"Trước giờ mình đi đổ rác hầu như thấy bịch rác của bác toàn vỏ đồ hộp. Nhưng mình biết tính bác sống một mình, không thích nhờ cậy hàng xóm nên thôi. Mãi đến khi hai tuần trước bác đổ bệnh mới mở lòng ra một chút”, cô gái Sài thành chia sẻ.
Sài Gòn “đổ bệnh” cũng là lúc chúng ta được chứng kiến cảnh “lá lành đùm lá rách”, “lá rách đùm lá nát” của người dân xứ này! Họ cùng nhau yêu thương, san sẻ... để vượt qua quãng thời gian dài khó khăn khi bị COVID-19 “tấn công”. Và hình ảnh ấy đã chạm tới trái tim của triệu dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Tiểu Yến (32 tuổi) – hiện sinh sống tại quận Phú Nhuận, TP.HCM bất ngờ chia sẻ câu chuyện về tình phường nghĩa hẻm giữa mẹ cô và bác hàng xóm khiến bao người xúc động. “Chuyện là sát vách nhà mình có bác hàng xóm sống một mình. Hai tuần trước, mẹ mình thấy bác im re, không mở cửa, không đổ rác mấy ngày nên qua đập cửa xem có chuyện gì hay không? Lúc ấy mẹ mới biết bác bệnh không thiết ăn gì.
Câu chuyện của Tiểu Yến đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. (Ảnh chụp màn hình)
Mẹ mình nấu cháo mang qua cũng nhất định không ăn, phải mang về. Hôm sau, nhà mình nấu cơm, mẹ để một phần mang qua thì bác ăn. Ăn được vài bữa, bác có vẻ ngại nên viết lá thư gửi cho mẹ. Mẹ cũng viết lại thư nói rằng dù sao nhà mình nấu cho 4 người nên thêm một chén cơm, một chút thức ăn nữa cũng không sao. Vì thế mẹ quyết nấu thêm mang qua mỗi ngày cho bác. Đến hôm nay bác lại gửi thêm một lá thư nữa”, cô gái 32 tuổi kể lại.
Tiểu Yến cho biết, mẹ cô năm nay 64 tuổi, còn bác Thanh – hàng xóm đã 88 tuổi. Bản thân cô là người không hay giao lưu với xóm giềng nên chỉ biết bác hàng xóm ở một mình. Vài tháng bác mới có người ghé thăm, không biết là con cháu hay ai? Ngày trước dịch, sáng và chiều nào cô cũng thấy bác quét sân trước nhà cho hàng xóm đôi bên. “Còn mình đi đâu trước giờ đổ rác hầu như thấy bịch rác của bác toàn vỏ đồ hộp. Nhưng mình biết tính bác sống một mình, không thích nhờ cậy hàng xóm nên thôi. Mãi đến khi hai tuần trước bác đổ bệnh mới mở lòng ra một chút”.
Mẹ của Tiểu Yến - người phụ nữ ngày ngày nấu cơm cho bác hàng xóm.
Kèm theo đó là hình ảnh hai bức thư của bác hàng xóm gửi đến mẹ của Tiểu Yến. Nội dung thể hiện sự biết ơn và xúc động của người đàn ông khi được cô hàng xóm quan tâm đến từng bữa ăn giữa mùa dịch COVID-19.
Nguyên văn bức thư đầu tiên:
“Kính gửi cô Sen!
Từ 1/7, tôi bị đau khớp kết hợp với bệnh tiền liệt tuyến có sẵn từ cả năm trước. Gần nửa tháng rất đau nhức, đêm ngủ ngồi chập chờn, lại chỉ uống sữa, không dám ăn, tiêu hóa bị rối loạn.
Hai ngày qua được cô cho cơm ăn. Của cho không nhiều nhưng tác dụng lại kỳ diệu: Sau bữa cơm đầu cảm thấy bớt đau, không còn sợ những cơn đau như trước.
