Mùa hè ở nơi này đã từng đạt ngưỡng 54 độ C, đây cũng là mức nhiệt kỷ lục và có khả năng là cao nhất từng được ghi nhận trên trái đất.
Thung lũng Chết (Death Valley) được cho là nơi nóng nhất hành tinh. Đây là một thung lũng dài và hẹp nằm giữa hai bang California và Nevada của Mỹ, là nơi sinh sống của khoảng 300-400 người. Cuộc sống của những người ở nơi nóng nhất địa cầu cũng có rất nhiều khác biệt thú vị so với những địa điểm khác.
Thung lũng Chết hiện đang giữ kỷ lục về nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận trên trái đất - kỷ lục được thiết lập vào ngày 10/7/1913, là 56,7 độ C. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số này không chính xác, có thể đến từ việc nhầm lẫn đo đạc hoặc đọc sai. Nhiều người tin rằng nhiệt độ 53,9 độ C từng được đo tại Thung lũng Chết vào ngày 30/6/2013 là đáng tin cậy nhất. Nhưng dù thế nào, nền nhiệt độ này cũng là quá cao so với những nơi khác.
Thung lũng Chết là nơi thấp nhất, khô nhất và nóng nhất ở Mỹ. Nơi để đo nhiệt độ của Thung lũng Chết là khu vực Furnace Creek, nằm ở độ cao 58 m dưới mực nước biển, trong sa mạc Mojave, phía đông nam bang California. Vào tháng 7/2018, nhiệt độ trung bình nơi đây là 42,3 độ C. Cũng trong tháng đó, có khoảng 21 ngày nhiệt độ luôn ở mức 48,9 độ C.
Thời tiết nóng bức cũng gây ảnh hưởng tới lưới điện của bang, khiến khiến Cơ quan Điều hành Hệ thống Độc lập California (ISO), đơn vị điều hành lưới điện, phải cảnh báo về tình trạng thiếu điện. IOS đã tìm cách mua thêm năng lượng, đồng thời kêu gọi người dân sử dụng điện tiết kiệm vào cuối giờ chiều và buổi tối. Có thời điểm, họ buộc phải ngừng cung cấp điện, gây ra những khó khăn kinh hoàng cho người dân.
Ba công ty tiện ích lớn nhất của bang California - Pacific Gas & Electric, Southern California Edison và San Diego Gas and Electric - đã phải tắt điện của hơn 410.000 ngôi nhà và cơ sở kinh doanh trong khoảng 1h đồng hồ cho đến khi tuyên bố khẩn cấp kết thúc 3 tiếng rưỡi sau đó. Mục đích là để tiết kiệm điện, chia sẻ với Thung lũng Chết.
Tuy nhiên, có một thực tế là người dân tại Thung lũng Chết chỉ chủ yếu dùng điện cho sinh hoạt chứ không phải để làm mát. Khi đã sống quen với cái nóng, họ cảm thấy nhiệt độ trên 40, thậm chí gần 50 độ C vẫn là "dễ thở". Tại đây, mỗi nhà đều lắp 2 loại điều hòa: loại điều hòa thông thường và máy làm mát không khí. Nhưng không phải bất kỳ ai cũng dùng, có gia đình không bao giờ dùng điều hòa nhiệt độ, dù nhiệt kế trong nhà chỉ ngưỡng 35 độ C, bởi họ muốn tiết kiệm tiền.
Cô Brandi Stewart, một người dân sống quanh năm tại Thung lũng Chết và là nhân viên của Vườn quốc gia Thung lũng Chết, những ngày tháng 7 và tháng 8, bạn sẽ có cảm giác như đi trong lò nướng. Bạn thậm chí còn chẳng kịp cảm nhận được mồ hôi vì nó bốc hơi quá nhanh. Vào mùa hè, nhiệt độ luôn ở mức 43,3 - 51,7 độ C vào ban ngày, và 32,2 độ C vào ban đêm. Nhiệt độ cao nhất mùa hè có thể lên tới 54 độ C và nhiệt độ cảm nhận còn kinh khủng hơn thế. Tuy nhiên, bất chấp cái nóng như thiêu đốt, người dân vẫn làm việc, giao lưu, thậm chí tập thể dục ngoài trời.
