“Cô Sâm ắc quy”-người phụ nữ Hà Thành đặc biệt cả đời chưa một lần tô son, đánh phấn

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 05/03/2021 07:00 AM (GMT+7)

Là người con gái gốc Hà Thành - vùng đất nổi danh con gái đẹp kiêu kỳ nhưng cả đời bà Nguyễn Thị Hồng Sâm chưa một lần tô son, đánh phấn mà chỉ thích mùi dầu mỡ, động cơ ô tô.

Người phụ nữ cả đời không biết tô son, ngày 8/3 được làm việc mới là hạnh phúc

Ở cái tuổi 72, dù có lương hưu và đủ đầy con cháu nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Sâm (Long Biên, Hà Nội) vẫn hăng say làm việc bên bộ dụng cụ sửa điện ô tô, cũng như bên đống bình ắc quy với đủ kích cỡ khác nhau.

Người phụ nữ này thẳng thắn chia sẻ, bà làm việc không phải vì tiền mà muốn tìm một người có tâm huyết để truyền nghề, thậm chí sẵn sàng cho không thương hiệu “cô Sâm ắc quy” mà bà đã dày công xây dựng hơn 50 năm, nổi tiếng khắp đất Long Biên.

“Cô Sâm ắc quy”-người phụ nữ Hà Thành đặc biệt cả đời chưa một lần tô son, đánh phấn - 1

Là người phụ nữ gốc Hà Thành nhưng chưa bao giờ bà Sâm tô son, đánh phấn

Là người phụ nữ gốc Hà Thành, nhưng bà Sâm tự nhận cái đặc biệt của bà là chẳng thể thùy mị, nết na như những người con gái Tràng An. Có lẽ cái nghề đã khiến con người bà như vậy. Theo lời bà kể, cả cuộc đời bà chưa từng khoác lên mình bộ váy, chưa từng thoa son hay đánh phấn lên mặt, thay vào đó là mùi két của dầu mỡ, động cơ ô tô.

“Khi còn trẻ, kinh tế khó khăn lấy đâu ra son phấn, lúc đi làm suốt ngày nằm dưới gầm xe, đến khi già thì phấn son, váy vóc cũng chẳng còn nghĩa lý gì”, bà Sâm nói.

Ngày 8/3 sắp đến gần, với chị em phụ nữ ai cũng háo hức mong chờ để nhận những món quà, lời chúc nhưng với bà, mấy chục năm nay ngày 8/3 cũng như bao ngày khác, bà vẫn vùi đầu vào công việc, vì với người phụ nữ này, đó là niềm vui và hạnh phúc.

“Bông hồng thép” ở xưởng ô tô

Bà Sâm trước đây là công nhân chuyên làm về điện ô tô và có thời gian công tác tại xí nghiệp vận tải - xe khách Thái Bình. Cả đội xe của bà chỉ có 2 nhân viên nữ, trong đó bà là người chuyên sửa chữa, bảo dưỡng các loại xe ô tô.

“Cô Sâm ắc quy”-người phụ nữ Hà Thành đặc biệt cả đời chưa một lần tô son, đánh phấn - 2

Bà Sâm đã có kinh nghiệm hơn 50 năm sửa điện, ắc quy ô tô.

Hồi còn trẻ khỏe, bà không ngại đêm hôm hay dầu mỡ, sẵn sàng chui gầm chèn bánh ô tô để sửa chữa. Vài năm gần đây khi sức khỏe giảm sút, bà chỉ sửa phần trên (nắp capo) đó là sửa điện và ắc quy. 

Vốn là con gái gốc Hà Thành (nhà trước đây ở phố Phùng Hưng), vì thế bất cứ ai khi nhìn bà làm công việc sửa ô tô cũng đều đặt câu hỏi: Vì sao phụ nữ lại đi sửa ô tô? Sao không ở Hà Nội mà lại về tận Thái Bình?

Nghe vậy, bà nhoẻn miệng cười và đáp: Vì nhà nghèo nên đi học nghề sửa ô tô cho nhanh, sớm được đi làm kiếm tiền. Còn việc về tận Thái Bình làm việc, bà cho rằng: Nhà nước phân công bà đi đâu bà đi đó, miễn là được làm đúng chuyên ngành mình yêu thích.

“Cô Sâm ắc quy”-người phụ nữ Hà Thành đặc biệt cả đời chưa một lần tô son, đánh phấn - 3

Ngày còn trẻ hay hiện tại bà Sâm vẫn yêu công việc sửa chữa dính với dầu mỡ này.

Không chỉ thời còn trẻ mà ngay cả bây giờ, cánh đàn ông nhìn bà làm việc cũng phải “khiếp vía” và chính bà cũng không hiểu vì sao ngày đó mình lại khỏe như vậy dù chỉ có 45kg. “Anh em trong xưởng ngày đó gọi tôi là bông hồng thép, vì người tôi nhỏ thó mà dùng chân nâng đầu máy nặng 30kg, còn tay sửa máy cứ thoăn thoắt”, bà Sâm nhớ lại.

Sau 5 năm làm việc ở Thái Bình, bà được thuyên chuyển về Hà Nội làm việc cùng chồng, đến năm 45 tuổi bà tiếp tục được điều chuyển sang làm công việc khác nhưng thấy không phù hợp nên đã xin nghỉ hưu vào năm 1993.