Tình cảm xóm giềng cô giúp đỡ rất quý, không lời cảm ơn nào xứng đáng. Hiện nay bệnh tình tôi đã khá nhiều, đêm có thể nằm ngủ, gần hồi phục như trước khi có lệnh gần giãn cách. Nhà cũng có sẵn gạo và cá hộp, tôi có thể xoay trở được nên quyết không dám phiền cô hơn nữa.
Xin hứa khi nào cần sẽ chủ động nhờ cô giúp.
14/7/2021
Nguyễn Mạnh Thanh”.
Hai lá thư mà bác Mạnh Thanh gửi đến mẹ và gia đình của Tiểu Yến.
14 ngày sau, bác Thanh tiếp tục gửi cho mẹ của Tiếu Yến bức thư thứ 2:
“Kính gửi cô Sen!
Tính đến nay, cô cho ăn đã trên nửa tháng. Cơm cô nấu thật tuyệt vời, những món đơn giản quen thuộc như rau muống, món nào qua tay cô cũng rất ngon, cách nấu tinh tế. Bảy mươi năm “cơm hàng cháo chợ”, chưa bao giờ tôi được ăn ngon như những ngày này.
Nhờ ăn cơm mau lại sức, có thể chịu đựng được những cơn đau nối tiếp nhau ngày cũng như đêm. Hiệu quả sự giúp đỡ của cô có sự đồng thuận của vợ chồng cháu Yến đối với tôi là rất quan trọng cả về vật chất lẫn tinh thần. Nếu chỉ uống sữa sợ đau như trước, chắc chắn ở tuổi 88 chờ chết, tôi không thể nào phục hồi được như hiện nay.
Tình hình giãn cách xem ra còn dài, có thể trở thành bình thường mới, hiện vừa tăng thêm 18 ngày nữa. Thôi thì cô làm phúc phải tội, xin cô giúp thêm ít ngày nữa. Sống độc thân, tôi chịu ơn rất nhiều người nhưng chưa giúp được ai, giờ phải chống đỡ với tuổi già. Lúc đầu óc còn tỉnh táo, nếu được cô coi như người nhà cho góp phần chi phí thì đỡ áy náy. Trước mắt có một số thực phẩm như bột ngọt, dầu ăn mà cơ quan từ thiện cho. Nếu tôi có nấu ăn cũng chẳng bao giờ dùng tới, xin biếu cô. Cô thông cảm nhận cho”.
Nhà của Tiểu Yến có cổng màu xanh và nhà bác Thanh kế sát bên.
Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện xúc động trên đã thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Ai cũng cảm phục tấm lòng của gia đình cô, đồng thời ngợi khen sự biết ơn của người đàn ông sống một mình.
Bạn Nguyễn Vũ Hoàng xúc động: “Bà ngoại mình vừa mất hôm qua, hưởng thọ 86 tuổi. Bà bị ngã phải nằm một chỗ, có người chăm sóc rồi bệnh tuổi già, bị lẫn nửa tỉnh nửa mê. Vì thế ở độ tuổi cao thế này mà phải sống một mình thực sự cô đơn và gặp nhiều khó khăn.
Cảm ơn bạn và gia đình đã để mắt, chăm sóc bác ấy. Những nét chữ nắn nót chứa đầy tình cảm và sự biết ơn rất lớn với những việc làm tuy nhỏ nhưng thực sự có ý nghĩa với bác ấy. Mình vừa khóc vừa nhắn những dòng này. Cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện thật đẹp. Mong bác và gia đình bạn mạnh khỏe để vượt qua đại dịch”.
Ai cũng cảm động trước câu chuyện dễ thương này. (Ảnh chụp màn hình)
“Câu chuyện ấm áp quá! Chữ của bác đã 88 tuổi mà ngay ngắn, thẳng và nắn nót như vậy (mình luôn nghĩ “nét chữ, nết người). Bác thật là người tử tế và cả mẹ bạn cũng quá đỗi ấm áp, chân thành. Chúc bác và gia đình bạn mạnh khỏe, hạnh phúc. Cảm ơn bạn đã lan tỏa câu chuyện quá đẹp”, thành viên Đặng Thanh Hải bày tỏ.