Patrick Taylor, trưởng bộ phận của Vườn quốc gia Thung lũng Chết, đã kể về trải nghiệm của mình trong những ngày đầu tới sống tại đây.
Khi cơ thể không thể thích nghi với nhiệt độ quá cao, nó sẽ nhanh chóng áp đảo cơ thể, khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều và kiệt sức, từ đó dẫn tới đột quỵ. Tuy nhiên, hầu hết mọi người có thể thích nghi với cái nóng sau 1 vài tuần, chủ yếu là nhờ đổ mồ hôi nhiều giúp cơ thể được làm mát, lưu lượng máu đến da cũng tăng giúp giảm thân nhiệt.
Patrick và một số người khác phải mất khoảng 1 năm để điều chỉnh cơ thể với mức nhiệt tại Thung lũng Chết. Hiện tại, anh đã ở đó được hơn 7 năm. "Tôi không rõ liệu có ai thực sự thích mức nhiệt 52 độ C hay không, tuy nhiên nó không thực sự đáng sợ đến vậy", anh Patrick chia sẻ.
Khu phức hợp Cow Creek - một trong những cộng đồng dân cư chính tại Thung lũng Chết, có khoảng 80 đơn vị nhà ở, hầu hết đều nằm sát nhau. Tại đây có một phòng tập thể dục chung, sân chơi cho trẻ em và thư viện quận. Vào mùa hè, người dân không thích tới thăm nhau vì quá nóng.
Vào mùa hè, sức nóng của Thung lũng Chết có thể khiến những hoạt động dù đơn giản cũng trở nên nguy hiểm. Anh Patrick và gia đình không bao giờ ra ngoài mà không có điện thoại vệ tinh dự phòng, đề phòng trường hợp mất sóng.
Cô Brandi không bao giờ đi mua sắm mà không mang theo bạn trai và một bình nước lớn. Cô cũng phải kiểm tra xe liên tục đề phòng trường hợp nó bị hỏng và mắc kẹt ở một nơi hẻo lánh toàn nắng nóng. Cái nóng ở đây thậm chí có thể dùng để nướng bánh và nướng thịt ngoài trời.
Giờ đây, người dân ở Thung lũng Chết không chỉ phải đối mặt với nắng nóng mà còn phải đối mặt với 2 nguy cơ cực kỳ lớn, một là đại dịch COVID-19, hai là biến đổi khí hậu.
Chính quyền bang California đã cảnh báo người dân rằng thời tiết nắng nóng sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền virus COVID-19. California hiện đang là bang có số ca nhiễm cao nhất toàn nước Mỹ, với con số 2.846.432 ca nhiễm tính đến 19h ngày 14/1/2021.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là điều vô cùng đáng lo ngại. Vào tháng 7/2018, khu vực này đã lập kỷ lục thế giới về tháng nóng nhất từng được ghi nhận, với nhiệt độ trung bình 42,2 độ C. Năm 2010, mức nhiệt thấp trung bình ở Thung lũng Chết vào tháng 8 là 30 độ C, nhưng đến năm 2019 đã tăng lên 32 độ C.
Anh Patrick chia sẻ: "Chúng tôi thường ra ngoài chơi vào ban đêm nhưng giờ chúng tôi không thể ra ngoài và giao lưu nhiều như trước nữa. Có lẽ trước đây, chúng tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc nướng 4 tháng trong năm, thế nhưng bây giờ thời tiết quá nóng để làm điều đó".
Không dừng lại ở đó, Thung lũng Chết còn phải đối mặt với thiên tai và thảm họa. Thời tiết bất ổn dễ gây ra những đám cháy rừng ngoài tầm kiểm soát. Một đám mây lửa khổng lồ, còn gọi là pyrocumulonimbus đã xuất hiện. Khi gió lớn va chạm với ngọn lửa và hất nó lên không trung, một ngọn lửa hình lốc xoáy được hình thành, từ đó gây nên cháy rừng.
Vào mùa hè, những cơn mưa giông hiếm hoi mang theo tia sét, kết hợp với nhiệt độ cao sẵn, càng khiến những đám cháy rừng trở nên trầm trọng hơn.
Với những điều kiện trên, Thung lũng Chết được xem là một trong những nơi sinh sống khắc nghiệt nhất hành tinh.