Những vụ cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ em gái cứ liên tiếp xảy ra tại Ấn Độ với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng, thế nhưng vấn nạn này không thể giải quyết trong ngày một ngày hai bởi những nghịch lý từ chính xã hội.
Ấn Độ được cho là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với phụ nữ bởi tỷ lệ xảy ra các vụ bạo hành và cưỡng bức phụ nữ cao ngất ngưởng. Phụ nữ nước này luôn sống trong nỗi lo sợ thường trực sẽ bị hãm hại, không chỉ do người lạ mà đôi khi đến từ chính những người thân.
Tối 16/12/2012, cô sinh viên Singh đã rời khỏi rạp chiếu phim ở thủ đô New Delhi sau khi xem bộ phim "Life of Pi" với bạn. Cô lên xe buýt để trở về nhà nhưng không ngờ đó là ngày tồi tệ nhất trong đời mình.
Có 6 người đàn ông trên xe buýt, bao gồm cả tài xế và một trẻ vị thành viên đã bị say rượu và muốn tìm khoái lạc. Singh đã bị những gã "yêu râu xanh" này khống chế, lần lượt cưỡng hiếp. Chúng thậm chí còn dùng một thanh sắt để xâm hại Singh trong khi xe buýt chạy quanh thành phố trong vòng 1 giờ. Bạn của Singh đã tìm cách chống trả nhưng cũng bị đánh tơi bời. Sau đó, chúng vứt Singh và bạn cô lại ven đường.
Xem thêm clip: Làn sóng biểu tình tại thủ đô New Delhi sau vụ cưỡng hiếp trên xe buýt chấn động dư luận.
Thương tích của Singh nghiêm trọng tới mức cô phải phẫu thuật cắt bỏ một số bộ phận trên cơ thể. 11 ngày sau, cô được chuyển tới một bệnh viện ở Singapore nhưng qua đời 2 ngày sau đó.
Bốn trong số 6 thủ phạm đã bị kết án tử hình, một người khác tự sát trong tù vào năm 2013 còn một người vị thành niên bị tuyên án 3 năm tù. Sự việc đã gây chấn động toàn thế giới và gây nên rất nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh nhằm đòi lại công bằng cho phụ nữ.
Phụ nữ Ấn Độ xuống đường biểu tình với những khẩu hiệu: "Delhi là thủ đô hiếp dâm, ai chịu tráhc nhiệm", "Chúng tôi lên án hiếp dâm"...
Một trường hợp khác là nạn nhân của tấn công tình dục ở Ấn Độ là Indu Bhandari, 39 tuổi. Cô đã bị xâm hại lần đầu bởi một người làm trong nhà khi mới 3 tuổi. Một lần, Indu đi xe buýt và bị một người đàn ông sàm sỡ. Cô phản ứng mạnh mẽ theo phản xạ, những tưởng sẽ nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh nhưng không, tất cả nhìn cô với ánh mắt gièm pha, kỳ thị. Không một ai cảm thông và điều đó khiến Indu đau đớn không kém gì nỗi đau bị đụng chạm.
Việc bị cưỡng bức giữa ban ngày chẳng còn xa lạ gì với phụ nữ Ấn Độ. Thậm chí, thủ đô New Delhi bị coi là "thành phố tồi tệ nhất thế giới" do nạn bạo lực tình dục phụ nữ xảy ra quá nhiều. Theo báo cáo của Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia Ấn Độ thống kê năm 2017, cứ mỗi 15 phút lại có một phụ nữ hoặc trẻ em gái bị xâm hại (chưa kể những trường hợp quá xấu hổ, suy sụp nên không dám nói ra).
Theo báo cáo năm 2016 của Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh, có tới 106.958 trường hợp phụ nữ bị bạo hành. Trong số đó, có 36.022 trường hợp được ghi nhận là xâm hại tình dục. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Một trong những nguyên nhân khiến nạn hiếp dâm phổ biến tại Ấn Độ là do việc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Năm 2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết tỷ lệ nam nữ ở đất nước này là 112:100.
Các bậc cha mẹ ở Ấn Độ thường cố gắng sinh đẻ đến khi có đủ số lượng con trai mà họ muốn. Chính tư tưởng trọng nam khinh nữ đã thúc đẩy các hành vi tội phạm gia tăng, đặc biệt là hành vi ngược đãi phụ nữ.
Phụ nữ Ấn Độ không được coi trọng.
Phụ nữ Ấn Độ thường bị coi thường và đối xử tệ bạc hơn. Khi thiếu đi sự tôn trọng, việc đàn ông đánh đập, bạo hành hay cưỡng bức phụ nữ xảy ra như cơm bữa. Chính vì vậy, dù là người bị hại nhưng phụ nữ Ấn Độ vẫn bị xem thường và phỉ báng. Tư tưởng đó đã ăn sâu vào suy nghĩ, tiềm thức của nhiều thế hệ khiến phụ nữ ngày càng thiệt thòi.
Những tưởng dư luận sẽ nghiêng về phía phụ nữ - những nạn nhân của nạn cưỡng hiếp nhưng ngược lại, họ cũng có những suy nghĩ sai lệch. Trong khi nhiều việc được coi là bình thường ở đất nước khác như mặc trang phục hiện đại, sử dụng điện thoại, tham gia vào cuộc sống xã hội hoặc đến quán bar..., thì ở Ấn Độ lại bị xem là lệch lạc, thiếu đứng đắn.
Trong vài năm gần đây, rất nhiều nạn nhân của vấn đề cưỡng hiếp đã lên tiếng, điển hình là phong trào #MeToo khi phụ nữ sẵn sàng bước ra trước công chúng để nói về câu chuyện của mình, nhằm tố cáo những kẻ đã tấn công và nâng cao nhận thức của xã hội về vấn nạn kinh hoàng này.
Sau những vụ cưỡng bức nghiêm trọng, dư luận Ấn Độ cũng liên tục nổ ra những cuộc biểu tình nhằm đòi lại công bằng cho nạn nhân nói riêng và phụ nữ nói chung. Trước sức ép dư luận, chính phủ Ấn Độ cũng đã nhiều lần sửa đổi luật pháp, đưa ra những bản án răn đe mạnh hơn. Nhờ đó, báo cáo về các vụ xâm hại tình dục đã giảm bớt nhưng vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết.
Đã có rất nhiều phong trào bùng lên nhưng rồi vẫn thất bại.
Muốn ngăn chặn những vụ cưỡng hiếp phụ nữ, trước tiên phải thay đổi suy nghĩ và nhận thức của người dân, điều gần như là không thể. Sự coi thường và kỳ thị phụ nữ chính là nguyên nhân khiến nhiều người không muốn can thiệp và các vụ cưỡng bức dù chính mắt nhìn thấy, tất nhiên một phần cũng do tâm lý ngại phiền phức.
Chính con trai tổng thống Ấn Độ, nghị sĩ Abhijit Mukherjee từng bóng gió mỉa mai phong trào biểu tình phản đối vụ hiếp dâm rúng động năm 2012 là đang đề cao quá mức những người phụ nữ phấn son, hư hỏng. Dù phát ngôn này bị "ném đá" dữ dội nhưng đã chứng tỏ tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vô cùng nghiêm trọng.
Một bé gái khóc ngất trong giây phút trùng phùng với gia đình sau khi bị bắt làm nô lệ tình dục.
Cùng với sự vùi dập nạn nhân là sự thỏa hiệp với thủ phạm. Nhiều cô gái bị cưỡng bức nhưng không dám lên tiếng, lại tìm đến cái chết hoặc bị ép kết hôn với kẻ đã tấn công mình. Họ thường bị thuyết phục bởi lý do "giữ hòa khí", đồng thời khả năng kết hôn của người phụ nữ còn được xem là quan trọng hơn cả công lý.
Phụ nữ Ấn Độ cũng bị mất niềm tin vào cảnh sát và chính quyền, vì thế thường không báo cáo khi sự việc xảy ra. Việc này khiến cho các nhà chức trách không nắm được tình hình, tạo nên một vòng luẩn quẩn ngày càng lớn hơn trong xã hội. Kết quả, phụ nữ tại quốc gia này vẫn là nạn nhân và chịu đủ mọi thiệt thòi.