Hơn 3 tháng nay, người mẹ chưa một đêm ngủ ngon giấc, cứ nhắm mắt lại nghĩ tới cảnh đứa con trai khờ khạo một mình bơ vơ trên cõi đời.
Hình ảnh người mẹ già còng lưng gắng dìu cậu con trai to lớn lên phòng vật lý trị liệu vào mỗi sáng đã quá đỗi thân thuộc với các bác sĩ tại khoa Phục hồi chức năng – Vật lý trị liệu (Bệnh viện Phục hồi chức năng TP.HCM).
Một số bệnh nhân cho hay, hai mẹ con người đàn bà ấy sống trong viện suốt mấy tháng trời. Ngày ngày, họ chỉ thấy duy nhất người mẹ chăm sóc, đút cho cậu con trai từng miếng cơm, thìa nước…
“Sau tất cả, thằng út đã mạnh mẽ vượt qua lưỡi hái tử thần trở về thế giới này”
Ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế đá trong dãy hành lang bệnh viện, bà Phạm Thị Cúc (67 tuổi, Quảng Ngãi) đưa đôi bàn tay gầy guộc vỗ từng cái nhẹ để động viên con trai. Trong khi đó, anh Lê Văn Thanh (33 tuổi) chập chững từng bước đi rồi ê a gọi mẹ như một đứa trẻ lên 3. “Nó chỉ cần làm được như vậy là mừng lắm rồi. Cố lên con nhé!”, bà Cúc nói.
Năm 2016, anh Thanh bị tai nạn giao thông và trải qua 5 lần phẫu thuật mới may mắn giữ được mạng sống. Tuy nhiên anh vẫn phải sống với những di chứng nặng nề như khuyết xương hộp sọ vùng trán đỉnh, thái dương, liệt tứ chi và đôi mắt không còn nhìn thấy rõ.
Sau thời gian nằm viện, người mẹ đành bất lực gửi lại mảnh sọ nhờ bác sĩ “nuôi” giúp rồi đưa con trai về quê sống qua ngày vì không có tiền tiếp tục chữa trị. Bà Cúc làm lụng đủ nghề với hi vọng có thể kiếm đủ kinh phí đưa anh Thanh vào Sài Gòn lần nữa phẫu thuật ráp hộp sọ. Nhưng suốt 2 năm trời, bà gom góp mãi không được, chỉ biết ôm lấy con mà khóc.
Bà Cúc đau đớn nhớ lại chuyện con trai bị tai nạn phải sống với những di chứng nặng nề
Đầu tháng 5/2018, anh Thanh may mắn được một số người giúp đỡ chi phí phẫu thuật. Anh cùng mẹ già khăn gói lên đường vào Bệnh viện Chợ Rẫy nằm điều trị chờ ngày mổ gắn hộp sọ.
“Tôi bật khóc nức nở khi bác sĩ thông báo ca phẫu thuật thành công. Cuối cùng, thằng út đã mạnh mẽ vượt qua lưỡi hái tử thần trở về thế giới này. Nó được như vậy cũng nhờ sự giúp đỡ tận tình của các anh chị mạnh thường quân và y bác sĩ. Đời này, mẹ con tôi nợ họ ân tình không thể trả nổi”, bà Cúc nấc nghẹn.
Thấy bà Cúc rưng rưng, anh Thanh khẽ đưa bàn tay thô ráp đặt lên đôi vai gầy của mẹ rồi bập bẹ nói: “Đau, mẹ đau không...”. Có lẽ từ trong sâu thẳm ký ức, người con tật nguyền vẫn luôn nhớ những vết thương trên vai mẹ.
Anh Thanh bị khuyết xương hộp sọ vùng trán đỉnh, thái dương, liệt tứ chi và đôi mắt không còn nhìn thấy rõ
Bà kể: “Trước kia, tôi bị tai nạn phải đóng đinh vào xương vai. Khi ấy thằng út hứa sẽ chăm chỉ làm, dành dụm tiền đưa tôi đi bệnh viện mổ lấy đinh. Nào ngờ... nó lại gặp chuyện rồi sống thực vật. Giờ nó nhớ được rồi, mừng quá cô ạ!”, bà Cúc xúc động.
Nỗi lo đau đáu của người mẹ già...
Sau phẫu thuật ráp hộp sọ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Thanh được chuyển sang Bệnh viện Phục hồi chức năng TP.HCM tiếp tục điều trị. Bà Cúc cho biết anh Thanh từ một người trong tình trạng liệt toàn thân, không nhận thức được sự việc xung quanh... nay đã có thể tự chập chững từng bước đi và i a học nói.
Bà tâm sự: “Nó khờ khạo như đứa trẻ lên 3 nhưng thương mẹ lắm. Có bữa tôi buồn, nó cũng trầm tư suy nghĩ rồi không dám làm nũng. Bác sĩ bảo não của nó không còn nhiều nên việc nhận thức được như vậy là tốt lắm rồi”.
Phút giây hạnh phúc hiếm có của bà Cúc bên cạnh cậu con trai
Từ ngày vào viện, bà Cúc một tay lo liệu sinh hoạt cho anh Thanh. Bà bảo việc tắm rửa cho anh vô cùng vất vả vì bà gầy yếu mà anh to lớn lại không gồng được tí nào. Nhiều lúc, cả hai mẹ con bị té ngã trong nhà tắm. Bà phải cố bò dậy dìu lấy con trai. “3 tháng nay, tôi chưa một đêm ngủ ngon giấc. Cứ nhắm mắt tôi liền nghĩ tới cảnh mình già yếu, chết đi bỏ mặc thằng út bơ vơ trên cõi đời”, bà Cúc chia sẻ.
Để có tiền đóng viện phí cho con trai, chồng bà Cúc (77 tuổi) ở quê phải đi làm mướn cho người ta. Dù vậy số tiền ít ỏi ấy vẫn không đủ. Bà dự định sẽ đưa anh Thanh về quê tự tập ngày nào hay ngày đó.
“Thằng út gặp nạn, tôi đã vay ngân hàng và anh em hơn 100 triệu lận. Giờ tôi đâu dám mượn thêm vì sợ không trả nổi cho người ta. Tôi tính hết tháng này sẽ đưa con về quê, chứ lấy đâu ra tiền chữa trị nữa”, bà nói.
Chi phí mỗi tháng tập vật lý trị liệu, nằm bệnh viện, ăn uống của anh Thanh khoảng hơn 15 triệu đồng. Bác sĩ cho biết với khả năng phục hồi bệnh tốt như anh Thanh cần ở lại bệnh viện vài tháng để khỏi hẳn.
Bà Cúc biết vậy nhưng nghĩ đến căn nhà ở quê không còn gì để bán chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Bà đau đớn chấp nhận cảnh đứa con trai tuột mất cơ hội trở thành người lành lặn.
Khi chúng tôi rời khỏi bệnh viện, bà Cúc tiếp tục “hành trình” dìu cậu con trai luyện tập từng bước đi. Có lẽ đây là ngày những cuối cùng người mẹ già có đủ tiền để cậu con trai được ở lại đây trị bệnh. Ngày sau... sau nữa không biết họ sẽ ra sao?
Mọi giúp đỡ xin vui lòng liên hệ SĐT : 01667474623 (Bà Cúc). Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 0271001079101. Chủ tài khoản: Phạm Thị Cúc, chi nhánh ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi. Xin chân thành cảm ơn! |