Người dân thành phố Lan Châu, Trung Quốc đổ xô đi mua nước đóng chai sau tin nồng độ benzene gây ung thư trong nước máy cao gấp 20 lần mức an toàn.
Ngày 11/4, chính quyền thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc đã cảnh báo 2,4 triệu người dân không sử dụng nước máy sau khi kết quả kiểm tra tại nhà máy nước địa phương cho thấy tỷ lệ chất benzen độc hại trong nước là 200 microgram/lít, cao gấp 20 lần so với tiêu chuẩn an toàn nước sạch của Trung Quốc.
‘Lan Châu đã đóng đường ống chuyển nước ô nhiễm và dùng than hoạt tính để hút benzen,” theo thông điệp của chính quyền địa phương.
Công ty nước Lanzhou Veolia có 45% cổ phần là đơn vị Veolia China, chi nhánh Trung Quốc của Veolia Environment Pháp.
Người dân thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc đổ xô mua nước đóng chai dự trữ - Ảnh: Reuters
“Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, hàm lượng benzen cao gây ra bởi nhiễm bẩn công nghiệp tại một trong hai đường ống dẫn nước thô từ một nhà máy xử lý lắng cặn tới nhà máy xử lý nước sạch”, công ty Veolia thông báo.
Benzene là một chất lỏng không màu được dùng trong sản xuất nhựa, chất bôi trơn, nhuộm, bột giặt và thuốc trừ sâu… Tiếp xúc nhiều với benzene có nguy cơ bị bệnh bạch cầu và ung thư máu, Telgraph dẫn nguồn từ Hiệp hội Ung thư Mỹ cho biết.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, tiêu thụ thức ăn hoặc nước uống có nhiễm lượng lớn benzene có thể gây ra buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, buồn ngủ, co giật, rối loạn nhịp tim và nặng nhất là tử vong.
Ông Shi Zifa, giáo sư ngành hóa học tại Đại học Lan Châu, cho biết uống phải nước chứa benzene có thể gây “ngộ độc cấp tính”.
Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tháng qua người dân Lan Châu phải đối mặt với tình trạng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo. Trước đó, ngày 6/3, dân cư thành phố than phiền rằng trong nước máy có mùi rất khó chịu. Các kết quả điều tra sau đó cho thấy nguồn nước tại đây đã bị nhiễm một lượng lớn ammonia, song không vượt quá mức độ cho phép.