Mất nước sạch, cộng với cái nắng nóng trên 38 độC trong những ngày này khiến hàng nghìn hộ dân ở Hà Nội “phát cuồng”. Nhiều nhà dân phải đi… tắm nhờ, nước rửa mặt được giữ lại để dội bồn cầu, rất nhiều gia đình phải mua nước sinh hoạt với giá đắt đỏ.
Đi tắm nhờ, mua lavie rửa mặt
“Nhà em mất nước đã 5 ngày nay. May gia đình có bể ngầm nhưng cả nhà dùng đến chiều 17/8- tức dùng trong vòng 4 ngày thì “khô toàn tập”. Tối 17, em phải đi tắm nhờ. Nhà em còn có khoảng 4-5 thợ làm cho cửa hàng ở cùng, mất nước đúng là đại họa. Tổng cộng nhà em, cả thợ và chủ kéo nhau đi ăn quán đã 5 ngày nay. Chiều 17/8, UBND Phường thông báo là chiều tối sẽ có nước nhưng mãi đến hôm nay, (18/8) vẫn chưa thấy giọt nào. Vì thế, em phải đầu tư cái máy bơm cũ với giá 500.000đ để bơm từ nguồn về nhưng nước vẫn chỉ ri rỉ như trẻ con rớt dãi”, anh Nguyễn Hưng - chủ một cửa hàng photo copy ở phố Chùa Láng (quận Đống Đa) bức xúc cho biết. Mất nước lâu và nặng nề nhất là khu vực Mỹ Đình (Nam Từ Liêm). Chị Anh Thi (khu biệt thự liền kề The Manor) cho biết, trung bình tháng nào khu này cũng mất nước vài ngày. Cụ thể tháng 5 vừa qua, nhà chị mất nước gần cả tháng. Nguyên tháng đó, gia đình phải mua nước qua xe téc, mất mỗi tuần mất 1,2 triệu đồng. Đến tháng 6 có nước lại thì qua tháng 7, lại mất tiếp 1 tuần nữa. Ngày 13/8 vừa qua, khu nhà chị lại mất nước thêm 4 ngày. Đến ngày 16/8 có lại nhưng sang ngày 17 lại không thấy giọt nước nào nữa. Chị chia sẻ: “Mình cũng phải mua thêm cái máy bơm để bơm từ nguồn vào. Cứ nửa đêm phải thức đón từng giọt nước hứng vào xô dùng dè nhưng cũng chỉ ri rỉ. Không đủ nước dùng, đành phải cho 2 con sơ tán sang bà ngoại. Mỗi mình ở nhà, mình mua tạm bình tinh khiết 20l loại có vòi về đánh răng rửa mặt, lau người qua loa chứ có nước tắm đâu. Cứ hai ngày, mình phải ra tiệm gội đầu cho đỡ tốn nước”.
Người dân ở chung cư cao tầng của Hà Nội hứng từng giọt nước sinh hoạt. Ảnh: N.H
Anh Trung Dũng (khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, quận Hoàng Mai) cho hay: “Thấy bà con thông báo trên facebook của nhóm là mất nước, mình gọi ngay bà giúp việc ở nhà trữ được 4 chậu nước. Các can rỗng, lọ rỗng trong nhà đều mang ra trữ nước vì ngoài sinh hoạt gia đình, mẹ cháu còn trồng cả ban công cây cối. Chiều 13/8, mẹ cháu đón con về sớm, tắm giặt xong thì mất nước. Sáng hôm sau, riêng cả nhà rửa mặt đã mất 3 chậu con. Nước rửa mặt được trữ lại để dội vệ sinh và tưới cây hoa. Cầm cự được đến chiều thì gia đình phải cho con sơ tán đến nhà bà vì không đủ nước để nấu cơm nữa. Xung quanh khu mình, người thì về quê, người sơ tán khổ lắm. Cũng may khu mình chỉ mất một ngày rưỡi thì có nước trở lại”.
Có nước thì ít và… đục!