Về hưu khi tuổi còn trẻ, bà nhớ nghề, nhớ mùi dầu mỡ, nhớ tiếng động cơ xe và thế là và quyết định sắm sửa bộ đồ nghề sửa ô tô, với tấm biển ghi rất đơn giản: “Sửa chữa điện, thay ắc quy ô tô”. Kể từ đó đến nay, cái tên “Sâm ắc quy” gắn liền với bà.

“Cô Sâm ắc quy”-người phụ nữ Hà Thành đặc biệt cả đời chưa một lần tô son, đánh phấn - 4

“Cô Sâm ắc quy”-người phụ nữ Hà Thành đặc biệt cả đời chưa một lần tô son, đánh phấn - 5

Bà Sâm cầm trên tay bộ đồ nghề đã đi liền theo năm tháng sửa chữa ô tô của mình.

Cửa hàng sửa xe của bà ở ngay đầu đường Ngọc Lâm, nơi có mật độ phương tiện đi lại rất nhiều. Ngày mới mở cửa hàng, khách đến phần vì tò mò xem phụ nữ sửa xe ô tô thế nào, phần vì muốn thử tay nghề của bà. Thế nhưng, khi nghe bà “bắt bệnh” ai cũng trầm trồ và hơn tất cả, tuổi thọ của xe sau khi qua tay bà sửa đều rất cao.

“Nhiều cửa hàng vì lợi nhuận họ sẵn sàng sửa qua loa cho nhanh hỏng để khách hàng lại đến với họ, nhưng với trách nhiệm nghề nghiệp, tôi không làm thế được”, bà Sâm nói.

Sẵn sàng giúp người dù là nửa đêm, chỉ mong tìm được người để truyền nghề

Không chỉ làm việc bằng trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của mình, bà Sâm còn sẵn sàng giúp đỡ miễn phí những tài xế nếu họ nhờ đến mình. Đến thời điểm hiện tại, bà Sâm cũng không còn nhớ có bao nhiêu người đã gọi điện nhờ bà tư vấn nửa đêm khi xe chết máy không thể khởi động được. Chỉ vài phút điện thoại, xe đã nổ được máy và tài xế đó đánh xe thẳng về nhà bà cảm ơn, khiến bà vô cùng bất ngờ.

Hay như câu chuyện cách đây 5 năm về trước, hôm đó vào đúng đêm 30 Tết, khi bà đang chuẩn bị làm mâm cơm cúng giao thừa thì nghe tiếng gõ cửa. Mở cửa ra bà gặp một người đàn ông trung niên cầu cứu khi chiếc xe không thể nổ máy dù đã tìm mọi cách. 

“Cô Sâm ắc quy”-người phụ nữ Hà Thành đặc biệt cả đời chưa một lần tô son, đánh phấn - 6

Giờ bà yếu hơn trước nên không thể chui gầm xe ô tô để sửa.

Dù sắp bước sang năm mới, đồ cúng còn chưa chuẩn bị xong nhưng bà vẫn nhận lời giúp để người đàn ông kia để họ kịp trở về với gia đình. Đến giờ dù câu chuyện đã xảy ra 5 năm nhưng người đàn ông ấy đến kỳ bảo dưỡng vẫn mang xe qua để bà “khám bệnh”.

“Chính vì nhiều người bất chợt hỏng xe giữa đường nên tôi để số điện thoại dán luôn ngoài cửa để ai cần có thể gọi bất cứu lúc nào. Nhận được điện thoại là tôi lên đường đi cứu hộ, kể cả là ban đêm”, bà Sâm chia sẻ.

Điều bà đau đáu nhất hiện giờ là chưa tìm được người kế cận, để truyền nghề dù đã có rất nhiều người đến xin bà học, thậm chí là trả học phí. Bà Sâm cho biết tiền với bà chỉ là vật ngoài thân tiêu bao nhiêu cũng hết, điều cốt yếu trước khi giải nghệ đó là tìm được ai đó có cái tâm, luôn hết lòng vì công việc, chứ đừng hám lợi danh mà bỏ danh dự của mình.

“Cô Sâm ắc quy”-người phụ nữ Hà Thành đặc biệt cả đời chưa một lần tô son, đánh phấn - 7

“Cô Sâm ắc quy”-người phụ nữ Hà Thành đặc biệt cả đời chưa một lần tô son, đánh phấn - 8

Bà Sâm sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ ai có tâm muốn theo đuổi nghề đến cùng.

“Tôi sẵn sàng mang kinh nghiệm cả một đời để truyền lại cho người có tâm, thậm chí nhượng luôn cả thương hiệu mà tôi xây dựng suốt 50 năm qua”, bà Sâm nói.

Anh Nguyễn Bá Bắc (Thanh Trì - Hà Nội) hiện đang là nhân viên giao hàng, rất mong muốn được theo bà Sâm học nghề. Theo đánh giá ban đầu, bà Sâm cho biết anh Bắc chịu khó, tiếp thu nhanh, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn. Tuy nhiên, để bà truyền thụ nghề thì cần phải trải qua nhiều thử thách, chứ không thể chỉ ngày một, ngày hai là biết được tính con người bởi có người tính tốt, nhưng không có sự kiên trì thì sẽ không thể theo đuổi và làm nghề được.

Gặp bà Liên mặt sắt trụ lâu nhất vỉa hè phố cổ, đàn ông nghe tên lắc đầu, lè lưỡi
Cả cuộc đời sống lang thang, giờ đây khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời bà Liên chỉ ước sau khi chết mình sẽ được chôn cất, chứ không phải nằm vạ vật...
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật