không được phép nhập cảnh vào Malaysia.

“Theo lệnh này, tất cả các trường học, cơ sở tôn giáo, cơ sở kinh doanh đều sẽ phải đóng cửa ngoại trừ siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa bán các nhu yếu phẩm cơ bản”, ông Yassin tuyên bố.

“Chính phủ đánh giá tình hình hiện nay rất nghiêm trọng, đặc biệt với diễn biến của làn sóng lây nhiễm thứ hai. Chúng ta không thể chờ tình hình xấu hơn nữa", ông Yassin cho biết.

COVID-19 ngày 17/3: Ninh Thuận cách ly thôn Văn Lâm 3, nơi bệnh nhân 61 ở, 28 ngày - 7

Thủ tướng Malaysia - ông Muhyiddin Yassin trong bài phát biểu ngày 16.3 (ảnh: Mustsharenews)

"Đừng hoảng loạn, đừng lo sợ và hãy bình tĩnh. Tôi tin rằng, với các biện pháp hạn chế mà chính phủ đặt ra, chúng ta sẽ chặn đứng được sự bùng phát của dịch bệnh”, Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh.

“Tôi hiểu mọi người sẽ cảm thấy bất tiện và cuộc sống hàng ngày bị đảo lộn vì những quy định này. Tuy nhiên, đây là hành động cần thiết của chính phủ nhằm khống chế COVID-19 lan rộng và có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người dân.

Chúng ta đã nhìn thấy số người nhiễm COVID-19 tăng mạnh trong thời gian ngắn ở nhiều nước khác. Tôi chắc chắn các bạn không muốn điều đó xảy ra ở đất nước mình", ông Muhyiddin Yassin nói thêm.

Ông Yassin cũng đảm bảo rằng, việc cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày, bao gồm cả khẩu trang y tế là đầy đủ trên toàn quốc.

Quyết định bất ngờ của Thủ tướng Malaysia được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng đột biến. Ngày 16.3, Malaysia ghi nhận thêm 125 ca nhiễm mới COVID-19 nâng tổng số người nhiễm virus tại nước này lên 553 người, cao nhất Đông Nam Á.

Vì sao 12 người đi chuyến bay có bệnh nhân thứ 46 nhiễm COVID-19 được rời Huế?
Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế giải thích lý do 12 du khách nước ngoài đến Huế từng đi trên chuyến bay có bệnh nhân Covid-19 thứ 46 được...
K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19