Trong khi bạn bè đều chọn ngành tự nhiên để lập nghiệp thì Hà Thanh Thủy, “thủ khoa kép” khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn đắm đuối với môn văn. Em cho rằng, nghề sẽ không phụ nếu đam mê tận cùng.
Từng hoang mang
Mở đầu câu chuyện với tôi, Hà Thanh Thủy kể: "Em sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình có truyền thống làm nghề sư phạm. Mẹ, các cô, chú bên nội/ngoại nhiều người làm nghề dạy học. Vì thế, tuổi thơ của em lớn lên bên những trang giáo án của mẹ, những bài kiểm tra của các cô chú, các các cô trong họ. Chẳng thế mà, từ nhỏ em luôn nghĩ sau này mình được làm công việc giống mẹ".
Thủ khoa kép Hà Thanh Thủy
Chỉ ước mơ làm cô giáo thế thôi, chứ Thủy lúc ấy cũng chưa thể hình dung nổi sau này mình lại trở thành cô sinh viên ngữ văn. Bởi theo em, hồi bé em học đều tất cả các môn, chỉ thực sự thích học văn khi lên lớp 7. Lý do bởi, cô giáo dạy văn quá hay.
“Cô đã “truyền lửa” để đam mê của em được “bùng cháy”. Cô đã dạy em hiểu, học Văn tốt cần có một chút năng khiếu và sự đam mê. Bởi văn là môn khoa học xã hội nhân văn nên phạm vi kiến thức rất rộng, từ kiến thức sách vở đến kiến thức đời sống đều được tích hợp trong môn học này. Vì thế nếu không có sự đam mê sẽ không thể đủ kiên nhẫn đọc hết những cuốn tiểu thuyết kinh điển hay tiếp xúc với những trường phái thơ ca “lạ”. Đam mê cho chúng ta động lực, năng khiếu cho chúng ta sáng tạo và cảm xúc. Hai điều đó làm nên một người học tốt Văn”- Thủy bồi hồi nhớ lại.
Lên cấp 3, Thủy thi đỗ vào lớp chuyên Văn, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - TP Hòa Bình. Năm học lớp 12, em đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi văn quốc gia, được tuyển thẳng. Tuy nhiên, Thủy đã quyết định thi đại học như các bạn để xem thực lực mình đến đâu.
Kết quả thi khiến Thủy rất vui vì và bất ngờ vì em đạt điểm cao nhất khoa Ngữ văn (28,5 điểm)- đạt danh hiệu thủ khoa và được xếp vào lớp “Chất lượng cao”. Trong quá trình học tập, để không “ngủ quên trong chiến thắng”, Thủy luôn tự nhắc mình phải nỗ lực, phấn đấu thật nhiều.
Đã yêu phải theo đến cùng
Không suốt ngày vùi đầu trong thư viện, hay chúi mắt vào máy vi tính, càng không đắm mình trong tiểu thuyết, Thủy thường xuyên tham gia các hoạt động đoàn, hội. Bởi theo Thủy, từ những hoạt động ấy giúp em sống “đời” hơn, mà văn chương thì cũng cần phản ánh dòng chảy của thời cuộc.
Không đặt mục tiêu phải là thủ khoa đầu ra nhưng do nỗ lực học tập, phấn đấu Thủy đã là thủ khoa xuất sắc năm 2015 của khoa Ngữ văn và nằm trong số 98 thủ khoa xuất sắc được TP Hà Nội vinh danh. Ngay sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp, Thủy đã ứng tuyển vào Trường THPT Amsterdam-Hà Nội và được ký hợp đồng.
Khi được hỏi, liệu rằng khi bước vào cuộc sống với nhiều mối bận tâm hơn, em có bị chi phối bởi thu nhập và tình yêu công việc vì thế mà thay đổi, thủ khoa này cho biết: Nhiều thủ khoa không muốn vào Nhà nước làm vì mức lương thấp nhưng bản thân em quyết tâm gắn bó, bám trụ ở trường công lập dù thu nhập có thể không được như mong muốn.
“Còn tình yêu với nghề dạy học lúc nào cũng cháy trong em, dù có thể, với một số người thì nghề dạy học có sự nhàm chán, sự lặp đi lặp lại. Em thấy rằng, cho dù 1 ngày dạy đến 4 tiết cùng 1 bài học nhưng luôn luôn thấy mới mẻ, bởi học sinh luôn là thế giới mở. Mỗi lần lên lớp em lại thấy có sự hứng khởi, cảm hứng khác nhau.
Thu nhập hay chức vụ không phải điều quyết định đến chuyện em có tiếp tục dạy hay bỏ nghề… Mà em nghĩ, đã làm nghề thì phải yêu nghề; đã yêu thì phải theo đến cùng dù cuộc đời sẽ không tránh khỏi có những lúc chông gai” – Thủy nhấn mạnh.
Thủy cũng cho biết thêm, học sinh hiện nay không thích học Văn là một thực tế. Nguyên nhân một phần do môn Văn là môn khoa học xã hội nhân văn với phạm vi kiến thức rộng nên khó nắm bắt. Mặt khác, chương trình Ngữ Văn bây giờ vẫn còn khá nặng về kiến thức cổ điển, các em học sinh đã khó hiểu về ngữ nghĩa văn bản lại khó hiểu về hoàn cảnh xã hội “quá khứ” của văn bản đó.
Ngoài ra, cô tân cử nhân cũng chỉ ra rằng nguyên nhân khách quan khác đó là do xu hướng nghề nghiệp. Hiện nay, cơ hội nghề nghiệp của các ngành kinh tế cao hơn, thu nhập cũng cao hơn. Vì thế ngành xã hội gần như không mấy học sinh theo, và việc học văn cũng chỉ là cách chống đối.
“Nếu như có thể làm một điều gì đó, có lẽ những người giáo viên Ngữ Văn như chúng em chỉ có thể cố gắng “truyền lửa” để các em yêu thích môn Văn hơn, quan tâm đến môn Văn hơn. Nếu như có cơ hội, em rất mong sẽ được tham mưu để đổi mới chương trình SGK, giảm bớt một số kiến thức “quá xa” để môn Văn không còn là “ác mộng” đối với các em học sinh” – Thủy chia sẻ.