Chiếc máy bơm mới tậu của anh Hưng vẫn không cung cấp đủ nước dùng cho gia đình. Ảnh: N.A
“Khởi đầu Tháng cô hồn, nhà thì mất nước. Con gái út thì sốt, có lẽ phải nằm viện cả tháng, quả thật không dễ dàng gì. Ngày mai, cả nhà không biết tá túc ở đâu đây”, chị Hoàng Phương- cư dân ở Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ. Anh Viết Cường- bạn chị Phương cũng cho biết, mình ở gần khu của chị Phương còn mất cả nước, cả điện. Vậy nên trưa 14/8, cả gia đình phải ra tá túc ở nhà nghỉ. “Sau giờ làm về, vợ chồng vừa nấu ăn cho con, giặt giũ, dọn dẹp, dạy con học… đã mất hết thời gian. Giờ phải đi chở nước, chở con đi tắm nhờ. Đã mất nước đến ngày thứ 5, đúng là không còn gì để nói”, anh Cường chia sẻ.
Được biết, mặc dù một số nhà dân và khu đô thị lớn đều có bể nước ngầm tích trữ nhưng nhiều người bức xúc bởi mỗi tháng mất nước đôi lần thế này, không thể cầm cự nổi. “Nhà mình có bể nước ngầm. Tuy nhiên, dùng tiết kiệm lắm cũng chỉ tầm 3-4 hôm thì hết nước. Muốn đánh nhau với bọn nước Sông Đà này lắm rồi. Tháng mất nước vài lần thế này, quá hơn quay về thời ăn lông ở lỗ”, chị Thi bức xúc. Còn theo BQL nhà CT12C Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội), một trong những khu đô thị có lượng cư dân lớn nhất nhì quận Hoàng Mai, tòa nhà có nhiều bể nước dự trữ. Tuy nhiên, với mỗi tòa nhà cao 45 tầng, mỗi tầng 24 căn hộ (trừ tầng 1 và 2 là khu thương mại), tổng số số hộ dân của tòa nhà lên đến cả nghìn hộ. Vì thế, có sử dụng tiết kiệm lắm cũng không cầm cự được bao lâu. Chia sẻ với PV GĐ&XH vào ngày 17/8, chị Phương cho biết, khu vực chị sinh sống đã được cấp nước trở lại nhưng nước rất yếu và đục. “Không có thì phải dùng tạm chứ chất lượng nước rất kém”, chị Phương nói.
Được biết, đường ống nước sông Đà tiếp tục vỡ vào ngày 13/8. Đây là lần thứ 13 đường ống này bị vỡ. Ngày 15/8, lãnh đạo Cty nước sạch Vinaconex (đơn vị cung cấp nước Sông Đà) cho rằng đã cấp nước trở lại cho các hộ dân trên toàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đại diện Công ty nước sạch Hà Nội cho biết từ trung tuần tháng 7 và đặc biệt là giữa tháng 8, đường ống nước sông Đà gặp sự cố khiến lượng nước cấp về giảm 33% về lưu lượng và áp lực. Vì thế nhiều khu vực dân cư của các quận Đống Đa, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy bị thiếu nước.
Ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh nước sạch Viwaco (cung cấp nước ngầm và một phần nước Sông Đà) cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng thiếu nước, đơn vị sẽ cấp nước luân phiên, mỗi khu vực cấp vài tiếng/ngày để phân phối đều cho người dân. Nguyên nhân là do trước khi xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà hôm 13/8, đơn vị này vẫn nhận nước với áp lực 1,8 kg, còn hiện nay chỉ nhận nước với áp lực 1,5-1,6 kg.
Cuối tháng 9 mới khởi công đường ống mới Ngày 16/1, Công ty CP nước sạch Vinaconex đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một số gói thầu của tuyến ống truyền tải nước sạch với vật liệu ống là gang dẻo, chiều dài tuyến khoảng 21 km, từ Ngã tư Hoà Lạc đường QL21 đến KM09+600. Theo dự kiến, cuối tháng 9 tới sẽ khởi công xây dựng đường ống nước Sông Đà mới và hoàn thành tháng 06/2016. |